Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Giả danh công an lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại

(DS&PL) -

Cơ quan CSĐT – Công an quận Hoàn Kiếm hiện đang thụ lý điều tra một số vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn giả danh công an, nhân viên bưu điện.

Cơ quan CSĐT – Công an quận Hoàn Kiếm hiện đang thụ lý điều tra một số vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn giả danh công an, nhân viên bưu điện.

Cụ thể, các đối tượng giả làm nhân viên bưu điện gọi điện thoại đến máy điện thoại bàn của nhà dân thông báo thuê bao điện thoại bàn của gia đình nạn nhân đang nợ cước điện thoại với số tiền lớn (khoảng 8.400.000 đồng). Khi bị hại thắc mắc không nợ cước thì đối tượng yêu cầu cung cấp tên tuổi, số chứng minh thư nhân dân kèm theo số điện thoại di động để đối tượng kiểm tra lại.

Sau khi có thông tin, một đối tượng khác điện thoại vào số di động của bị hại, giả danh cơ quan tư pháp (chủ yếu xưng danh là CSHS, cảnh sát phòng chống ma túy) ở địa bàn khác, thường là Quảng Ninh, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh… thông báo đang điều tra vụ án có liên quan, nghi vấn bị liên quan đến hoạt động rửa tiền. Sau đó đối tượng yêu cầu bị hại có tài khoản gửi tiền ngân hàng không, nếu có đối tượng yêu cầu bị hại chuyển toàn bộ số tiền bằng chuyển khoản hoặc gửi tiền mặt ngang bằng số tiền bị hại gửi ngân hàng vào một tài khoản khác do đối tượng cung cấp để phục vụ công tác điều tra xác minh, làm rõ, nếu không phải sẽ trả lại.

Các đối tượng giả danh công an, nhân viên viễn thông để lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Đối tượng yêu cầu bị hại giữ bí mật, không nói cho ai khác nếu không sẽ ảnh hưởng đến kết quả điều tra, sẽ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Đối tượng liên tục gọi điện thúc ép bị hại, làm cho bị hại không có thời gian để suy nghĩ, đánh giá, nghi ngờ. Sau khi chuyển hết số tiền, các đối tượng nhanh chóng rút tiền và chiếm đoạt.

Trao đổi với Thiếu tá Tống Đăng Công – Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự quận Hoàn Kiếm cho biết: “Các đối tượng sử dụng tiếng việt và thủ đoạn lừa đảo rất tinh vi. Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã xảy ra 4 vụ việc, trong đó 2 nạn nhân bị lừa mất số tiền lớn là 350 triệu đồng và 650 triệu đồng; 2 nạn nhân còn lại kịp thời báo cho cơ quan chức năng, phối hợp với ngân hàng phong tỏa tài sản nên không bị mất”.

Thiếu tá Tống Đăng Công cũng cho biết, các đối tượng lợi dụng khoa học kỹ thuật, thông qua mạng Internet (Internet Volp), sử dụng bất kỳ số điện thoại nào, đầu số gọi đến thường hiển thị (+84). Các đối tượng thường nhắm vào các gia đình có số điện thoại bàn và hoạt động chủ yếu vào giờ hành chính, bởi đây là thời điểm phần lớn các thành viên trong gia đình đi làm, chỉ có người già ở nhà thường có tài khoản tiết kiệm, dễ tác động tâm lý, cũng là thời gian các ngân hàng hoạt động để việc chuyển tiền được nhanh chóng.

Tài liệu tuyên truyền phòng ngừa đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Công an quận Hoàn Kiếm

Để phát hiện, phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm trên, cơ quan công an đưa ra những khuyến cáo người dân như: Khi nhận được các cuộc gọi lạ, có dấu hiệu nghi vấn, người dân phải bình tĩnh, không làm theo yêu cầu. Đặc biệt là không chuyển tiền vào các tài khoản theo yêu cầu của người lạ; Cảnh giác khi nhận được cuộc gọi lạ, đặc biệt người xưng là nhân viên viễn thông, cán bộ cơ quan pháp luật. Không nên cung cấp tài khoản, thẻ tín dụng cho người khác; Thông báo ngay cho cơ quan Công an khi có sự nghi ngờ để cùng phối hợp giải quyết. Không nên tự mình xử lý vì sẽ dễ sập bẫy kịch bản lừa đảo của tội phạm; Phát hiện và báo ngay cho cơ quan công an những đối tượng nghi vấn liên quan đến hoạt động tội phạm sử dụng công nghệ cao như thu mua CMND, thẻ ghi nợ quốc tế hoặc CMND có dấu hiệu dán ảnh lại để mở một số thẻ tín dụng.

Trước đó, ngày 2/6/2017, Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tuyên phạt 2 đối tượng người Trung Quốc và 4 đối tượng người Việt Nam tổng cộng hơn 44 năm tù giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo cáo trạng, nhóm đối tượng này lập một tổng đài ở Phúc Kiến, Trung Quốc, gọi điện thoại vào số máy bàn của người dân để dò soát thông tin. Khi biết chủ thuê bao có tiền gửi ở ngân hàng, các đối tượng tự xưng là người của cơ quan công an, cáo buộc chủ thuê bao liên quan đến đường dây tội phạm và yêu cầu nộp tiền vào tài khoản của nhóm đối tượng để xác minh nguồn tiền có trong sạch hay không. Khi nạn nhân nộp tiền vào các đối tượng liền rút hết để chiếm đoạt. Với thủ đoạn nêu trên, nhóm này đã thực hiện trót lọt 4 vụ lừa đảo, chiếm đoạt hơn 3,7 tỷ đồng của 4 bị hại ở tỉnh Khánh Hòa và TP. Vũng Tàu.

Kết thúc phiên tòa 2 bị cáo quốc tịch Trung Quốc là Zheng Zhu En và Zheng Ke Xi chịu lần lượt các mức án 14 năm và 12 năm tù; 4 bị cáo người Việt Nam chịu các mức án từ 20 tháng tù đến 13 năm tù.

Tin nổi bật