Ngày 30/5, trong bối cảnh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục chuyến thăm làm việc tại Thủ đô Washington DC, Mỹ trang Geopolitical Monitor đã đăng bài viết về việc Việt-Mỹ gác lại quá khứ, mở rộng hợp tác an ninh quốc phòng.
Theo bài viết, Việt Nam, quốc gia từng bị chiến tranh tàn phá nặng nề, hoàn toàn có thể lựa chọn đuợc những bè bạn tin cậy cho mình. Từng là cựu thù trong quá khứ đẫm máu và bi thương, tuy nhiên Việt Nam và Mỹ hiện đang chia sẻ nhiều lợi ích chung. Điều này càng thể hiện rõ khi Tổng thống Donald Trump đang chuẩn bị đón tiếp Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc. Cuộc gặp vào thứ Tư tới của hai vị nguyên thủ này rất quan trọng, bởi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là nhà lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên đến thăm Nhà Trắng kể từ khi Mỹ có chính quyền mới và chuyến thăm này cũng mở ra những cơ hội thương mại song phương trong bối cảnh các thách thức an ninh đang ngày càng gia tăng bởi những hành động hiếu chiến của Trung Quốc tại Biển Đông.
Cả hai nước đều có chung mối quan ngại về việc Trung Quốc tôn tạo, xây dựng các đảo nhân tạo tại Biển Đông. Tuần vừa qua, Chính quyền Trump đã quyết định tặng Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam 6 tàu tuần tra biển của Mỹ.
Bài viết đăng trên trang Geopolitical Monitor. |
Kể từ khi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam vào năm ngoái, Việt Nam đã đàm phán với các nhà sản xuất vũ khí Mỹ và phương Tây về nhu cầu nâng cấp đội bay chiến đấu, máy bay trực thăng và máy bay tuần tra hàng hải.
Theo nhiều nhà phân tích, hợp tác an ninh Việt-Mỹ ở Biển Đông hiện nay đang được thúc đẩy.
Hải quân và các tàu tuần tra Mỹ đã được phép cập cảng Cam Ranh, một cảng nước sâu chiến lược của Việt Nam, để sửa chữa và bảo trì.
Là một phần của việc mở rộng hợp tác quân sự song phương, Hải quân Mỹ đã thực hiện nhiều chuyến thăm tới cảng Đà Nẵng và thường xuyên thực hiện các chuyến thăm Việt Nam theo chương trình Đối tác Thái Bình Dương.
Ông Michael Green, người từng làm việc tại Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời Tổng thống Geogre W. Bush, có mặt tại Nhà Trắng lúc cựu Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải có chuyến thăm lịch sử đầu tiên tới Mỹ năm 2005 cho biết, sự hợp tác chặt chẽ hơn trên lĩnh vực an ninh quốc phòng với Mỹ chắc chắn là một trong những mục tiêu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Ông Green, hiện là Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết có lẽ Việt Nam sẽ muốn tăng cường quan hệ hợp tác với Mỹ như cách Nhật Bản đã từng thúc đẩy hồi đầu năm. Ông Green chia sẻ “Việt Nam không phải kiểu quốc gia muốn giữ khoảng cách với Mỹ... và Việt Nam mong muốn hội nghị thượng đỉnh diễn ra thành công tốt đẹp.”
Đối với Mỹ, các lợi ích tại khu vực rất lớn. Gần đây, một tàu Hải quân Mỹ trong quá trình tuần tra tự do hàng hải đã khi đi vào khu vực 12 hải lý của một đảo nhân tạo do Trung Quốc chiếm giữ trái phép.
Tư lệnh Hải quân Mỹ John Richardson cho biết đó là những hoạt động Mỹ thường xuyên tiến hành từ năm 1979 và không mang ý nghĩa “đối đầu” với Trung Quốc. Ông nói thêm “Chúng tôi tiến hành tuần tra tại Biển Đông... Những hoạt động đó có thể nhận được rất nhiều sự chú ý khi nó diễn ra.”
Chiến lược gia về quân sự tại CSIS Anthony Cordesman cho biết, Việt nam có lẽ mong muốn Mỹ có “cam kết” mạnh mẽ hơn tại Biển Đông.
Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á khác tin rằng chỉ Mỹ mới có thể kiềm chế được các hành động hiếu chiến của Trung Quốc. Chính quyền Trump có thể sẽ bán hoặc chuyển giao các thiết bị quân sự cho các quốc gia đồng minh, đối tác trong đó có Việt Nam nhằm hỗ trợ lực lượng hải quân của các nước này.
Ông Cordesman cho biết, ngân sách quốc phòng của Việt Nam năm 2016 khoảng 4 tỷ USD, nhận được 12 triệu USD viện trợ quân sự từ Mỹ. Đã có nhiều ý kiến cho rằng Mỹ sẽ bán máy bay tuần tra hàng hải P-3 Orion của Mỹ cho Việt Nam. Theo ông Cordesman, điều này rất có ý nghĩa bởi nó sẽ giúp Việt Nam có khả năng tuần tra trên biển và phát hiện tàu ngầm vì “P-3 không phải loại tối tân, song nó vẫn hiện đại và có giá cả phải chăng.”
Rất nhiều thiết bị quân sự của Việt Nam mua của Nga đã bị lỗi thời. Mỹ có thể cân nhắc bán tàu và thiết bị hiện đại hơn để Việt Nam thay thế cho các tàu tên lửa, tàu hộ tống nhỏ và tàu khu trục đang lỗi thời; hoặc có thể giúp Việt Nam hiện đại hóa những tàu cũ hơn bằng hệ thống tên lửa đối hải, hệ thống phòng không và cảm biến do Mỹ chế tạo. Theo bản kế hoạch ngân sách mà ông Trump đề xuất, Việt Nam cũng có thể tìm kiếm các khoản tài trợ quân sự từ Mỹ thay vì những khoản vay quân sự.
