(ĐSPL) - Việc tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng lên gấp 3 lần đã thu về gần 11 nghìn tỷ đồng. Nhưng theo đại diện Tổng cục Môi trường đơn vị này không hề biết tới số tiền trên. Vậy gần 11 nghìn tỷ đồng đi đâu?
Thuế tăng gấp 3, thu về hơn 10 nghìn tỷ đồng
Giá xăng trong nước đã tăng 1.950 đồng mỗi lít. Trước đó, từ 1/5, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng cũng tăng gấp 3 lần, từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng một lít.
Những diễn biến nói trên trái ngược hẳn với lời hứa của Bộ trưởng Tài chính trước đó, khi trình bày về lý do tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng lên gấp 3 lần. Điều này cũng khiến nhiều bạn đọc thắc mắc, tại sao thuế bảo vệ môi trường lại đột ngột tăng quá cao như vậy và tiền thuế này được dùng để làm gì?
Thuế bảo vệ môi trường là một trong các thành phần thuế cấu thành giá cơ sở với mặt hàng xăng dầu. Theo quy định, loại thuế này sẽ được tính vào giá bán ra của sản phẩm. Việc tăng thuế môi trường lên 300\% khiến người tiêu dùng phải gánh thêm chi phí, nhất là trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao.
Theo Luật thuế bảo vệ môi trường, xăng dầu là một trong 8 nhóm hàng hoá sau thuộc diện chịu thuế bảo vệ môi trường, bởi đây là nhóm hàng hóa lớn mà khi sử dụng gây ô nhiễm trên diện rộng. Người nộp loại thuế loại là các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hoá thuộc đối tượng chịu thuế.
Việc tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng lên gấp 3 lần đã thu về hơn 10 nghìn tỷ đồng. |
Đối với xăng dầu sản xuất hoặc nhập khẩu để bán, thời điểm tính thuế là thời điểm đầu mối kinh doanh xăng dầu bán ra. Luật quy định khung thuế môi trường với mặt hàng xăng là 1.000-4.000 đồng một lít, dầu diesel 500 – 2.000 đồng một lít, dầu hỏa 300-2.000 đồng một lít,…
Theo đề xuất của Bộ Tài chính được Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 10/3 và có hiệu lực từ 1/5, thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng, nhiên liệu bay sẽ điều chỉnh tăng từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng một lít; mặt hàng dầu diesel tăng từ 500 đồng lên 1.500 đồng một lít,…(tương đương 300\%). Ngân sách nhà nước sẽ tăng thu 10.831 tỷ đồng từ việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.
Trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, do Việt Nam phải thực hiện các cam kết quốc tế, cắt giảm thuế xuất nhập khẩu theo lộ trình (Thuế nhập khẩu xăng giảm từ 35\% xuống 20\%). Điều này khiến nguồn thu ngân sách nhà nước giảm. Hơn nữa, giá xăng dầu bán lẻ tại Việt Nam hiện nay vẫn thấp hơn Lào, Campuchia khoảng 6.000 đồng một lít, nên xuất hiện tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới. Để bù một phần giảm thu ngân sách, Chính phủ đề nghị tăng thuế bảo vệ môi trường lên gấp ba lần.
Theo lí giải của Bộ Tài chính, mục đích của thuế bảo vệ môi trường là điều chỉnh sản xuất tiêu dùng theo hướng bảo vệ môi trường, khuyến khích sản xuất, sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm... Khi áp thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính sẽ tính toán linh hoạt sử dụng công cụ quỹ bình ổn giá xăng dầu, cùng với chính sách thuế nhập khẩu xăng dầu phù hợp, nên về cơ bản không ảnh hưởng nhiều đến giá bán lẻ trong nước.
Trong cơ cấu tính giá cơ sở xăng dầu hiện hành, mỗi lít xăng cõng thêm rất nhiều loại thuế, như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường,…chưa kể các loại phí khác.
Khi thuế bảo vệ môi trường ở mức 1.000 đồng mỗi lít xăng thì tổng các loại thuế mà mỗi người dân phải chịu khi mua một lít xăng khoảng 7 888 đồng một lít. Tuy nhiên khi thuế môi trường tăng lên 3.000 đồng một lít, tổng mức thuế, phí người tiêu dùng sẽ phải chịu hơn 10.000 đồng một lít.
