Theo báo Sức khỏe & Đời sống, ngày 2/8, Bệnh viện Giao thông Vận tải cho biết, đơn vị vừa gắp thành công dị vật là chiếc tăm dài gần 7 cm mắc kẹt trong đại tràng cho người đàn ông 48 tuổi bằng phương pháp phẫu thuật nội soi.
Gắp chiếc tăm gần 7cm trong đại tràng người đàn ông vì thói quan ngậm tăm khi ngủ. Ảnh: Báo Sức khỏe & Đời sống
Theo đó, bệnh nhân nam 48 tuổi vào viện vì đau bụng vùng hố chậu phải gần 1 ngày kèm theo sốt 38,5℃. Các bác sĩ tại bệnh viện thăm khám, đánh giá bệnh nhân có tình trạng nhiễm trùng do viêm phúc mạc và chỉ định mổ cấp cứu.
Bác sĩ chuyên khoa II Đặng Thành Đông, Phó trưởng khoa Ngoại tổng hợp của Bệnh viện Giao thông Vận tải cho biết, kiểm tra trong mổ thấy nguyên nhân gây viêm phúc mạc do đại tràng bị đâm thủng bởi một chiếc tăm tre còn nguyên dài khoảng 6,5 cm. Các bác sĩ đã tiến hành lấy dị vật, làm sạch và khâu lỗ thủng đại tràng.
Chiếc tăm tre còn nguyên dài khoảng 6,5 cm. Ảnh: Báo Sức khỏe & Đời sống
Ngoài ra, ê kíp phẫu thuật còn phát hiện trong ổ bụng bệnh nhân có túi thừa Meckel (một túi thừa của ruột non gặp ở 2% dân số) có kích thước khoảng 2 x 5 cm. Kíp mổ đã phẫu thuật nội soi cắt túi thừa này.
Toàn bộ quá trình mổ của bệnh nhân được thực hiện hoàn toàn bằng phẫu thuật nội soi. Sau mổ, bệnh nhân hồi phục tốt và đã được xuất viện.
Các bác sĩ cho biết, thủng ruột do tăm tre không phải là hiếm gặp. Nguyên nhân có thể do thói quen ngậm tăm khi ngủ hoặc dùng tăm để cài trong quá trình chế biến món ăn. Nhiều bệnh nhân thậm chí không biết mình đã nuốt tăm.
Trước đó, một trường hợp tương tự xảy ra tại Lạng Sơn. Cụ thể, theo thông tin từ Sở Y tế tỉnh Lạng Sơn, ngày 26/4, các bác sĩ Khoa Ngoại Tiêu hoá, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn (BVĐK) phẫu thuật nội soi gắp 4 chiếc tăm tre nhọn dài khoảng 4cm xuyên thủng đại tràng trên bệnh nhân nam 47 tuổi.
Chiếc tăm tre nhọn dài khoảng 4cm xuyên thủng đại tràng trên bệnh nhân nam 47 tuổi. Ảnh: Sở Y tế tỉnh Lạng Sơn
Đồng thời khâu thủng đại tràng, cắt ruột thừa và kiểm tra toàn bộ đường tiêu hoá cho bệnh nhân không phát hiện thêm tổn thương do tăm nhọn gây ra.
Sau phẫu thuật bệnh nhân ổn định, đang tiếp tục được điều trị kháng sinh, chống viêm. Qua khai thác, được biết, bệnh nhân T. thường có thói quen ngậm tăm khi nằm xem ti vi và khi ngủ nên đã từng nhiều lần nuốt tăm vào bụng, có lần còn đi ngoài “ra tăm”.
Ngoài tăm, rất nhiều trường hợp hóc dị vật tương tự như hóc xương cá, vỏ thuốc, que nhỏ… Dị vật có thể đâm thủng bất kỳ vị trí nào trên đường tiêu hóa (thực quản, dạ dày, tá tràng, ruột non, đại tràng…) gây viêm, áp-xe xung quanh, viêm phúc mạc dẫn đến nhiễm trùng nặng và nguy hiểm đến tính mạng nếu không được phát hiện kịp thời.
Người dân nên hết sức lưu ý trong quá trình sử dụng tăm hàng ngày để tránh dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Nguyễn Linh (T/h)