Nghe tin bác sĩ CKI Phạm Thị Ánh Hồng, Phó Giám đốc trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng là 1 trong 70 cá nhân điển hình tiên tiến tuyên dương tại lễ Kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2018), nhiều người dân Đà Nẵng vui mừng lây. Đó là thành quả xứng đáng cho nữ bác sĩ tận tâm suốt gần 30 năm theo nghề.
“Năm 1990, cô tốt nghiệp ngành y rồi vào khoa Cấp cứu bệnh viện Đà Nẵng công tác. 5 năm sau, cô về trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng rồi gắn bó từ đó đến nay. Thăng trầm, buồn vui, cô xem như cũng trải đủ. Nhưng nhiều kỷ niệm nhất có lẽ là những lần ra khơi cấp cứu cho ngư dân.
Ngược dòng ký ức, về hơn 20 trước, nữ bác trẻ lên đường cùng Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng ra khơi hỗ trợ tàu vận tải bị chìm ở biển Hoàng Sa (Việt Nam). Ngoài khơi xa đang có 11 thuyền viên người Ấn Độ rơi vào hoảng loạn vì chống chọi với sóng dữ.
Khi tàu vừa ra hết phao số 0, bà đã nửa mê nửa tỉnh, nôn ói vì say sóng. Với quyết tâm, tự trấn an rằng, thuyền viên đang cần mình, bà chống chọi với sóng gió vượt qua. Cũng lần đầu tiên đó, bà gặp phải những cảnh tượng ám ảnh khi tận mắt thấy thuyền viên đói, rét và kiệt sức sau nhiều giờ vật lộn giữa biển khơi. Họ thoi thóp giành giật sự sống. Trong khi bà vừa cấp cứu vừa kè kè túi nôn bên người vì say sóng.
Lần đầu tiên quá khắc nghiệt, ai cũng tưởng nữ bác sĩ trẻ sẽ chùn chân. Nhưng không, hễ có tin báo ngư dân gặp nạn, bà lại lên đường. Như lời bà nói, cứ nghĩ ngư dân đau ốm cần mình là trái tim thôi thúc bà phải đi dù khó khăn đến nhường nào.
Từ đó đến nay, bà cùng cộng sự có hơn 100 chuyến xuyên biển cấp cứu ngư dân. Bà Hồng cũng là thủ lĩnh trong nhóm bác sĩ cơ động ứng cứu ngư dân. Bao năm qua, số điện thoại di động của bà luôn thường trực và được “ưu tiên” số 1 tại Bộ đội Biên phòng , đài Thông tin duyên hải Đà Nẵng và trung tâm Tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 Đà Nẵng.
Năm 2007, cũng trên 1 chuyến xuyên biển như vậy để ra cứu nạn thuyền trưởng một tàu cá tỉnh Quảng Nam bị ngã chấn thương sọ não, bà Hồng tưởng chừng đã mất mạng. Khi đó, tàu gặp phải gió giật cấp 9, cột sóng cao tới 5m. Nhiều bộ phận cửa của tàu đã bị sóng giội vỡ nát.
Bà Hồng với một nữ y sĩ đi cùng đã nghĩ đến chuyện xấu nhất. Cả 2 cùng bật điện thoại lên ghi âm giọng nói với ngụ ý phòng khi tàu chìm thì còn có đôi lời nhắn gửi đến gia đình. Nhưng sóng gió lớn như át hết tiếng hai người phụ nữ đang cố gào thét vào điện thoại.
Bà kể, thời khắc đó bà nhớ con trai quay quắt. Từ nhớ lại ân hận vì nói dối con trai nhỏ tuổi rằng bà đang trực ở bệnh viện, bà không đi biển vì sợ con lo. Rồi vì nữ y sĩ đi cùng còn quá trẻ, chưa có đến một mối tình vắt vai mà “mình đã dắt nó đi theo".
Vượt qua chuyến đi định mệnh đó, bà lại lên đường vì ngư dân. Cũng từ đó đến nay, hình ảnh nữ bác sĩ áo blouse trắng đã in sâu trong tâm trí hàng trăm ngư dân miệt biển miền Trung.
Theo Người Đưa Tin