Theo Báo Pháp luật TP.HCM, đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vừa gửi tới các vị đại biểu Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Tại báo cáo gửi tới Quốc hội, Đoàn giám sát ghi nhận sự nỗ lực, tích cực của Chính phủ, Bộ GD&ĐT, các cơ quan liên quan trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện việc đổi mới SGK giáo dục phổ thông theo hai nghị quyết trên.
"Đến nay, SGK triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới được bảo đảm đầy đủ theo đúng lộ trình quy định. Nội dung SGK cơ bản đã đáp ứng yêu cầu, được đổi mới theo hướng tinh giản, tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn”, đoàn giám sát nhận định.
Báo cáo giám sát cho hay từ năm 2020 đến năm 2022, đã có 381 đầu SGK mới được xuất bản; 194 triệu bản SGK mới được Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam và Công ty Cổ phần đầu tư xuất bản – thiết bị giáo dục Việt Nam phát hành.
Bên cạnh kết quả đạt được, tiến trình đổi mới SGK giáo dục phổ thông còn tồn tại, hạn chế ở nhiều khâu.
Cụ thể, công tác chỉ đạo triển khai thực hiện biên soạn, thẩm định SGK theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn nhiều lúng túng, phải vừa làm vừa điều chỉnh, gây khó khăn cho các tổ chức, cá nhân trong việc tham gia vào quy trình biên soạn. Một số quy định còn hạn chế quyền của các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK.
Đơn cử, khoản 1, điều 9 và khoản 3, điều 10 Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT quy định tổ chức, cá nhân biên soạn SGK phải đăng ký và nộp bản thảo đến một nhà xuất bản có giấy phép tổ chức xuất bản SGK và chỉ có nhà xuất bản này mới được đề nghị Bộ GD&ĐT thẩm định.
Cũng theo đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc thành viên Ban phát triển chương trình tổng thể và các chương trình môn học của Bộ GD&ĐT đồng thời tham gia làm tổng chủ biên, kiêm chủ biên một số bộ SGK của các nhà xuất bản tạo sự cạnh tranh không công bằng.
Giá SGK đắt gấp 4 lần, còn nhiều hạn chế trong biên soạn, thẩm định, phát hành sách. Ảnh: Dân trí.
Có tình trạng bộ SGK lớp 1 (Tiếng Việt, Toán, Tự nhiên và Xã hội, Đạo đức, Âm nhạc, Hoạt động trải nghiệm) được biên soạn bản thảo trước khi chương trình giáo dục phổ thông 2018 và chương trình môn học được ban hành.
Tổng quan, báo cáo giám sát nhận xét, việc Bộ GD&ĐT không tổ chức biên soạn một bộ SGK theo quy định của Nghị quyết số 88/2014/QH13 bằng ngân sách Nhà nước, mà hoàn toàn phụ thuộc vào xã hội hóa biên soạn SGK là chưa phù hợp với chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước; gây lúng túng cho địa phương, phụ huynh, học sinh trong quá trình lựa chọn SGK.
"Theo báo cáo của Ban Dân nguyện, có 36 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị nên có 1 bộ sách giáo khoa để sử dụng chung", báo cáo giám sát nêu.
Việc thẩm định, tiếp thu chỉnh sửa một số SGK cũng chưa chặt chẽ, còn nhiều lỗi, nội dung thiếu chính xác, văn phong chưa chuẩn mực. Những sai sót về nội dung đã được phát hiện ở 18 cuốn SGK, nhất là đối với SGK tiếng Việt lớp 1, Khoa học tự nhiên lớp 6 và Lịch sử lớp 11, theo Báo Sài Gòn giải phóng.
Khâu cung ứng, phát hành SGK cũng có bất cập, khi phải qua nhiều khâu trung gian. Có tình trạng khan hiếm, thiếu sách cục bộ đối với một số đầu sách trước năm học mới.
Giá SGK vẫn là vấn đề gây băn khoăn. Đoàn giám sát cho biết giá bộ sách giáo khoa mới cao hơn 2-4 lần so với bộ sách cũ.
"Dù có nhiều nhà xuất bản tham gia biên soạn, phát hành sách giáo khoa, có nhiều bộ sách giáo khoa, nhưng giá sách không giảm, mà thực tế đang tăng. Giá sách giáo khoa môn Tiếng Anh cao hơn nhiều so với các môn học còn lại nhưng không sử dụng được nhiều lần", theo nhận định của Đoàn giám sát.
Công tác giám sát cũng chỉ ra tình trạng "bia kèm lạc" khi bán sách giáo khoa kèm sách bài tập, tài liệu tham khảo diễn ra ở nhiều nơi, dẫn tới tăng chi phí mua sách. Bên cạnh đó, tình trạng sách lậu, SGK giả diễn ra phức tạp.
Một vấn đề quan trọng khác, theo Đoàn giám sát, chi phí phát hành sách giáo khoa cao, chưa hợp lý so với các mặt hàng thiết yếu.
Theo Dân trí, đề cập trách nhiệm, Đoàn giám sát cho rằng Bộ GD&ĐT nhiệm kỳ 2011-2016 và 2016-2021 chịu trách nhiệm về các tồn tại, hạn chế trong việc tổng kết thực tiễn, rà soát thực trạng, đánh giá tác động của những chính sách mới trong triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Bộ GD&ĐT cũng phải chịu trách nhiệm về việc không tổ chức được việc biên soạn một bộ sách giáo khoa của Nhà nước.
Theo Đoàn giám sát, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trực thuộc sự quản lý của Bộ GD&ĐT cũng chưa thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ trong việc biên soạn, in ấn, phát hành sách giáo khoa, còn để xảy ra sai phạm, chi phí phát hành (chiết khấu) cao, giá sách giáo khoa khá cao.
Đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ chỉ đạo thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, nhất là công tác đấu thầu, mua sắm thiết bị giáo dục; việc xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa; quá trình biên soạn, thẩm định, xuất bản, in, phát hành, lựa chọn, sử dụng chi phí phát hành sách giáo khoa trên phạm vi toàn quốc.
Cơ quan giám sát cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương biên soạn một bộ sách giáo khoa của Nhà nước; nghiên cứu, xem xét cơ chế, chính sách miễn tiền bản quyền với việc xuất bản sách giáo khoa do Nhà nước là chủ sở hữu quyền tác giả...
Như Quỳnh (T/h)