Trong 2 tháng trúng thầu hơn 1.300 tỷ đồng
Ngày 8/3, Công ty cổ phần FECON (mã chứng khoán: FCN) cống bố thông tin về kế hoạch tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024. Theo đó, thời gian tổ chức đại hội dự kiến vào ngày 26/4.
Ngay từ những tháng đầu năm,FECON đã liên tiếp trúng thầu dự án “khủng”.
Đại diện Công ty Cảng Container quốc tế Hateco Hải Phòng (trái) và Tập đoàn FECON (phải) ký kết Hợp đồng. Ảnh: FECON
Cụ thể, theo thông tin từ FCN, ngày 27/1, FECON ký kết hợp đồng trị giá 781 tỷ đồng cho gói thầu “Thiết kế và thi công đường bãi, kết cấu hạ tầng” thuộc Dự án Bến cảng số 5, 6 khu bến cảng Lạch Huyện với Chủ đầu tư HATECO. Sau gói thầu “Cọc đất gia cố xi măng – CDM” có trị giá 383,1 tỷ đồng bằng công nghệ thi công RAS COLUMN, đây là gói thầu tiếp theo FECON được Chủ đầu tư HATECO tin tưởng lựa chọn.
Cũng trong tháng 1/2024, FECON trúng thầu gói “Thi công cầu cảng Dự án Mở rộng bến cảng Baria Serece tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu” với chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Dịch vụ Xuất Nhập khẩu Nông Lâm Sản và Phân Bón Bà Rịa với tổng giá trị hợp đồng hơn 100 tỷ đồng.
Không chỉ được mùa các gói thầu thi công hạ tầng cảng biển & logistic, mảng xây dựng hạ tầng của FECON còn ghi nhận thêm gói thầu “Thi công hạng mục nhà ga Hà Nội tại Dự án Tuyến cáp treo Hương Bình” của chủ đầu tư là Tập đoàn Thái Bình Dương (Pacific). Trong gói thầu này, FECON sẽ phụ trách thi công xây dựng, cung cấp lắp đặt thiết bị nhà ga, hạ tầng kỹ thuật và các công trình phụ trợ đầu Hà Nội, với tổng giá trị hợp đồng hơn 200 tỷ đồng.
Ngoài các dự án kể trên, FECON sẽ tham gia vào gói thầu thi công hạ tầng thuộc dự án khu phức hợp căn hộ cao cấp kết hợp thương mại tại Bình Dương, tổng giá trị hợp đồng hơn 180 tỷ đồng; đảm nhận thi công gói thầu “EDT.INFR.BP01 – Thi công Hạ tầng Kỹ thuật – Hardscape Cảnh quan – Trạm xử lý nước thải” với tổng giá trị hợp đồng hơn 60 tỷ đồng cho dự án Khu dân cư 15ha Thị xã Bình Long (Cát Tường Edu Town).
Ở lĩnh vực truyền thống, FECON cũng ghi nhận trúng thầu hàng loạtgói thầu nhỏ khác như: “Thi công Cọc xi măng đất đường kính D1000mm” tại Dự án Kho khí dầu mỏ lỏng LPG Yên Hưng với tổng giá trị gần 18 tỷ đồng; gói thầu “Thi công Cọc xi măng đất đường kính D1200mm” cho dự án Nhiệt điện Quảng Trạch 1, trị giá hơn 8 tỷ đồng; gói thầu “Cung cấp và thi công ép cọc thử, thí nghiệm sức chịu tải cọc, thi công ép cọc đại trà nhà Beta và nhà Gamma" trị giá hơn 10 tỷ đồng tại dự án Trường Phổ thông liên cấp FPT Hậu Giang.
Như vậy, chỉ trong 2 tháng đầu tiên của năm 2024, FECON thông báo trúng thêm nhiều gói thầu mới, với tổng giá trị sau thuế đạt hơn 1.300 tỷ đồng, nâng tổng giá trị các hợp đồng đang triển khai của FECON trong năm 2024 lên khoảng 6.000 tỷ đồng.
Lần đầu lỗ từ khi lên sàn
Nhìn lại năm 2023, giải ngân đầu tư công là một trong những lĩnh vực được Chính phủ tập trung đẩy mạnh như là một chìa khóa để thúc đẩy nền kinh tế, tăng trưởng tín dụng. Do đó, các doanh nghiệp mảng xây dựng hạ tầng, trong đó có FECON được nhận định sẽ hưởng lợi từ đầu tư công.
