Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Giá đất “sốt ảo”, bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo “nóng”

(DS&PL) -

Mới đầu năm 2021 nhưng số tỉnh thành được điểm tên vào nhóm những khu vực có thị trường bất động sản “nóng” đã tăng lên nhanh chóng, rải khắp từ Bắc vào Nam.

Mới đầu năm 2021 nhưng số tỉnh thành được điểm tên vào nhóm những khu vực có thị trường bất động sản “nóng” đã tăng lên nhanh chóng, rải khắp từ Bắc vào Nam.

Những điểm “nóng” BĐS đầu năm 2021

Mặc dù ngày 1/1/2021 quyết định thành lập TP.Thủ Đức thuộc TP.HCM mới có hiệu lực, nhưng ngay từ khi đề án thành lập đang được đưa ra bàn thảo, thị trường bất động sản (BĐS) khu vực này đã tăng vượt khu trung tâm. (TP này được thành lập dựa trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức).

Theo tìm hiểu, trong quý III/2020, trung bình mỗi tuần có gần 2.000 tin rao bán liên quan đến khu vực được quy hoạch trung tâm hành chính, kinh tế của TP.Thủ Đức như phường Linh Trung (quận Thủ Đức), khu Tam Đa (quận 9) và phường Trường Thọ (quận 9), mức giá tăng thêm từ 2 - 3%.

Trước khi có thông tin chính thức thành lập TP.Thủ Đức thị trường BĐS tại đây đã sốt lên từng ngày.

Ngoài ra, mới đây, sở Nội vụ TP.HCM có tờ trình gửi UBND thành phố này về công tác chuẩn bị xây dựng đề án chuyển đổi một số huyện (Cần Giờ, Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn và Nhà Bè) thành quận hoặc thành phố giai đoạn 2021-2030. Dù mới là bước chuẩn bị, đề án chưa được phê duyệt nhưng thông tin này đã nhanh chóng tạo nên sự biến động về giá đối với BĐS tại đây.

Thời điểm này, cơn sốt đất tại Hớn Quản (Bình Phước) đã lắng xuống. Trước đó, hiện tượng sốt đất xảy ra rầm rộ nhất vào cuối tháng 2, đầu tháng 3 năm nay. Nguồn cơn là do, ngày 19/2, UBND tỉnh Bình Phước có chuyến khảo sát thực địa tại Hớn Quản để có cơ sở đề xuất bộ GTVT, bộ Quốc phòng và Chính phủ giao lại sân bay quân sự Téc-níc để xây dựng sân bay lưỡng dụng. Một số mảnh đất được cho là nằm gần cổng sân bay đã tăng giá từ 300-500 triệu lên hàng tỷ đồng chỉ sau vài ngày sang tay qua lại. Rất nhiều người từ Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương... đổ về đây để tìm mua đất.

Hà Nội cũng không ngoại lệ. Tháng 6/2021 thông tin công bố đồ án quy hoạch khu đô thị sông Hồng đã tác động lớn đến BĐS nhiều khu vực của Thủ đô. Quy hoạch này bao phủ diện tích khoảng 11.000ha, kéo dài khoảng 40km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, thuộc địa bàn 55 phường, xã của 13 quận, huyện ở Hà Nội. Theo tìm hiểu, 2 tuần trở lại đây, giá đất tại huyện Đông Anh đã tăng 15-20%, có nơi tăng 50%.

Ngoài ra, thị trường một số khu vực chạy dọc sông Hồng cũng ghi nhận diễn biến giá tăng như Thạch Cầu (Long Biên), Liên Mạc, Chèm (Bắc Từ Liêm), Tân Lập (Đan Phượng)... Đây không phải lần đầu giá đất Hà Nội “nhảy múa” liên tục. Ban thường vụ Thành uỷ Hà Nội cũng đã yêu cầu cấp ủy, UBND các quận, huyện không để xảy ra tình trạng lợi dụng quy hoạch để có các hành vi vi phạm, trục lợi về đất đai khi quy hoạch sông Hồng...

Tại Quảng Ninh, trước cơn sóng giá đất, UBND TP.Hạ Long đã gửi văn bản đến các cơ quan chức năng, xã phường về việc siết chặt công tác quản lý đất đai, ngăn chặn tình trạng cò thổi giá đất tại các dự án chưa đủ điều kiện giao dịch. Đó là các ô đất quy hoạch thuộc xã Thống Nhất như dự án khu dân cư Cầu Bang, khu dân cư xã Thống Nhất, khu dân cư đô thị thuộc phường Cao Xanh, phường Hà Khánh...

Cho rằng những dự án này chưa đủ điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất, UBND TP.Hạ Long cho biết thêm đây là hoạt động thổi giá ảo của các nhóm đầu cơ có tổ chức.

Trước hiện tượng xảy ra sốt đất ảo trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, Quảng Trị, lãnh đạo các địa phương này cũng đã có văn bản về việc tăng cường công tác quản lý đất đai tại các khu vực quy hoạch công trình, dự án trên địa bàn ngăn chặn hiện tượng đầu cơ mua đi bán lại, thổi giá.

Kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động môi giới BĐS

Ngày 30/3, bộ TN&MT đã ban hành công văn số 1454/BTBMT-TCQLĐĐ gửi UBND các tỉnh, TP trực thuộc TƯ về việc tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về giá đất.

Theo đó, bộ TN&MT đề nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc TƯ chỉ đạo sở TN&MT cùng các sở, ngành có liên quan tăng cường quản lý chặt chẽ các dự án BĐS, nhất là BĐS hình thành trong tương lai, bảo đảm việc đưa BĐS vào kinh doanh, chuyển nhượng dự án BĐS phải đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư và kinh doanh BĐS; kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động môi giới BĐS bảo đảm các quy định của pháp luật.

Khu vực dân cư ngoài bãi sông Hồng.

Việc công bố công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch phải được thực hiện để người dân tiếp cận các thông tin chính thống, không bị nhiễu thông tin. Tránh bị giới đầu cơ lợi dụng thổi giá, đẩy giá đất, giá BĐS lên cao nhằm thu lợi bất chính và có biện pháp quản lý sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt.

Bộ TN&MT đề nghị thực hiện nghiêm các quy định về đăng ký chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất... để thu nghĩa vụ thuế, kiểm soát các giao dịch ảo, thổi giá đất, giá BĐS; quản lý chặt chẽ, bảo đảm tuân thủ đúng các quy định của pháp luật đất đai về việc tách thửa đất. Xử lý nghiêm đối với hành vi không đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất chậm so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TƯ có kế hoạch chủ động điều tiết quỹ đất ra thị trường thông qua việc tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, kinh doanh BĐS... nhất là thông tin kịp thời về quy hoạch của địa phương để người dân hiểu và thực hiện, tránh bị lợi dụng, trục lợi.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương báo cáo kết quả thực hiện về Bộ trước ngày 31/5/2021.

Nguyễn Quốc Lâm

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ Bảy (14)

Tin nổi bật