Báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ đã soát xét của Công ty cổ phần Fecon (Fecon, mã chứng khoán: FCN) ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 1.282 tỷ đồng; giảm 16,7% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán ở mức 1.034 tỷ đồng; giảm 23%.
Nửa đầu năm 2023, các khoản chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp của Fecon lần lượt ghi nhận mức 140,8 tỷ đồng và 95,9 tỷ đồng; tăng 40% và 3,4%. Ở chiều ngược lại, chi phí bán hàng là 9,6 tỷ đồng; giảm 11,9%.
Sau cùng, Fecon báo lãi sau thuế 6 tháng đầu năm 2023 đạt 1,3 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp này còn cách rất xa mục tiêu lợi nhuận sau thuế 125 tỷ đồng đặt ra cho cả năm 2023.
Tại ngày 30/6/2023, tổng tài sản của Fecon ở mức 7.686 tỷ đồng, tăng hơn 106 tỷ đồng so với số đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền là 273,6 tỷ đồng, đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn là 13,9 tỷ đồng.
Các khoản phải thu ngắn hạn của Fecon ghi nhận mức 3.017 tỷ đồng; giảm 7% sau 1 năm. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất là khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng là 1.740 tỷ đồng. Trong đó, hơn 1.294 tỷ đồng là khoản phải thu đến từ “đối tượng khác”.
Ngoài ra, Fecon cũng ghi nhận khoản phải thu ngắn hạn khác hơn 995 tỷ đồng. Thuyết minh báo cáo tài chính thể hiện đây là các khoản phải thu ngắn hạn từ ông Hà Thế Phương (50,9 tỷ đồng); ông Muôn Văn Chiến (177,9 tỷ đồng) và ông Phùng Tiến Trung (190,2 tỷ đồng), là các khoản liên quan đến Hợp đồng hợp tác đầu tư giữa CTCP Năng lượng Fecon và các cá nhân, thời hạn hợp tác 12 tháng kể từ ngày hợp đồng được ký kết.
Fecon báo lãi sau thuế 6 tháng đầu năm 2023 đạt 1,3 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp này còn cách rất xa mục tiêu lợi nhuận sau thuế 125 tỷ đồng đặt ra cho cả năm 2023.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, cổ đông đã chất vấn lãnh đạo Fecon, đề nghị làm rõ các khoản phải thu tổng giá trị hơn 400 tỷ đồng đến từ ba cá nhân Muôn Văn Chiến, Hà Thế Phương, Phùng Tiến Trung.
Trả lời cổ đông, bà Nguyễn Thị Nghiên - Giám đốc tài chính Fecon cho biết theo phương án kinh doanh, công ty cần thực hiện đầu tư các doanh nghiệp dự án mục tiêu. Để đạt được sở hữu tại các doanh nghiệp theo kế hoạch thì cần phải tìm kiếm, phát triển dự án, mua gom cổ phần rồi sau đó mua bán, sáp nhập thành cổ đông chi phối hoặc sở hữu tỷ lệ cổ phần theo mục tiêu đã định.
“Các cá nhân là thành viên của HĐQT và lãnh đạo cấp cao của công ty Fecon Invest nên đảm bảo tính trách nhiệm và năng lực thực hiện, bám đuổi theo kế hoạch. Sau khi đạt được kết quả dự kiến, công ty sẽ thực hiện tái cấu trúc lại sở hữu tại các doanh nghiệp dự án mục tiêu”, bà Nghiên cho hay.
Fecon cũng còn hơn 1.756 tỷ đồng hàng tồn kho, chiếm phần lớn chi phí sản xuất kinh doanh dở dang với 1.645 tỷ đồng.
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của Fecon tính đến ngày 30/6/2023 là 4.278 tỷ đồng, tăng thêm khoảng 180 tỷ đồng. Tổng nợ vay tài chính là 2.962 tỷ đồng.
XEM THÊM: Kinh doanh lãi lớn, PNJ bị phạt và truy thu thuế hơn 13 tỷ đồng
Trong tháng 7/2023, Fecon cho biết đã trúng thêm 5 gói thầu mới tại nhiều dự án lớn với tổng giá trị đạt 537,1 tỷ đồng. Cụ thể, Fecon đã nhận được thư trao thầu của Tập đoàn TH cho gói thầu “Thiết kế và thi công hạ tầng thuộc Dự án TH Healthcare” trị giá 172,8 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Fecon nhận được gói thầu “Thi công cọc đại trà, tường vây và Kingpost” thuộc hai dự án: Khu dịch vụ du lịch ven sông Hàn trị giá 75,9 tỷ đồng, một dự án tòa nhà văn phòng trị giá gần 44,8 tỷ đồng và một phần việc tại Dự án Đầu tư tư xây dựng nút giao Phú Thứ và tuyến đường kết nối tại xã Tiên Hiệp, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, trị giá 65 tỷ đồng. Ngoài ra, Fecon nhận thêm thư trao thầu gói “Sản xuất khối neo trọng lực” cho dự án điện gió ngoài khơi thuộc vùng biển Malaysia trị giá 178,6 tỷ đồng.
Hiếu Nguyễn