Trên thực tế, mặc dù liên tiếp công bố trúng nhiều gói thầu lớn, quy mô hàng trăm, thậm chí cả nghìn tỷ đồng nhưng bức tranh tài chính của FCN lại không mấy khởi sắc.
Kết quả kinh doanh năm 2023 của FECON.
Năm 2023, FECON ghi nhận lần đầu lỗ từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán. Nếu nhìn vào phần đầu bảng báo cáo hoạt động kinh doanh của FECON ít ai có thể nghĩ kết quả cuối cùng lại gây thất vọng như vậy.
Theo báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất, quý IV/2023, doanh thu thuần tăng trưởng 25% so với cùng kỳ năm 2022 lên 1.049 tỷ đồng. Con số này cho thấy sự phục hồi phần nào của mảng xây lắp, lĩnh vực chính mà FCN đang tham gia, cộng với giá vốn không tăng theo tương xứng giúp lợi nhuận gộp tăng hơn 161%.
Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng được tiết giảm lần lượt 14% và 4%.
Tuy nhiên, như Công ty giải trình, những điều tích cực trên vẫn là chưa đủ bù đắp cho sự chênh lệch lớn trong khoản thu từ hoạt động tài chính, cụ thể là âm 260 triệu đồng trong khi cùng thời điểm năm trước ghi nhận 131 tỷ đồng phần lớn đến từ việc bán dự án điện mặt trời Vĩnh Hảo 6. Chưa kể chi phí lãi vay tăng 36% do ảnh hưởng của đợt tăng lãi suất từ cuối năm 2022 và dư nợ vay tăng.
Do đó, lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý IV/2023 của FECOn âm 44,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước dương 49,6 tỷ đồng, tương ứng giảm 267%.
Quý IV giảm sút kéo theo lũy kế cả năm lỗ 32 tỷ đồng, qua đó tiếp tục là năm gây thất vọng đối với cổ đông FCN khi lãi giảm liên tục kể từ năm 2018. Và chỉ hoàn thành khoảng 76% mục tiêu doanh thu đề ra trước đó.
Cuối năm 2023, tổng tài sản FECON là 8.773 tỷ đồng, tăng gần 16% so với hồi đầu năm. Tiền và các khoản tương đương tiền gấp 4 lần so với hồi đầu năm, ghi nhận hơn 700 tỷ đồng.
Trong khi đó, phía bên kia bảng cân đối, người mua trả tiền trước ngắn hạn cũng có mức đột biến tương tự, tăng thêm gần 870 tỷ đồng so với một năm trước lên mức cao nhất từ trước tới nay 1.154 tỷ đồng nhưng không được thuyết minh cụ thể. Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của FCN nhờ đó dương 409 tỷ đồng trong khi cùng kỳ âm 202 tỷ đồng.
Một số biến động đáng kể khác có thể kể đến như trả trước cho người bán ngắn hạn 676 tỷ đồng, so với trước đó con số này đã tăng thêm 440 tỷ đồng. Đầu tư vào công ty liên kết, liên doanh gấp đôi đầu năm, lên 329 tỷ đồng.
Công ty con chậm đóng BHXH
Theo báo Đại biểu nhân dân, bên cạnh hoạt động kinh doanh đi xuống, loạt công ty trong hệ sinh thái của FECON còn bị Bảo hiểm xã hội Hà Nội điểm tên trong danh sách đơn vị sử dụng lao động chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ – BNN từ 1 tháng trở lên trên địa bàn TP.Hà Nội tháng 1/2024 (số liệu tính đến hết 31/01/2024 theo C12-TS lấy ngày 5/2/2024).
Theo danh sách này, Công ty Cổ phần Xây dựng Hạ tầng FECON đang chậm đóng 6 tháng, số tiền hơn 845 triệu đồng.
Công ty Cổ phần Cọc và Xây dựng FECON chậm đóng 376 triệu đồng.
Công ty Cổ phần Công trình Ngầm FECON RAITO chậm đóng 367 triệu đồng.
Công ty Cổ phần Đầu tư FECON chậm đóng gần 137 triệu đồng.
Ngoài ra, trong danh sách này còn có tên của Công ty Cổ phần Thi công cọc FECON số 1.
Vân Anh