Theo thông tin trên báo Dân trí, Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) vừa có thông báo về số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tại ngày 29/2 theo quản lý trên hệ thống của VSDC.
Gần 113.100 tài khoản chứng khóan cá nhân mở mới trong tháng 2.
Tại thời điểm nói trên, tổng số lượng tài khoản của nhà đầu tư cá nhân trong nước đã đạt con số 7,47 triệu tài khoản, tăng 113.097 tài khoản so với thời điểm 31/1. Con số này tương đương với khoảng 7,5% dân số.
Cộng với 16.434 tài khoản của nhà đầu tư tổ chức trong nước, tổng số lượng tài khoản giao dịch trong nước ở mức 7,49 triệu đơn vị.
Số lượng tài khoản giao dịch nước ngoài là 45.677 tài khoản, trong đó có 41.131 tài khoản của nhà đầu tư cá nhân và 4.546 tài khoản của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.
Tổng cộng, số lượng tài khoản giao dịch của nhà đầu tư cá nhân lẫn tổ chức cả trong và ngoài nước tại ngày 29/2 là 7,53 triệu đơn vị, tăng 113.281 tài khoản so với ngày 31/1.
Như vậy, trong tháng 2, thị trường có thêm hơn 113.000 tài khoản giao dịch mở mới trong bối cảnh cả chỉ số lẫn thanh khoản đều tăng mạnh bất chấp có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 7 ngày.
Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 2, chỉ số VN-Index đạt 1.252,73 điểm, tăng 7,59% so với cuối tháng 1 và tăng 10,87% so với cuối năm 2023. Thanh khoản thị trường tiếp tục sôi động với khối lượng giao dịch bình quân đạt 841,5 triệu cổ phiếu/phiên, giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên đạt hơn 20.670 tỷ đồng, tăng lần lượt 15,9% về khối lượng và 25,1% về giá trị so với tháng 1.
Thống kê từ HoSE cho thấy, trong tháng 2, tất cả chỉ số ngành đều tăng điểm, trong đó nổi bật nhất là các chỉ số thuộc ngành công nghệ thông tin tăng 12,99%, ngành nguyên vật liệu tăng 11,24% và ngành tài chính tăng 7,66% so với tháng 1.
Theo Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 mới được phê duyệt, Việt Nam hướng đến mục tiêu đạt mốc 9 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030. Trong đó, Chính phủ yêu cầu tập trung phát triển nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, theo Thời báo Tài chính Việt Nam.
Cơ quan điều hành xác định, phấn đấu đến năm 2025, nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn phân hạng thị trường chứng khoán của các tổ chức quốc tế.
Với năm 2024, lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xác định đây là giai đoạn tạo dựng các cơ sở cho sự phát triển của thị trường trong trung và dài hạn, góp phần vào việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế năm 2024.
Vân Anh (T/h)