Sáng 29/2, Hội Luật gia Việt Nam tổ chức cuộc Họp Ban biên tập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Trọng tài Thương mại (lần 3). TS.Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam; TS.Trần Công Phàn – Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam, ĐBQH khóa XV chủ trì cuộc họp. Cuộc họp được kết nối trực tuyến tới đại diện các bộ, ngành và các chuyên gia, các nhà khoa học.
Quang cảnh cuộc họp.
Phát biểu mở đầu cuộc họp, TS.Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cho biết, sau khi những nội dung liên quan đến Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Trọng tài thương mại (TTTM) gửi các bộ, ngành xin ý kiến. Đến nay, các bộ, ngành đã có ý kiến đóng góp gửi Ban biên tập.
Tại cuộc họp này, Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền đề nghị các đại biểu tham dự tập trung, tích cực cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình ý kiến của các Bộ, ngành để hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
TS.Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam (trái); TS.Trần Công Phàn – Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam, ĐBQH khóa XV (phải) chủ trì cuộc họp.
Trình bày tóm tắt ý kiến của các Bộ, ngành liên quan đến Hồ sơ đề nghị, ông Nguyễn Văn Huệ - Trưởng Ban Nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật, Hội Luật gia Việt Nam, thành viên thường trực Ban Biên tập Hồ sơ đề nghị xây dựng sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TTTM cho biết, hồ sơ đề nghị đã hoàn thiện gửi xin ý kiến các bộ, ngành theo quy định của Luật Ban hành văn bản vào ngày 12/10/2023.
Đến nay, Ban biên tập đã nhận được đầy đủ ý kiến của các cơ quan gồm: Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Cục thi hành án dân sự…
Ông Nguyễn Văn Huệ - Trưởng Ban nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật, Hội Luật gia Việt Nam, thành viên thường trực Ban Biên tập Hồ sơ đề nghị xây dựng sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TTTM Trình bày tóm tắt ý kiến của các Bộ, ngành.
Ban biên tập đã tổng hợp theo vấn đề ý kiến của các Bộ, ngành gửi đến các thành viên Ban biên tập nghiên cứu và theo dõi.
Theo đó, các vấn đề được Bộ, ngành nêu ra như: Thành phần hồ sơ cần rà soát làm sao để đảm bảo; bổ sung thêm các số liệu chứng minh; đánh giá đầy đủ hơn nữa về tính tương thích của các chính sách đối với các chính sách đề xuất sửa đổi lần này với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên…
TS.Trần Công Phàn phát biểu tại cuộc họp.
TS.Trần Công Phàn cũng lưu ý những vấn đề góp ý của các Bộ, ngành có những vấn đề cần tiếp thu nhưng cũng có những nội dung Ban biên tập cần báo cáo, giải trình cụ thể. Ông Trần Công Phàn đề nghị các đại biểu góp ý vào hồ sơ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TTTM.
Các đại biểu tham dự cuộc họp đã đưa ra những ý kiến góp ý xác đáng với tinh thần làm sao tiếp thu tối đa, giải trình rõ ràng, cụ thể các ý kiến từ Bộ, ngành đối với hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TTTM.
Ông Lê Văn Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư Pháp tham gia ý kiến tại cuộc họp.
Ông Lê Văn Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư Pháp cho rằng làm rõ đề cương cần sửa gì? Báo cáo đánh giá tác động và báo cáo tổng kết cũng cần nêu ra được những vấn đề vướng mắc, bất cập, cần sửa đổi bổ sung.
“Sau khi hoàn thiện bộ hồ sơ sẽ xin ý kiến Chính phủ, sau khi có ý kiến Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, họp thông qua đề nghị này và đưa vào chương trình xây dựng luật”, ông Tuấn cho biết.
Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền kết luận cuộc họp.
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền đề nghị Ban Biên tập Hồ sơ tập trung sửa đổi, bổ sung sớm hoàn thiện dự thảo, báo cáo tổng kết, đánh giá tác động của Luật với tinh thần tích cực, khẩn trương. Đồng thời đề nghị khẩn trương hoàn thành trước 10/3. Sau đó sẽ rà soát thành bộ hồ sơ hoàn thiện trình Chính phủ, đồng thời trình UBTVQH và Ủy ban Cải cách Tư pháp.
Luật TTTM năm 2010 có nhiều điểm mới và tháo gỡ được những điểm nghẽn trong hoạt động trọng tài. Luật có nhiều điểm mới, tạo cơ sở pháp lý rất quan trọng trong hoạt động trọng tài thương mại. Đồng thời, hỗ trợ cho các cơ quan tư pháp, tòa án trong việc bớt những vụ việc giải quyết những tranh chấp trong hoạt động kinh doanh, phát triển sản xuất kinh doanh tốt hơn.
Tuy nhiên, việc thực hiện Luật này đã được 12 năm, nhưng cũng còn một số tồn tại trong quy luật phát triển. Do đó, cần thiết phải đặt ra vấn đề sửa đổi, bổ sung một số vấn đề Luật này nhằm đáp ứng nhu cầu của thực tiễn và đảm bảo cơ sở pháp lý của hoạt động TTTM.
Theo Người đưa tin
Link nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/hoan-thien-ho-so-de-nghi-xay-dung-luat-sua-doi-bo-sung-luat-tttm-a651840.html