Thông tin về Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, thời gian qua, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã có nhiều ý kiến kết luận về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Trong đó, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 10, khóa XIII đã thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến, tốc độ 350km/h và giao các cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ 8 xem xét, quyết định thông qua chủ trương, một số cơ chế, chính sách đặc thù để huy động nguồn lực, thủ tục đầu tư dự án.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng
Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án đã đánh giá, với nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, quy mô nền kinh tế năm 2023 đạt 430 tỷ USD, gấp gần 3 lần so với năm 2010; nợ công ở mức thấp khoảng 37% GDP; dự kiến thời điểm triển khai xây dựng vào năm 2027, quy mô nền kinh tế ước đạt 564 tỷ USD nên nguồn lực để đầu tư không còn là trở ngại lớn.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc đầu tư dự án sẽ hiện thực hóa các chủ trương, định hướng của Đảng; Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị và thực hiện các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm tạo tiền đề quan trọng để đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao;
Tăng cường kết nối vùng, miền, các cực tăng trưởng, tạo động lực lan tỏa, mở ra không gian phát triển kinh tế mới; tái cấu trúc các đô thị, phân bố dân cư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế;
Tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; đảm bảo nhu cầu vận tải trên hành lang Bắc - Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; tái cơ cấu thị phần vận tải phù hợp lợi thế từng phương thức; tạo tiền đề, động lực phát triển công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ;
Phát triển phương thức vận tải bền vững, hiện đại, thân thiện, góp phần giảm tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Dự án đầu tư phù hợp với chủ trương, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ thông qua; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch phát triển mạng đường sắt, quy hoạch của các ngành, vùng và các địa phương có liên quan.
Về mục tiêu đầu tư, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, việc xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, góp phần tái cơ cấu thị phần vận tải trên hành lang Bắc - Nam một cách tối ưu, bền vững, tạo tiền đề, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Tuyến đường sắt tốc độ cao bắt đầu tại TP.Hà Nội (ga Ngọc Hồi) và kết thúc tại TP.HCM (ga Thủ Thiêm), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố; chiều dài tuyến khoảng 1.540km.
Về quy mô đầu tư, Dự án xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.
Về công nghệ, đường sắt chạy trên ray, sử dụng công nghệ đoàn tàu động lực phân tán cho tàu khách, động lực tập trung cho tàu hàng; thông tin tín hiệu tương đương hệ thống đang sử dụng tại các quốc gia phát triển đang khai thác đường sắt tốc độ cao.
Ảnh minh hoạ
Để thực hiện thành công và sớm hoàn thành toàn bộ Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam như tiến độ dự kiến, dự án đề xuất 24 chính sách đặc biệt, gồm 19 chính sách đặc biệt thuộc thẩm quyền của Quốc hội và 5 chính sách đặc biệt thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
Cụ thể, chính sách 1 về cơ cấu nguồn vốn cho dự án.
Chính sách 2 về bố trí vốn và điều chỉnh kế hoạch đầu tư công để bố trí vốn cho dự án.
Chính sách 3 về việc thẩm định khả năng cân đối vốn của dự án.
Chính sách 4 về phát triển, khai thác quỹ đất và giá trị tăng thêm từ đất vùng phụ cận ga đường sắt tốc độ cao.
Chính sách 5 về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ dự án.
Chính sách 6 về bãi đổ chất thải rắn xây dựng.
Chính sách 7 về phát triển khoa học, công nghệ và tuyển dụng nguồn nhân lực cho dự án.
Chính sách 8 về phát triển công nghiệp và chuyển giao công nghệ.
Chính sách 9 về phân chia dự án thành phần.
Chính sách 10 về thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án.
Chính sách 11 về lựa chọn phương án kiến trúc nhà ga thuộc dự án.
Chính sách 12 về công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng.
Chính sách 13 về lập thiết kế kỹ thuật tổng thể thay cho thiết kế cơ sở trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.
Chính sách 14 về chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác và tạm sử dụng rừng.
Chính sách 15 về định mức, khoản mục chi phí.
Chính sách 16 về bố trí vốn cho dự án.
Chính sách 17 về cơ chế, chính sách bảo đảm quốc phòng, an ninh; phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Chính sách 18 về ban hành nghị quyết chứa quy phạm pháp luật để hướng dẫn triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt của dự án.
Chính sách 19 về bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt sau khi Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án.