Giá xăng liên tục tăng mạnh kéo theo nhiều mặt hàng tiêu dùng, dịch vụ cũng rục rịch tăng theo một cách đáng kể.
Chỉ trong vòng hơn một tháng (từ 18/3 đến 2/5), giá xăng đã tăng mạnh 3 lần liên tiếp, hiện xăng E5RON92 ở mức 20.688 đồng/lít, xăng RON95-III 22.191 đồng/lít và dầu diesel 0.05S ở mức 17.695 đồng/lít, cộng với hoá đơn tiền điện tăng cao khiến giá nhiều mặt hàng tiêu dùng cũng rục rịch tăng theo.
Theo báo An Ninh Thủ Đô, tại Hà Nội, từ cuối tháng 4/2019, giá các loại rau xanh cũng tăng khá cao. Một số loại sau như: rau dền đỏ, rau muống, rau ngót, rau cải có giá từ 8.000 – 12.000 đồng/bó, tăng 1.000 – 2.000 đồng; Rau muống 4.000 đồng/bó. Các loại rau Đà Lạt như bắp cải, cà chua… giá từ 35.000 – 75.000 đồng/kg, khoai tây giá 40.000 đồng/kg, nấm các loại từ 50.000 – 100.000 đồng/kg trở lên.
Đáng chú ý, giá các loại rau gia vị như: hành, xà lách, rau mùi... đứng ở mức cao.
Nhiều loại rau củ tăng vì giá xăng tăng liên tục trong những ngày qua. Ảnh: ANTĐ. |
Chị Nguyễn Thanh Trà (Khương Thượng, Đống Đa) cho biết: "Mỗi bữa tôi mua 15.000 đồng rau mà cả nhà ăn mới tạm đủ. Có loại rau giá thấp hơn như rau muống, rau dền nhưng ăn mãi cũng chán, đổi bữa bằng rau cải hay các loại củ, quả là tốn hơn hẳn".
Theo chị Trần Thị Nhàn (Mỗ Lao, Hà Đông), thời điểm này, giá nhiều mặt hàng tăng mạnh khiến người nội trợ phải tính toán chi li.
"Nào xăng tăng giá tổng cộng gần 4.000 đồng/lít, nào hóa đơn điện tăng vùn vụt, rồi thịt lợn bán lẻ vẫn đứng giá chứ có giảm đâu nên chúng tôi phải tiết kiệm lắm. Mấy ngày qua, rau xanh cũng tăng giá mạnh, tiền rau 2 bữa bằng tiền thịt 1 bữa cho cả nhà"- chị Trần Thị Nhàn nói.
Tại các siêu thị như: Big C, Co.opmart, giá rau xanh không có biến động do nguồn cung dồi dào, ổn định.
Lý giải nguyên nhân giá rau xanh tăng mạnh trong những ngày qua, chị Nguyễn Thị Hồng (tiểu thương chợ Phùng Khoang) cho biết: "Vừa rồi đúng dịp nghỉ lễ, người mua nhiều nên giá rau tăng mạnh. Thêm nữa, bây giờ chi phí vận chuyển cũng tăng, chúng tôi nhập từ chợ đầu mối đã tăng vài giá với lý do xăng tăng, rồi còn từ chợ đầu mối về chợ nữa...".
Ngoài ra, nhiều tiểu thương cũng cho biết, do một số tỉnh miền Bắc và Hà Nội mưa dông liên tiếp nên việc thu hoạch rau gặp nhiều khó khăn, nguồn cung rau về Hà Nội hạn chế hơn.
Nhiều dịch vụ vận tải cũng tăng từ 15 - 20%. Ảnh: KTĐT. |
Liên quan đến việc giá xăng tăng kéo theo giá hàng hóa, dịch vụ tăng, báo Kinh Tế và Đô Thị đưa tin, dịch vụ vận tải cũng đã nhấp nhổm tăng giá từ 15 - 20%. Chị Thanh Thủy ở ngõ 85 Nguyễn Lương Bằng phản ánh khi đặt một chuyến xe đi từ ngõ 85 đến đường Quang Trung (Hà Đông) qua ứng dụng Grab giá cước cũng tăng gần 10.000 đồng so với giá thường ngày chị đi. Tương tự Grab, các DN taxi cũng lo lắng có nên tăng giá cước vận chuyển hay giữ nguyên trong khi xăng dầu liên tục tăng giá.
Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Thương mại và Du lịch quốc tế Ngôi Sao (DN sở hữu hãng Taxi VIC) Trương Quốc Hùng chia sẻ, giá xăng chiếm khoảng 35 - 40% trong cấu thành giá cước vận tải, nên việc giá xăng tăng 3.500 đồng/lít khiến DN chỉ có thể hòa vốn bởi trong 4 năm qua taxi VIC chưa tăng giá lần nào, trong kỳ điều hành giá sắp tới, nếu giá xăng không giảm mà tiếp tục tăng sẽ buộc DN phải điều chỉnh giá cước khoảng 10%.
Từ thực trạng xăng tăng giá dẫn đến nhiều mặt hàng, dịch vụ cũng tăng theo, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, giá xăng, dầu trên thị trường trong nước chưa phản ánh đầy đủ biến động giá xăng, dầu trên thị trường thế giới. Không hẳn là đi ngược thế giới nhưng rõ ràng giá mặt hàng này trên thị trường thế giới biến động từng ngày, trong nước không theo kịp.
Để khắc phục điểm yếu này ông Ngô Trí Long đề xuất cơ quan quản lý phải tính được giá cơ sở, theo công thức có sẵn, từ đó có chính sách quản lý rủi ro theo sát giá xăng, dầu nhập khẩu. Tuy nhiên, để làm được điều này đòi hỏi liên bộ Công Thương - Tài chính phải nâng cao năng lực bám sát và dự đoán diễn biến thị trường, từ đó đưa ra phương án điều hành phù hợp với biến động liên tục của thị trường.
THỦY TIÊN (T/h)