Ngày 24/2/2022, khi Nga nổ phát súng bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, mọi thứ ở châu Âu đã thay đổi. Liên minh châu Âu (EU), trước đây được thành lập để ngăn chặn chiến tranh và duy trì ổn định trong khu vực, cũng không tránh được ảnh hưởng và đã phải đưa ra nhiều quyết định mang tính bước ngoặt.
Viện trợ vũ khí
Trong nhiều năm kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc và Liên Xô sụp đổ, chi tiêu quân sự của các nước châu Âu nhìn chung đã giảm xuống, mối quan tâm của họ chuyển sang những vấn đề khác và công chúng phần nào quên đi mối đe dọa về nguy cơ chiến tranh hạt nhân.
Vào đầu những năm 2020, chi tiêu quân sự ở hầu hết các quốc gia châu Âu đều ở dưới mức mục tiêu của NATO là chi ít nhất 2% GDP. Các đề xuất thành lập một đội quân chung của EU vẫn hoàn toàn trừu tượng, thường được đưa ra trong các cuộc họp của chuyên gia cố vấn hơn là cuộc họp cấp bộ trưởng.
Lần đầu tiên từ Chiến tranh lạnh, EU viện trợ vũ khí sát thương cho một nước trong xung đột. Ảnh: Reuters
Nhưng khi xe tăng Nga đi qua biên giới Ukraine, cú sốc này đã mở ra cánh cửa lâu nay vẫn khép của EU, đó là vấn đề viện trợ vũ khí. Ba ngày sau khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga nổ ra, EU đã quyết định tài trợ tiền mua vũ khí và chuyển giao vũ khí sát thương cho một quốc gia đang trong xung đột là Ukraine.
Đây là lần đầu tiên, EU chi tiền vào việc mua vũ khí.
Khi ấy, Chủ tịch Ủy ban châu ÂU (EC) Ursula von de Leyen nhấn mạnh: "Đây là một thời điểm mang tính bước ngoặt".
Theo đó, EU cũng đã sử dụng Quỹ Hòa bình Châu Âu (EPF), một công cụ ngoài ngân sách mới thành lập, để hoàn trả các chi phí viện trợ quân sự và hỗ trợ hoạt động mà mỗi nước thành viên cam kết với Ukraine.
Trong suốt 12 tháng xung đột, các quốc gia thành viên đã bơm 3,6 tỷ euro vào EPF. Trong một động thái tạo tiền lệ khác, họ đã thành lập một phái bộ hỗ trợ quân sự để huấn luyện binh lính Ukraine trên lãnh thổ EU. Nhìn chung, hỗ trợ quân sự mà các quốc gia thành viên EU cung cấp cho Ukraine ước tính đã lên tới khoảng 12 tỷ euro.
Tuy nhiên, con số đó vẫn còn mờ nhạt so với hơn 44 tỷ USD mà Mỹ đã cam kết cho Ukraine đến thời điểm hiện tại.
Độc lập về năng lượng với Nga
Cuộc xung đột Ukraine cũng buộc EU phải nhìn vào một thực tế vốn đã bị "ngó lơ" từ lâu: Sự phụ thuộc lâu dài và tốn kém vào dầu mỏ, khí đốt và than đá của Nga.
Vào năm 2021, EU đã chi 71 tỷ euro để mua dầu thô và các sản phẩm tinh chế của Nga. Về khí đốt, EU phụ thuộc 40% vào nguyên liệu xuất khẩu của Nga, với một số quốc gia Đông Âu vượt quá mốc 90%.
Vào tháng 12/2021, khi Nga đưa quân tới khu vực biên giới Ukraine, làm leo thang căng thẳng trong khu vực, Thủ tướng Đức Olaf Scholz vẫn quyết bảo vệ dự án đường ống dẫn khí Nord Stream 2 gây nhiều tranh cãi. Sau đó, phải đến khi Nga chính thức phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine, EU mới bắt đầu tìm cách thoát khỏi sự phụ thuộc này.
Từ đó tới nay, EU đã tham gia cuộc chạy đua với thời gian để đa dạng hóa nguồn cung năng lượng của mình và tìm cách độc lập khỏi Nga. Than của Nga nhanh chóng bị cấm, dầu mỏ của Nga dần bị loại bỏ và khí đốt của Nga được thay thế bằng nguồn cung từ Na Uy hoặc các tàu chở nhiên liệu từ Mỹ, Qatar, Nigeria và Algeria.
Song song đó, EC đã soạn thảo các kế hoạch đầy tham vọng nhằm thúc đẩy việc triển khai năng lượng tái tạo và thúc đẩy tiết kiệm điện.
