Chưa hết sốc về 8 bệnh nhân tử vong, nay nghe những lời khai tại tòa, dư luận cực kỳ phẫn nộ vì cách bảo hành thiết bị rất thiếu nhân tâm và những dấu hiệu mờ ám trong hợp đồng giữa BV Đa khoa Hòa Bình với Cty Thiên Sơn.
Hai Phó giám đốc BV Đa khoa Hòa Bình và Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm khoa khai tại tòa hé lộ những dấu hiệu rất không bình thường. Trong đó, là những người có trách nhiệm, nhưng họ không biết gì về nội dung hợp đồng giữa BV với Cty Thiên Sơn, trong đó có tỷ lệ ăn chia giữa hai bên.
Điều đó cần đặt ra câu hỏi, phải chăng, ông Giám đốc BV Trương Quý Dương đã quyết tất cả và những người trong khác trong ban Giám đốc không được biết về nội dung hợp đồng? Phải chăng, đó là nguyên nhân của mọi nguyên nhân về cái chết oan nghiệt của 8 bệnh nhân?
Tỷ lệ ăn chia này giữa hai bên rất khó hình dung: Cty Thiên Sơn hưởng 90% doanh thu, còn BV hưởng 10%, trong đó phải chịu cả chi phí tiền điện nước, ấn phẩm, phụ cấp phẫu thuật. Thử hỏi, với cách ăn chia này, các bác sĩ, nhân viên BV này còn được bao nhiêu thù lao cho công sức của mình? Thậm chí, những vị lãnh đạo BV khai tại tòa: Không biết có bao nhiêu máy lọc máu trong 18 máy do Cty Thiên Sơn lắp đặt. Chuyện lạ có thật.
Do đó, dư luận có quyền đặt câu hỏi: Phía sau hợp đồng này có uẩn khuất lợi ích nhóm hay không?
Câu hỏi này càng cần làm rõ hơn khi Cty Thiên Sơn sau đó lại “bán” dự án cho Cty Trâm Anh. Thực tế, việc thực hiện bảo quản, sửa chữa những thiết bị này hoàn toàn do Cty Trâm Anh thực hiện. Chính vì vậy, Giám đốc Cty Trâm Anh là ông Bùi Mạnh Quốc trở thành bị cáo về tội Vô ý làm chết người.
Nhắc đến Quốc, dư luận thực sự lo lắng, hoảng hồn trước những lời khai của bị cáo này. Tại tòa, Quốc thừa nhận, đã hành nghề sửa chữa, bảo dưỡng cho hệ thống lọc nước của máy chạy thận 12 năm nhưng chưa từng được học qua trường lớp nào. Tất cả là làm theo kinh nghiệm. Sai sót trong bảo dưỡng thiết bị dẫn đến hậu quả khủng khiếp mà chúng ta đã biết.
Cũng theo Quốc khai, y không chỉ làm cho một mình BV Đa khoa Hòa Bình. Vậy, còn những BV nào và bao nhiêu sinh mạng bệnh nhân chạy thận được trao vào tay người chưa từng được học hành về chuyên môn như Quốc?
Quốc cũng thừa nhận, không biết chỉ số AAMI là gì, chỉ biết đây là chỉ số quan trọng và được nhiều người “dạy” phải làm xét nghiệm sau khi sửa chữa thiết bị.
Bị cáo Quốc cũng khai, muốn xét nghiệm AAMI phải dừng máy chạy thận chừng 10-15 ngày. Tuy nhiên, khai tại tòa, bác sĩ Hoàng Công Tình cho rằng, từ trước đến nay bệnh viện chưa bao giờ phải dừng việc điều trị cho bệnh nhân với lý do "lấy mẫu nước đi xét nghiệm AAMI”. Nếu những lời khai này đúng, hóa ra, Giám đốc Trương Quý Dương bất chấp quy định của ngành, đặt tất cả tính mạng bệnh nhân vào sự may rủi.
Mặt khác, cũng vì mù tịt về chuyên môn, Quốc mới sử dụng một số a xít cấm trong y học để súc rửa hệ thống. Và sự tồn dư của những a xít này trong hệ thống đã gây ra hậu quả khủng khiếp: 8 người thiệt mạng. Thực sự, cho đến nay, không cơ quan chức năng nào kiểm tra xem từ trước đến giờ có bao nhiêu bệnh nhân, tuy không tử vong, nhưng do ảnh hưởng lượng tồn dư của những a xít (ai dám khẳng định là không có) này ảnh hưởng đến sức khỏe ra sao.
Những lời khai trên cho thấy, trách nhiệm của nguyên Giám đốc Trương Quý Dương là rất lớn. Vậy nhưng, không những không bị khởi tố bị can, ông Quý Dương vẫn ung dung cùng vợ đi nước ngoài. Thậm chí, trong phần thẩm vấn quan trọng này, đại diện ủy quyền của ông Dương cũng không có mặt tại tòa. Đó là điều khiến dư luận bức xúc và không thể hiểu nổi.
Do đó, dư luận có quyền đặt câu hỏi và các cơ quan chức năng cần làm rõ: Hợp đồng kinh tế được ký kết giữa BV Đa khoa Hòa Bình với Cty Thiên Sơn có uẩn khúc gì không và trách nhiệm của ông Trương Quý Sơn đến đâu trong vụ án này?
Vương Hà/Nguoiduatin
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.