Ông Cordesman cho biết, một lực lượng quân đội “có trao đổi” với Mỹ có thể giúp Mỹ gửi đi một thông điệp mạnh mẽ. “Việt Nam không phải là mối đe dọa đối với Trung Quốc, Việt Nam không quan tâm tới việc vũ trang chuẩn bị cho chiến tranh, nhưng cũng muốn “được trở nên đáng tin cậy từ một vị trí đàm phán."
Ông Steve Ganyard, cựu quan chứ Bộ Ngoại giao Mỹ, hiện là đối tác của Công ty tư vấn Avascent cho biết “chuyến thăm của Thủ tướng được kỳ vọng rất lớn, và việc ký kết một số thỏa thuận, bao gồm thỏa thuận quân sự đang rất được mong chờ”.
Mỹ và Việt Nam đã xác lập quan hệ Đối tác Toàn diện năm 2013, bao gồm thương mại, phát triển và an ninh hàng hải nhưng chưa có hành động cụ thể. Việt Nam có lẽ cảm thấy yên tâm trước những phát ngôn cứng rắn của chính quyền Trump khi Nhà Trắng đề cập đến “pháo đài quân sự của Trung Quốc” tại Biển Đông.
Tuy nhiên, những phát ngôn cứng rắn ấy đã nhanh chóng trở nên “mềm mỏng” kể từ khi Mỹ kêu gọi Trung Quốc gây sức ép với Bắc Triều Tiên nhằm ngăn chặn các vụ thử tên lửa hạt nhân.
Mỹ tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác an ninh với Việt Nam, bao gồm hỗ trợ chính phủ Việt Nam củng cố năng lực an ninh hàng hải với 45,7 triệu USD từ năm 2014 thông qua cá chương trình tài chính quân sự nước ngoài của Bộ Ngoại giao mỹ và những chương trình xây dựng khả năng thực thi luật pháp.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, Katrina Adams cho biết: “Quan hệ đối tác giữa Mỹ và Việt Nam là một phần quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.”
Ông Ganyard cho biết, các công ty quốc phòng Mỹ cho rằng Việt Nam vẫn là nền kinh tế mới nổi, có lẽ chưa quan tâm nhiều tới các loại vũ khí quá đắt tiền. Tuy nhiên, ông hy vọng Việt Nam sẽ đẩy mạnh hiện đại hóa quân sự song song với phát triển kinh tế.
Từ năm 2009, hợp tác quân sự song phương giữa Việt Nam và Mỹ đã tiếp tục được củng cố vì lợi ích an ninh tại Biển Đông của hai nước bị ảnh hưởng do Trung Quốc đưa ra và thực thi tuyên bố “đường chín đoạn” tại Biển Đông.
Năm ngoái, Tòa Trọng tài thường trực tại The Hague đã phê phán các hành động tôn tạo, xây dựng của Trung Quốc tại các đảo đá và đảo san hô, đồng thời kết luận việc Trung Quốc mở rộng chủ quyền tại các đảo trên là không có cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, Trung Quốc đã phớt lờ quyết định của Tòa Trọng tài thường trực và tiếp tục quân sự quá các đảo đã chiếm đóng.
Ông Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Úc cho biết: “Việc Việt Nam đang tìm mua radar trên biển và máy bay tuần tra hàng hải loại như P-3 Orion là một điều mà ai cũng biết. Ở đây thị trường cung đang vượt quá cầu vì các nước như Mỹ, Nhật, Úc và các nước khác đều trang bị máy bay P-8 Poseidon đồng thời cho Orion “nghỉ hưu”. Do vậy không loại trừ Nhật Bản sẽ là một nhà cung cấp cho Việt Nam.
Chuyến thăm làm việc tại Mỹ của đoàn Việt Nam bao gồm cả hàng trăm nhà ngoại giao và doanh nghiệp sẽ đảm bảo rằng tổng thống Donald Trump sẽ đến Việt Nam vào tháng 11 để tham dự Hội nghị cấp cao APEC. Hội đồng kinh tế Mỹ-ASEAN tại Mỹ đang tổ chức một buổi tiệc tối chiêu đãi như một dấu hiệu mở rộng hợp tác kinh doanh giữa hai quốc gia.
Tiến sĩ Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết: “Nếu hai nước tham gia vào một Hiệp định thương mại tự do mà đem lại lợi ích cho cả hai bên theo ý kiến đề xuất của nhiều doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động tại Việt Nam, Hiệp định trên sẽ phản ánh xu hướng phát triển và tiềm năng to lớn của kinh tế của hai nước, đồng thời tạo thêm nhiều việc làm cho cả người Mỹ và người Việt Nam.”
Trong bối cảnh Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam rất muốn nắm bắt xu hướng phát triển kinh tế mà chính quyền Trump sẽ lựa chọn trong thực hiện chiến dịch “Nước Mỹ trên hết.” Do đó trong chuyến đi này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có lẽ sẽ đàm phán một hiệp định thương mại tự do song phương với Mỹ.
Chuyên gia Murray Hiebert, cố vấn cấp cao và giám đốc khu vực Đông Nam Á của CSIS cho chia sẻ Việt Nam muốn hiểu rõ cách chính quyền Trump hợp tác với khu vực trên lĩnh vực kinh tế sau khi Tổng thống Trump tuyên bố rút khỏi TPP, một hiệp định mà Việt Nam có lẽ rất mong đợi./.