Tính đến hôm nay, EU đã giảm tỷ lệ nhập khẩu khí đốt của Nga xuống còn 12%.
Tịch thu tài sản
Kể từ ngày 24/2/2922, EU và các đồng minh của họ đã tung ra các đòn trừng phạt nhằm vào nhiều đối tượng Nga với mục đích cách nguồn cung cấp tài chính cho các hoạt động quân sự của Điện Kremlin.
Nhiều biện pháp trừng phạt trong số này có bản chất triệt để, chưa từng thấy, chẳng hạn như mức giá trần của G7 đối với dầu thô của Nga, ước tính tiêu tốn của Điện Kremlin hơn 160 triệu euro mỗi ngày.
Tuy nhiên, trong một động thái cụ thể đặc biệt táo bạo, phương Tây áp đặt lệnh cấm hoàn toàn lên mọi giao dịch với Ngân hàng Trung ương Nga, đóng băng một nửa trong số 643 tỷ USD dự trữ ngoại hối của nước này.
EU hiện đã sẵn sàng tiến xa vào lĩnh vực chưa được khám phá này với kế hoạch đầu tư các nguồn dự trữ bị đóng băng và chuyển hướng các khoản tiền tịch thu được vào việc tái thiết Ukraine.
Ý tưởng này chưa có tiền lệ và đã được các chuyên gia pháp lý mô tả là "tinh vi về mặt pháp lý" và "có vấn đề sâu sắc" vì dự trữ tiền tệ là tài sản nhà nước và được bảo vệ đặc biệt theo luật pháp quốc tế, điều mà tất cả các nước phải tôn trọng.
Tiếp nhận lượng lớn người tị nạn
Dù cuộc khủng hoảng di cư năm 2015 đã qua lâu, nhưng nó vẫn tác động tới các nhà hoạch định chính sách và các nhà ngoại giao ở Brussels. Bất chấp một số nỗ lực nhằm thống nhất chính sách di cư và tị nạn giữa 27 quốc gia thành viên, mục tiêu này vẫn quá khó khăn.
Nhưng khi rất nhiều người Ukraine bắt đầu sơ tán khỏi cuộc tấn công dữ dội của Nga, EU đã quyết định đưa ra những giải pháp hỗ trợ. Theo đó, khối đã kích hoạt Chỉ thị Bảo vệ Tạm thời, một đạo luật khó hiểu có từ năm 2001 chưa bao giờ được sử dụng.
Các nước EU đã nhanh chóng mở cửa với người tị nạn từ Ukraine khi xung đột nổ ra. Ảnh: AP
Theo chỉ thị, các quốc gia thành viên được phép bảo vệ ngay lập tức và đặc biệt cho một nhóm người di tản được lựa chọn, trong trường hợp này là người tị nạn Ukraine.
Luật này bỏ qua các hệ thống tị nạn quá tải truyền thống và thay vào đó đưa ra một con đường đơn giản hóa, nhanh chóng để tiếp cận giấy phép cư trú, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, phúc lợi xã hội và thị trường lao động – những điều kiện cơ bản mà người Ukraine cần để bắt đầu một cuộc sống mới.
Việc kích hoạt Chỉ thị bảo vệ tạm thời vào ngày 3/3/2022 được ca ngợi là bước đi "lịch sử" nhưng cũng bị một số nhà hoạt động và tổ chức chỉ trích vì phơi bày thành kiến chủng tộc cố hữu trong chính sách di cư của EU.
Tính đến hôm nay, EU đã tiếp nhận khoảng 4 triệu người tị nạn Ukraine, riêng tại Ba Lan và Đức tiếp nhận khoảng 1 triệu người mỗi nước.
Mở rộng khối
Sau khi Croatia gia nhập EU vào năm 2013, mong muốn mở rộng của khối dường như đã giảm đi rõ rệt. Khi trở thành chủ tịch EC, bà Von de Leyen từng cam kết sẽ đặt mục tiêu mở rộng EU lên trên hết. Nhưng kế hoạch này phần nào đã bị cản trở bởi sự bùng phát của đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, cuộc xung đột tại Ukraine đã tạo ra bước ngoặt và cung cấp cho EU thêm lý do để mở rộng khối: Tinh thần đoàn kết.
Ukraine nhận được tư cách ứng cử viên EU. Ảnh: AP
Với những nỗ lực kiên trì của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và các phụ tá của ông, Kiev đã nhận được tư cách ứng viên EU trong một thời gian ngắn. Trong thời gian đó các thành viên EU đã có một sự thay đổi đáng kinh ngạc và dám công khai nói về việc mở rộng sau nhiều năm tranh luận.
Minh Hạnh (Theo Euronews)