Tính đến 6h30 ngày 17/8 theo giờ Việt Nam, trên thị trường thế giới, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 0,38%, đạt 86,86 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giao tháng 9 giảm 2,46%, đạt 92,76 USD/thùng.
Giá xăng trong nước nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm. Ảnh minh họa
Theo thống kê độc lập của Viện Dầu khí Mỹ API, tồn kho dầu thô và các sản phẩm xăng dầu đồng loạt giảm trong tuần kết thúc ngày 12/8. Đây sẽ là yếu tố hỗ trợ giá dầu ngày hôm nay, dù với mức giảm 448.000 thùng cũng không quá lớn.
Tuy nhiên, giá dầu thô vẫn đang ở xu hướng giảm khi thị trường đón nhận các dữ liệu kinh tế tiêu cực của Mỹ và diễn biến mới của đàm phán EU - Iran.
Trước đó, OPEC đã hạ dự báo sản lượng mà họ cần bơm ra thị trường trong quý III khoảng 1,24 triệu thùng/ngày, xuống còn 28,27 triệu thùng/ngày. Mức này thấp hơn sản lượng mà 13 nước thành viên đã bơm vào tháng 7 khoảng 570.000 thùng/ngày.
Dữ liệu mới nhất từ Bộ Công Thương cho thấy, giá xăng nhập hiện giảm còn 111 USD/thùng, tương đương mức giá ngày 16/2/2022. Giá xăng trong nước khi đó là 25.320 đồng/lít. Nếu không tính thuế bảo vệ môi trường 3.300 đồng, giá xăng còn khoảng 22.000 đồng/lít.
Theo lãnh đạo một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối, giá dầu thế giới nếu tiếp tục giữ đà giảm hoặc đi ngang trong những ngày tới sẽ khiến giá xăng trong nước sẽ có lần thứ 6 giảm giá liên tiếp vào kỳ điều hành tới (ngày 21/8).
Tuy nhiên, mức giảm cụ thể thế nào còn phụ thuộc vào biến động giá xăng, dầu thế giới trong một vài ngày tới cũng như mức trích, chi Quỹ Bình ổn xăng dầu của cơ quan điều hành.
Tại kỳ điều hành gần đây nhất (ngày 11/8), các doanh nghiệp đồng loạt giảm giá cho các mặt hàng xăng, dầu.
Theo đó, giá xăng RON95 giảm 940 đồng/lít, giá bán còn 24.660 đồng/lít; xăng E5 giảm 900 đồng/lít, giá bán là 23.720 đồng/lít.
Tương tự, giá dầu diesel 0.05S-II giảm 1.000 đồng/lít, giá bán còn 22.900 đồng/lít; dầu hỏa giảm 1.210 đồng/lít, giá sau điều chỉnh là 23.320 đồng/lít. Riêng dầu mazut giữ mức nguyên giá là 16.540 đồng/kg.
Bạch Hiền (t/h)