Nói đến hồ Nyos, người ta không thể nào quên được thảm họa đã từng giết chết toàn bộ sự sống xung quanh nó vào những năm 80 của thế kỷ trước.
Phong cảnh nên thơ của hồ Nyos ở Cameroon. |
Trông bề ngoài, hồ Nyos không khác gì một hồ nước miệng núi lửa thông thường ở Cameroon. Không chỉ vậy, trông nó còn giống một địa điểm mà dân du lịch sẽ ùn ùn kéo đến để thưởng ngoạn bởi vì phong cảnh vô cùng nên thơ, trữ tình.
Thế nhưng, trong làn nước trong xanh tĩnh lặng của hồ Nyos lại chứa đựng một bí mật mà mắt thường không thể nhìn thấy được khiến Nyos mệnh danh là một trong những hồ nước nguy hiểm nhất thế giới.
Vụ việc xảy ra vào ngày 22/8/1986, người dân địa phương phát hiện toàn bộ người và động vật của các ngôi làng gần hồ Nyos đã chết sạch nên báo đã cho chính quyền.
Những người sống sót cho biết họ nghe thấy tiếng nổ lớn và rồi ngất lịm đi. Khi tỉnh lại, những người xung quanh họ đã chết. |
Sau khi làm thống kê, các bác sĩ bất ngờ khi biết số nạn nhân thiệt mạng lên đến 1.746 người, lớn hơn rất nhiều so với họ tưởng tượng. Đó là chưa kể đến các nạn nhân được những người sống sót chôn cất trong một ngôi mộ tập thể lớn.
Bên cạnh đó, hơn 3.000 gia súc cùng với rất nhiều động vật hoang dã, chim chóc và côn trùng cũng chết một cách bí ẩn sau một đêm.
Vì quá sợ hãi và ám ảnh, nhiều người sống sót đã bỏ làng và trốn vào rừng. Điều gì đã lấy đi nhiều mạng sống trong khoảng thời gian ngắn như vậy? Rất nhiều nhà nghiên cứu đến từ khắp nới trên thế giới như Pháp, Mỹ đã đến Cameroon để tìm câu trả lời.
Kết quả khám nghiệm tử thi cung cấp rất ít thông tin. Không có dấu hiệu chảy máu, bị thương hay bệnh tật, cũng như không có dấu hiệu nạn nhân đau đớn trước khi chết.
Họ chỉ gục xuống, ngất lịm đi và chết. Ngoài ra, không có dấu hiệu phơi nhiễm phóng xạ, vũ khí hóa học hay khí độc.
Những người sống sót cho biết, họ nghe thấy một tiếng nổ lớn, sau đó mùi khó chịu bốc lên khiến họ ngất lịm đi. Lúc tỉnh dậy thì mọi người xung quanh đều đã chết.
Điều đặc biệt là sau khi xảy ra thảm họa, nước hồ vốn trong xanh bỗng nhiên chuyển sang màu đỏ và đục ngầu. Dựa vào manh mối này, các nhà khoa học cho rằng núi lửa bên dưới hồ đã hoạt động trở lại. Có thể một vụ phun trào khí độc là thủ phạm gây ra những cái chết bí ẩn kia.
Mất một năm nghiên cứu và cuối cùng các nhà khoa học đã tìm ra nguyên nhân thảm họa trên.
Hồ Nyos vốn là một hồ hình thành trên miệng núi lửa đã tắt, rộng chừng 2,5 km2 và chỗ sâu nhất là 210 m. Hồ Nyos chứa một lượng lớn khí CO2 cao gấp nhiều lần so với các nơi khác mà nguyên nhân chính là do khí núi lửa thải ra. Thông thường, CO2 sẽ tồn tại dưới lòng hồ sâu thẳm bởi vì áp lực dưới đó cao hơn bề mặt. Việc tích tụ một lượng lớn CO2 trong suốt thời gian dài khiến điều kiện ở hồ Nyos trở nên thiếu ổn định.
Việc giải phóng lượng lớn khí CO2 kia thường không xảy ra nhưng những thảm họa thiên nhiên có thể kích thích làm nổ hồ nước Nyos giống như khi chúng ta lắc một lon nước có ga rồi mở nắp thì nước bên trong sẽ bắn lên tung tóe.
Đó là miêu tả của thảm họa đã xảy ra, nhiều khả năng là một vụ lở đất đã khiến hồ Nyos nổ tung. Cú nổ lớn tạo nên sóng thần cao tận 25m nhấn chìm toàn bộ khu vực xung quanh.
Thế nhưng, đó chưa phải là phần tệ nhất. Khí CO2 được giải phóng và bao trùm cả một vùng rộng lớn xung quanh hồ. Bởi vì CO2 đậm đặc hơn O2 nên nó tập trung ở khu vực gần mặt đất trong khi khí O2 bị đẩy lên phía trên.
Những người không may tiếp xúc đã bị ngộ độc CO2 nghiêm trọng, ngạt thở và đổi màu da. Gần như những người bị lượng lớn khí CO2 tấn công đều chết trong khi một bộ phận khác ở cách hồ Nyos khoảng 25km chỉ bị tổn thương không nguy hiểm tính mạng.
Ảnh chụp các khu vực lân cận hồ Nyos sau thảm họa năm 1986. |
Sau khi phát hiện nguyên nhân, các giải pháp công nghệ như lắp ống khử khí được chính quyền địa phương đặt vào lòng hồ để ngặn chặn những vụ việc tương tự xảy ra trong tương lai. Dù vậy, thảm họa hủy diệt từ hàng chục năm trước đã khiến chẳng người nào muốn tới sống ở khu vực đó, biến Nyos trở thành một trong những địa điểm gây sợ hãi nhất thế giới.
Minh Khôi (T/h)