Theo VietNamnet, trước những sự việc lùm xum liên quan đến ngành giáo dục Thủ đô trong những ngày qua, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội đã có những chia sẻ đối với từng vụ việc cụ thể.
Đầu tiên là vụ việc cô giáo túm áo, lôi nữ sinh lớp 12 quỳ khóc trước cửa vào lớp xảy ra ở Trường THPT Đa Phúc (Sóc Sơn). Theo ông Cương, chỉ vì một chiếc bánh gato, nữ giáo viên đã để sự việc đi quá xa.
ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội. Ảnh: VietNamnet.
“Một hành động của giáo viên nhưng đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới thương hiệu 60 năm xây dựng và phát triển của trường. Không những vậy, ngành giáo dục cũng bị ảnh hưởng và khiến dư luận vô cùng bức xúc. Cho nên, sở GD&ĐT yêu cầu cần phải xử lý nghiêm, tạm đình chỉ giáo viên để chờ cơ quan chức năng xem xét, điều tra, xử lý theo quy định”.
Sau đó không lâu đã tiếp tục xảy ra sự việc ở Trường THPT Phan Huy Chú (Thạch Thất), thầy giáo có hành vi bóp cằm, chỉ tay vào mặt và quát tháo học sinh bằng những từ ngữ nặng nề. Theo ông Cương, đây là hành vi không thể chấp nhận được.
"Sự việc xảy ra ở một trường tư, nhưng dù tư hay công cũng đều chịu sự chỉ đạo của Sở GD&ĐT và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đã là giáo viên, thầy cô không được phép dùng những lời nói thiếu chuẩn mực với học sinh như vây. Nó sẽ trở thành vết sẹo, khiến học sinh có ấn tượng không tốt đẹp với thầy cô và nhà trường”.
Và gần đây nhất là sự việc học sinh bị cho nghỉ học do phản ánh của phụ huynh xảy ra tại Trường THPT Lạc Long Quân (Sóc Sơn). Cụ thể, nhà trường từ chối dạy học sinh vì mâu thuẫn với phụ huynh. Theo ông Cương, không thể vì lý do mâu thuẫn, bất đồng quan điểm với phụ huynh mà hiệu trưởng ra thông báo xem xét đình chỉ. "Học sinh có tội tình gì mà lại đình chỉ học? Trường phải đảm bảo quyền lợi cho học sinh, đặt tình thương lên trên hết, không thể làm như vậy được”, ông Cương nói.
Trên đây đều là những sự việc liên quan đến thái độ ứng xử của những người giáo viên đối với học sinh của mình, theo ông Cương, trong mọi trường hợp giáo viên cần phải đặt quyền lợi của học sinh lên trên hết, nhưng khi học trò vi phạm kỷ luật vẫn phải xử phạt trên tinh thần vừa răn đe, vừa dạy dỗ.
Dù thế nào, thầy cô giáo không được phép dùng những hành động, lời nói thiếu chuẩn mực với học sinh như một số clip đăng tải vừa qua. Những lời nói, hành động đó của giáo viên sẽ thành vết sẹo in sâu trong tâm trí các em, chắc chắn em đó sẽ có những kỷ niệm không đẹp dưới trường và thầy cô ở đó.
Liên tiếp xảy ra sự việc liên quan đến đạo đức giáo viên trên địa bàn TP. Hà Nội. Ảnh: VietNamnet, Dân trí.
Sau nhiều vụ việc liên quan đến đạo đức nhà giáo gây bức xúc, ông Cương cho rằng cần xử lý nghiêm, chấn chỉnh đạo đức và giáo dục tư tưởng cho giáo viên. "Trong các trường học có khẩu hiệu: Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm. Tôi cho rằng, cần đưa chữ “tình thương” lên đầu tiên. Hơn ai hết, trong trường học, thầy cô phải thương học trò và có cách ứng xử phù hợp, chuẩn mực. Dù rằng giáo viên phải chịu sức ép rất lớn trong cuộc sống, nhưng không thể đem bực dọc trong cuộc sống đến trường”.
Chia sẻ trên báo Dân trí, ông Trần Thế Cương khẳng định, "hoàn toàn không có "vùng cấm" trong việc xử lý các sai phạm, thậm chí chúng tôi yêu cầu phải xử lý nghiêm các vi phạm của giáo viên.... Chúng tôi yêu cầu nhà trường phải đặt tình thương và quyền lợi của học sinh lên trên hết, đấy mới là giáo dục.".
Bên cạnh việc xem xét trách nhiệm và xử lý kỷ luật với những giáo viên trực tiếp liên quan đến các vụ việc, lãnh đạo Sở GD&ĐT cũng đề cập đến trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở giáo dục, ông Cương cho rằng thầy cô cần sâu sát hơn nữa với những điều diễn ra ở cơ sở mình, không được ngồi phòng máy lạnh để chỉ đạo xuống, đến khi cơ sở xảy ra sự việc mới biết, như vậy chưa làm tròn vai trò của người đứng đầu.
Để ngăn các hành vi sai phạm, theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, các nhà trường có thể thành lập đường dây nóng, hòm thư góp ý để kịp thời tiếp nhận, xử lý những sự việc gây bức xúc.
Bảo An (T/h)