Đối với các đời lãnh đạo Triều Tiên, Đài Loan luôn là "con bài tiềm năng, chỉ đợi thời cơ chín muồi có thể lợi dụng", FT (Anh) bình luận.
Ảnh minh họa: Daily Star |
Ngày 3/5, hãng thông tấn nhà nước KCNA đăng tải bài xã luận công khai chỉ trích Trung Quốc khi cho rằng Bắc Kinh đã đứng về phía Washington để tăng cường gia tăng áp lực lên Bình Nhưỡng.
"Trung Quốc nên cân nhắc kỹ hơn về những hậu quả nghiêm trọng gắn liền đến hành động liều lĩnh là cắt đứt quan hệ Trung-Triều", KCNA cảnh báo.
Trong những năm gần đây, đây là lần đầu tiên Bình Nhưỡng chỉ đích danh, thậm chí đưa ra lời đe dọa với Bắc Kinh.
Đặng Tiểu Bình và Kim Nhật Thành tại cuộc hội đàm năm 1978. Ảnh: CVG
Đáng chú ý, ngày 4/5, tài khoản Wechat Xiakedao - phiên bản quốc tế của báo đảng Nhân dân nhật báo (Trung Quốc) đã lên tiếng đáp trả lại chỉ trích từ Triều Tiên.
Bất ngờ hơn, Xiakedao lần tiên quy trách nhiệm cho cố lãnh đạo Kim Nhật Thành (Kim Il-sung) về cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên từ hơn 70 năm trước.
Theo tài khoản này, do bị lôi kéo vào cuộc chiến nên tiến trình giải quyết quan hệ hai bờ eo biển của Trung Quốc bị trì hoãn đến tận ngày nay và quan hệ song phương Trung-Mỹ thêm rạn nứt.
Trước đó, bài xã luận của KCNA có đoạn viết: "Bắc Kinh nên thành thật thừa nhận ai đã chiến đấu gian khổ ở tuyến đầu, đánh bại âm mưu xâm lược của Washington để bảo vệ hòa bình và an ninh của Trung Quốc đại lục trong cuộc đối đầu hơn 70 năm với Mỹ nên bày tỏ lòng cảm ơn với Triều Tiên mới là điều hợp đạo lý".
Tờ Financial Times (Anh) nhận định, đây là lần đầu tiên phát biểu của Triều Tiên dùng cách gọi Trung Quốc đại lục (vốn để phân biệt với Đài Loan) để chỉ Trung Quốc, bởi trước nay, giống như Bắc Kinh, Bình Nhưỡng coi Đài Loan là một bộ phận không thể tách rời của Trung Quốc.
Báo Anh dẫn nguồn tư liệu thuật lại, trước thời điểm Trung-Hàn thiết lập quan hệ ngoại giao, Kim Nhật Thành từng hỏi Đặng Tiểu Bình: "Nếu như chúng tôi thiết lập quan hệ với Đài Loan, các đồng chí sẽ nghĩ sao?".
"Thế thì quan hệ Trung-Triều sẽ tuyệt giao", Đặng đáp.
Điều này cho thấy, đối với các đời lãnh đạo Triều Tiên, Đài Loan luôn là "con bài tiềm năng, chỉ đợi thời cơ chín muồi có thể lợi dụng", FT bình luận.