Sự cố Ngân hàng Mỹ Silicon Valley Bank (SVB) khiến chứng khoán toàn cầu, đặc biệt là cổ phiếu nhóm ngân hàng chao đảo. Chỉ sau 3 ngày, cổ phiếu tài chính trên toàn cầu mất 465 tỷ USD vốn hóa. Trong nước, dù thị trường không quá tiêu cực, nhưng VN-Index cũng có 2 phiên đầu tuần liên tục giảm điểm. Trong đó, nhóm ngân hàng đè nặng áp lực lên chỉ số chính.
Báo Dân việt đưa tin, phiên sáng 14/3, trong 20 mã ngân hàng niêm yết trên HoSE và HNX, có đến 17 mã đỏ lửa, trong đó, BID là mã tác động tiêu cực nhất đến VN-Index với mức giảm 2,49%. Bên cạnh đó, CTG, ACB, STB, MBB... cũng đồng loạt mất trên 1% thị giá. Nhóm tài chính như chứng khoán, bảo hiểm cũng đồng loạt giảm mạnh.
Nhóm chứng khoán chỉ còn FTS, IVS, VIX còn sắc xanh. Các cổ phiếu còn lại như HCM, MBS, SHS, SSU, TVS, APS, BSI, EVS, VCI, VDS... đều giảm trên 1%.
Gần 20 mã cổ phiếu ngân hàng “đỏ lửa” trong phiên 14/3
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, việc hai ngân hàng Mỹ ( SVB, Signature Bank) sụp đổ với nguyên nhân sâu xa đến từ tác động Fed tăng lãi suất (khiến các starup gửi tiền qua SVB phải rút tiền gửi về kinh doanh làm ngân hàng này vừa mất thanh khoản, vừa lỗ khi phải bán các trái phiếu đầu tư từ tiền gửi đi) sẽ thực sự tác động để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải dè chừng tăng lãi suất, báo Tiền phong đưa tin.
Bên cạnh nhóm cổ phiếu ngân hàng, cổ phiếu nhóm bất động sản và và xây dựng cũng lao dốc, chỉ còn vài sắc xanh le lói, trong khi số mã giảm lên tới 123 mã, 10 mã giảm sàn và 162 mã tham chiếu.
Khối phân tích của Chứng khoán VNDirect nhận định: Sự sụp đổ của SVB đang đặt Fed vào tình thế khó, một mặt, vẫn chịu áp lực phải tăng lãi suất điều hành để kiềm chế tình hình lạm phát, mặt khác, việc tiếp tục tăng lãi suất có thể đẩy các tổ chức tài chính vào tình thế nguy hiểm.
VNDirect dự báo, mức đỉnh lãi suất điều hành của Fed sẽ ở mức 5-5,25%, thấp hơn so với trước sự kiện SVB là 5,5-5,75%. Theo đó, FED có thể bắt đầu giảm lãi suất điều hành kể từ quý 4/2023, sớm hơn so với dự báo trước đó là quý 1/2024.
Đại diện nhóm phân tích cho rằng tác động của sự kiện SVB lên tài chính khu vực châu Á là không lớn.
Vân Anh (T/h)