Tổng cục môi trường cũng chưa được biết phương án sử dụng
Trả lời trên báo Tiền phong ngày 12/3/2015, ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho hay, tăng thuế BVMT là cần thiết nhưng phải sử dụng đúng mục đích là bảo vệ môi trường. Số tiền thu từ thuế, phí bảo vệ môi trường hằng năm là bao nhiêu, sử dụng như thế nào, Tổng cục Môi trường cũng không biết được.
Việc thu, chi các loại thuế, phí bảo vệ môi trường là việc của Bộ Tài chính, Tổng cục Môi trường cũng không được biết.
Về chi ngân sách cho sự nghiệp bảo vệ môi trường, hằng năm, Bộ Tài chính lập dự toán, sau đó Quốc hội phê duyệt. Chi ngân sách cho sự nghiệp môi trường ở nước ta hằng năm không quá 1\% tổng chi ngân sách quốc gia, phân bổ cho trung ương và địa phương.
Số tiền thu từ thuế, phí bảo vệ môi trường đối với xăng hằng năm là bao nhiêu, sử dụng như thế nào, Tổng cục Môi trường cũng không biết được. |
Nói về việc sử dụng thuế phí bảo vệ môi trường ở các quốc gia khác, ông Tùng cho biết: Tôi đi một số nước thì thấy họ thường dùng tiền thuế, phí môi trường trực tiếp cho các mục đích bảo vệ môi trường. Ví dụ, phí nước thải sẽ được sử dụng trực tiếp cho việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải thông qua một cơ chế thu, chi minh bạch. Người dân nộp thuế, phí có thể tận mắt thấy được tiền thuế, phí họ đã nộp được sử dụng như thế nào.
“Tôi cho rằng, việc tăng thuế BVMT là đúng nhưng phải dùng đúng mục đích, tức là thuế BVMT phải dùng để bảo vệ môi trường chứ không phải dùng vào mục đích khác” ông Tùng nói
Thông tin trên báo VnExpress, Bộ Tài chính nhấn mạnh, tăng thuế môi trường với xăng sẽ tạo nguồn thu ổn định cho ngân sách thay vì quá phụ thuộc vào những nguồn buộc phải giảm theo lộ trình. Song, cũng vì thế mà các chuyên gia kinh tế lo lắng liệu phần tăng này có thực sự để phục vụ bảo vệ môi trường hay có thể bị dùng sai mục đích.
Trên diễn đàn Quốc hội, đại biểu Trần Du Lịch từng bức xúc: “Tình hình chi ngân sách vẫn thiếu minh bạch, thiếu kỷ cương, 'mềm' đến mức độ tùy tiện”. Riêng với phần thu chi từ thuế bảo vệ môi trường, số liệu quyết toán hai năm gần đây chưa được công bố, tuy nhiên phần dự toán trước đó cũng cho thấy có sự chênh lệch rất lớn từ khoản thu được và phần chi ra.
Cụ thể, dự toán chi ngân sách trung ương năm 2013 cho biết số chi thường xuyên cho bảo vệ môi trường chỉ 1.172 tỷ, chưa bằng 10\% của số thu được năm đó (gần 14.300 tỷ đồng). Hay năm ngoái, bản dự toán tương tự công bố, mức chi dù đã tăng lên, xấp xỉ 1.450 tỷ đồng nhưng cũng khá khiêm tốn so với số thu hơn 12.500 tỷ đồng."
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng từng nhấn mạnh tại buổi họp lấy ý kiến về biểu thuế BVMT mới đây cũng nhấn mạnh: “Thu thuế BVMT đối với xăng, dầu là để bảo vệ môi trường nên không được dùng để bù, chi vào các khoản khác. Môi trường đang như thế này, phải tập trung bảo vệ môi trường, cả ở trung ương, địa phương, chứ cũng không thể thu hết về trung ương để bù cho giảm thuế nhập khẩu”. Có như vậy, người dân mới sẵn sàng góp sức giải quyết khó khăn cùng nhà nước.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước cũng cần đưa ra được lộ trình thu và kế hoạch cụ thể trong việc giảm thiểu tác động của môi trường như thế nào, cần có kế hoạch cụ thể, minh bạch. Bởi người dân luôn mong mỏi đồng tiền đóng thuế của mình phải thật sự sử dụng đúng mục đích, không được nhập nhèm, dàn trải và lãng phí.
Ngọc Anh (Tổng hợp)
Xem thêm video: Tác hại không ngờ từ việc sử dụng điều hòa sai cách[mecloud]SRjIR6KjoV[/mecloud]