Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Giá xăng, điện tăng mạnh: Cần chấm dứt chuyện độc quyền

(DS&PL) -

Nhiều ý kiến cho rằng, việc mặt hàng xăng dầu và điện cùng tăng giá sẽ gây áp lực lạm phát và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người lao động.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc mặt hàng xăng dầu và điện cùng tăng giá sẽ gây áp lực lạm phát và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người lao động.

Chiều ngày 2/5, giá bán lẻ xăng dầu tiếp tục được điều chỉnh tăng lần thứ 3 liên tục kể từ giữa tháng 3/2019. Cụ thể, xăng E5 RON 92 tăng thêm 985 đồng/1 lít, xăng RON 95 mức tăng 956 đồng/1 lít. Các mặt hàng dầu cũng tăng từ 311 - 385 đồng/1 lít, kg tuỳ loại.

Sau tăng giá, xăng RON 95 vượt mức 22.000 đồng/ 1 lít, lên tối đa 22.191 đồng; xăng E5 RON 92 tối đa 20.688 đồng/1 lít. Dầu diesel có mức giá mới 17.695 đồng, dầu hoả 16.625 đồng.

Trong khi đó, câu chuyện về giá điện tăng trước đó vẫn chưa hết xôn xao trong dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng, việc mặt hàng xăng dầu và điện cùng tăng giá sẽ gây áp lực lạm phát và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người lao động.

PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế - PGS.TS Phạm Tất Thắng để ghi nhận ý kiến xung quanh vấn đề này.

Thưa PGS, trước việc giá xăng dầu, giá điện cùng tăng mạnh trong thời gian qua, nhiều chuyên gia lo ngại, giá các mặt hàng khác cũng sẽ “té nước theo mưa”. Ông nghĩ sao về điều này?

Gần đây, dư luận đang hết sức quan tâm đến việc tăng giá điện và giờ thì giá xăng dầu cũng tiếp tục tăng mạnh.

Có một điều chắc chắn rằng, nếu như giá mặt hàng xăng dầu và điện cùng tăng mạnh thì chỉ số giá sinh hoạt và việc kìm giữ lạm phát của Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Hơn nữa, giá điện không chỉ tăng 8,3%, nếu như tính cả lũy kế thì tốc độ tăng của giá điện còn lên nhiều hơn thế.

Chúng ta biết rằng, xăng dầu và điện đều là những yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất và kinh doanh rất nhiều hàng hóa khác. Do đó, với việc tăng giá mạnh cả 2 mặt hàng như thế này thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc hàng loạt mặt hàng khác sẽ tăng giá trong tương lai rất gần.

Trên thực tế, đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy giá của các mặt hàng khác cũng sẽ tăng lên.

Với việc tăng đồng loạt giá như vậy sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động.

Tăng giá xăng dầu cùng với giá điện tăng sẽ gây áp lực lớn về lạm phát. Ảnh minh họa.

Việc mặt hàng xăng dầu và điện tăng giá sẽ ảnh hưởng như thế nào đến mục tiêu kiềm chế lạm phát?

Mục tiêu kiềm chế lạm phát và giữ tốc độ tăng giá tiêu dùng mà Quốc hội đề ra sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí có nguy cơ bị phá vỡ.

Vậy theo ông, cần có giải pháp gì để giải bài toán đối với giá điện và giá xăng dầu?

Rất tiếc rằng giá xăng dầu và giá điện hiện nay chưa hoàn toàn vận hành theo cơ chế thị trường.

Chúng ta thấy rằng, việc giá tăng hay giảm là chuyện hết sức bình thường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh theo cơ chế thị trường. Thế nhưng ở đây, điều đáng nói, cách quản lý giá đối với mặt hàng điện và xăng dầu của chúng ta vẫn “nửa chừng”, không hẳn là quản lý theo định giá của nhà nước, cũng không phải vận hành đầy đủ theo cơ chế thị trường.

Như vậy, nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân và quá trình sản xuất, kinh doanh.

PGS.TS Phạm Tất Thắng.

Để khắc phục tình trạng như hiện nay thì không có cách nào khác ngoài việc chấm dứt độc quyền của 1 cơ quan nhà nước kinh doanh các mặt hàng này. Phải để cho xăng dầu, điện hoàn toàn được theo cơ chế thị trường.

Điều này chúng ta đã nói nhiều nhưng làm vẫn chưa thực sự được nhiều. Người ta cứ lấy lý do rằng, mặt hàng xăng dầu là mặt hàng chiến lược, điện là mặt hàng đặc thù để níu giữ vị trí độc quyền của 1 doanh nghiệp nhà nước như hiện nay là không hợp lý.

Vừa rồi, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban Chỉ đạo giá cũng yêu cầu bộ Công Thương phối hợp với tổng cục Thống kê (bộ Kế hoạch & Đầu tư) theo dõi, đánh giá tác động gián tiếp của việc điều chỉnh giá điện, yêu cầu bộ Công Thương công khai, minh bạch chi phí đầu vào, kết quả sản xuất kinh doanh điện theo quy định.

Đây là tín hiệu tốt, người dân có hy vọng các cơ quan hữu trách xem xét lại tình hình tăng giá điện.

Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, điều cơ bản nhất - cái gốc vẫn là phá vỡ thế độc quyền trong kinh doanh điện và xăng dầu. Nó có ý nghĩa rất quan trọng để giải bài toán minh bạch giá của các mặt hàng xăng dầu và điện.

Ví dụ việc kinh doanh xăng dầu kể từ khâu nhập khẩu đến khâu vận chuyển, khâu dự trữ, khâu bán lẻ… đều phải minh bạch, không nên độc quyền như hiện nay.

Xin trân trọng cảm ơn PGS!

Nguyễn Hường

Người Đưa Tin

Tin nổi bật