Ngày 7/3, Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu (EC) phụ trách Thỏa thuận xanh châu Âu Frans Timmermans cho biết, EU có thể tăng cường nhập khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ các nguồn khác, thúc đẩy việc sản xuất năng lượng tái tạo và cắt giảm nhu cầu sử dụng năng lượng, nhằm đạt được mục tiêu giảm phụ thuộc vào Nga.
Mỹ và đồng minh châu Âu đang thảo luận về biện pháp cấm nhập khẩu dầu từ Nga. Ảnh minh họa
“Nếu chúng ta tăng tốc độ chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và đa dạng hóa nguồn cung thì vào cuối năm nay, chúng ta đã có thể giảm 2/3 sự phụ thuộc vào nguồn khí đốt của Nga”, ông Timmermans nhận định.
Liên minh châu Âu cũng sẽ tăng cường nhập khẩu khí đốt từ các nguồn khác ngoài Nga - bao gồm 10 tỷ m3 khí đốt từ các nước như Azerbaijan và 50 tỷ m3 LNG từ Qatar, Ai Cập, Australia.
Dự thảo của kế hoạch dự kiến sẽ được công bố vào ngày 8/3. Trong đó, EU đặt mục tiêu tăng công suất lưu trữ khí đốt từ 30% lên 80% vào ngày 30/9.
40% lượng khí đốt của EU đến từ Nga và tỷ lệ này dần tăng lên trong những năm gần đây. theo viện nghiên cứu Bruegel, Khi phương Tây tìm cách gây khó khăn cho Nga bằng các biện pháp trừng phạt, EU tuần này phải trả khoảng 722 triệu USD mỗi ngày cho Moscow. Con số này cao gấp ba lần trước khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.
"Rõ ràng chúng ta không thể để cho bất kỳ quốc gia thứ ba nào gây bất ổn cho thị trường năng lượng hay tác động tới các lựa chọn năng lượng của mình", Ủy viên năng lượng EU Kadri Simson nói với Nghị viện châu Âu hôm 3/3.
Tuy nhiên, việc thay thế nguồn cung khí đốt Nga là điều "nói dễ hơn làm". Nhiều kho lưu trữ khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) mà châu Âu mua từ Mỹ và Qatar đã hết sức chứa. Hai kho lưu trữ mới được chính phủ Đức phê duyệt trong tuần này sẽ được xây dựng sớm nhất trong ba năm tới.
Năng lượng tái tạo sẽ cần thêm nhiều thời gian hơn để tạo ra sự khác biệt, theo các nhà phân tích. Các nhà cung cấp khí đốt gần hơn như Na Uy, Algeria và Azerbaijan không thể mở rộng đáng kể quy mô sản xuất. Những mạng lưới đường ống dẫn khí đốt ở châu Âu khá chắp vá, thiếu liên kết, gây khó khăn cho phân phối các nguồn khí đốt bổ sung.
Cùng trong 7/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tổ chức một cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo Pháp, Đức và Anh khi chính quyền của ông tiếp tục tìm kiếm sự ủng hộ của họ đối với lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga.
Reuters cho biết, Nhà Trắng cũng đang đàm phán với các nhà lãnh đạo Quốc hội Mỹ về việc đưa ra dự luật về điều khoản cấm nhập khẩu dầu của Nga.
Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thông báo cơ quan này đang xem xét luật cấm nhập khẩu dầu của Nga. Tuần trước, nhóm thượng nghị sĩ Mỹ đã giới thiệu một dự luật cấm Washington nhập khẩu dầu của Moscow.
Khi được hỏi liệu Washington có loại trừ việc đơn phương cấm nhập khẩu dầu của Moscow hay không, Ngoại trưởng Anthony Blinken cho biết: "Tôi sẽ không loại trừ việc thực hiện hành động theo cách này hay cách khác, song sẽ làm những gì cần làm".
Mộc Miên (Theo Politico)