Hiện tại, một vấn đề quan trọng được đặt ra là làm thế nào để đưa các sản phẩm lương thực ra khỏi Ukraine và giúp nông dân ở các nước EU láng giềng giải quyết tình trạng dư thừa ngũ cốc giá rẻ. Đây được cho là mối đe dọa làm lung lay sự đoàn kết của khối liên minh 27 quốc gia trong việc ủng hộ Kiev, giữa bối cảnh căng thẳng Nga-Ukraine ngày một leo thang.
Một nông dân thu hoạch trên cánh đồng ở vùng núi Harz gần Wernigerode, Đức. Ảnh minh họa
Ủy viên Nông nghiệp Janusz Wojciechowski cho biết, Ủy ban châu Âu, cơ quan điều hành của EU, sẽ xem xét khả năng hỗ trợ tài chính cho các công ty vận tải, song cường quốc kinh tế của châu Âu là Đức phản đối động thái này.
Ba Lan, Slovakia, Hungary, Romania và Bulgaria thì muốn gia hạn lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc của Ukraine cho đến cuối năm, song vẫn sẽ cho phép lương thực của Kiev di chuyển qua các quốc gia này để tới các quốc gia khác thế giới.
Bộ trưởng Nông nghiệp Ba Lan Robert Telus hoan nghênh ý kiến của ông Wojciechowski: “Tôi nghĩ rằng điều này mang lại cho chúng tôi rất nhiều hy vọng rằng chúng tôi sẽ không phải sử dụng các giải pháp đơn phương”.
Tại Washington, người đứng đầu bộ phận phát triển quốc tế của Mỹ Samantha Power nói với các phóng viên rằng Mỹ sẽ xem xét đầu tư nhiều tiền hơn cho các silo và kho chứa khác để ngũ cốc thu hoạch của Ukraine "không bị hỏng trong khi chờ đợi để tiếp cận thị trường toàn cầu”.
Nga cho biết họ không gia hạn thêm thỏa thuận quốc tế Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen sau khi hết hạn vào ngày 17/7. Thỏa thuận này được thực hiện cho phép vận chuyển an toàn ngũ cốc của Ukraine thông qua các cảng ở Biển Đen, giúp òng ngũ cốc từ Ukraine đến được các nước ở Châu Phi, Trung Đông và một số khu vực của Châu Á, nơi nạn đói và giá lương thực ngày càng tăng
Nếu thỏa thuận không được gia hạn, đồng nghĩa với việc các tuyến đường sông, đường bộ và đường sắt qua châu Âu trở thành cách duy nhất để Ukraine - nhà cung cấp lượng lớn lúa mì, lúa mạch, ngô và dầu thực vật toàn cầu – có thể xuất khẩu sản phẩm của mình.
Tuy nhiên, các cuộc tấn công gần đây đã làm ảnh hưởng tới tuyến đường quan trọng đi qua sông Danube, nơi vận chuyển hàng triệu tấn lương thực Ukraine đến các cảng Biển Đen của Romania mỗi tháng.
Trong khi đó, các tuyến đường bộ và đường sắt đi qua các quốc gia láng giềng đã khuấy động sự tức giận của nông dân địa phương khi họ phải đối mặt với tình trạng dư thừa ngũ cốc Ukraine, khiến giá nông sản tại địa phương giảm.
“Chúng ta cần xem xét việc hỗ trợ vận chuyển. Điều này là cần thiết”, ông Wojciechowski nói. “Tôi sẽ trình bày quan điểm này tại ủy ban và chúng ta nên tìm ra giải pháp để có thể hỗ trợ chi phí vận chuyển”.
Ông Wojciechowski thừa nhận rằng có “một số quan điểm khác nhau” giữa các bộ trưởng song họ đều hiểu rõ mức độ nghiêm trọng của tình hình.
Bộ trưởng Nông nghiệp Litva, Kęstutis Navickas, gợi ý rằng các thủ tục xuất khẩu ngũ cốc có thể được chuyển từ biên giới Ukraine-Ba Lan sang Litva và các cảng Baltic khác như một cách để ngăn chặn ngũ cốc bị mắc kẹt ở các nước gần Ukraine.
Tại Moscow, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết vấn đề này tùy thuộc vào các nước vùng Baltic quyết định.
“Đó là quyền chủ quyền của các quốc gia này. Nhưng điều rất quan trọng đối với chúng tôi là Kiev không được sử dụng các kênh phân phối khác nhau cho các mục đích quân sự và các mục đích dàn dựng tấn công khủng bố trên lãnh thổ của chúng tôi. Chúng tôi sẽ tiếp tục chống lại điều đó”, ông Dmitry Peskov nói.
Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, trong vòng 1 năm qua, sáng kiến biển Đen đã giúp xuất khẩu gần 33 triệu tấn ngũ cốc từ các cảng của Ukraine đến 45 nước, được chuyên chở trên hơn 1.000 tàu. Thỏa thuận cũng giúp Chương trình Lương thực thế giới chuyển hơn 725.000 tấn lúa mì cho việc viện trợ các nước Afghanistan, Djibouti, Ethiopia, Kenya, Somalia, Sudan và Yemen.
Mộc Miên (Theo ABC News)