Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

“Dượng Hương Thư” đời thường “đạp sóng” cứu hơn 100 người giữa tâm bão

(DS&PL) -

Giữa đêm khuya tăm tối, cả vùng quê chìm trong biển nước mênh mông; mưa xối xả, nước ngày càng dâng lên cao. Thoáng nghe tiếng kêu thất thanh, ông Bình vội đi cứu giúp.

Giữa đêm khuya tăm tối, cả vùng quê chìm trong biển nước mênh mông; mưa xối xả, nước ngày càng dâng lên cao. Thoáng nghe tiếng kêu thất thanh của người dân, ông Bình vội vàng lấy chiếc đò, lao nhanh về phía những cánh tay đang chới với.

Người lái đò bình dị

Ông Võ Văn Bình, 67 tuổi, ngụ tại đội 1, thôn Đồng Tư, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đã trở thành ân nhân cứu mạng của nhiều người dân trong cơn bão lũ vừa qua. 

Ngày thường, ông Bình làm nghề chèo đò chở khách qua sông. Cuộc sống mưu sinh vất vả nhưng ông luôn lạc quan, vui vẻ. Vượt qua những con sóng gập ghềnh, ông đưa mọi người tới bến bờ an toàn. Như một “Dượng Hương Thư” giữa đời thường, ở ông Bình có đức tính: Tốt bụng, cần lao, dũng cảm, gan dạ phi thường.

Gắn bó với nghề lái đò hơn 20 năm, cuộc đời ông Bình cũng như những chuyến đò vô định, nổi trôi giữa dòng nước. Ông có bốn người con đều đã “dựng vợ gả chồng” nhưng lập nghiệp ở xa nên không phụ giúp được cha mẹ. Ông Bình nhận nuôi đứa cháu ngoại có hoàn cảnh "đặc biệt" là cậu bé Võ Nhật Thanh. Hai ông cháu nương tựa vào nhau, bữa rau bữa cháo qua ngày. Vì hoàn cảnh nghèo khó nên đứa cháu 15 tuổi phải bỏ học giữa chừng, cùng ông ngoại mưu sinh trên sông nước.

Chiếc đò cũ kỹ là phương tiện giúp ông Bình kiếm sống qua ngày. (Ảnh: Báo Dân sinh)


Lúc đầu, ông dùng chiếc thuyền gỗ chở hành khách trên dòng sông Long Đại. Sau một thời gian, chiếc thuyền hư hỏng, ông vay mượn khắp nơi đầu tư thuyền nhôm có sức chứa và công suất lớn hơn. Kinh tế gia đình phụ thuộc vào những chuyến đò là chính nhưng chẳng kiếm được bao nhiêu. Số nợ cứ tăng lên từng ngày, lãi mẹ đẻ lãi con.

Ông Bình ở tuổi này lẽ ra phải được sum vầy bên con cháu nhưng ông vẫn lo âu, thấp thỏm, nhặt nhạnh từng đồng. Vất vả đeo bám quanh năm, mùa hạ thì nước dâng, sóng lớn, nguy cơ lật đò luôn rình rập. Mùa đông thì rét buốt, mưa phùn gió bấc quật vào người đến tội nghiệp. Vậy mà người đàn ông ấy vẫn thầm lặng gắn bó với công việc, ông được người dân trong vùng gọi là “khắc tinh” của sông Long Đại.

Ông Võ Văn Bình chia sẻ với PV Đời sống & Pháp luật: “Hai ông cháu tôi sống côi cút trong căn nhà nhỏ bé, liêu xiêu trước mưa bão. Tuổi già sức yếu, tôi chẳng làm thêm được gì, tất cả trông cậy vào những chuyến đò chở khách qua sông. Cuộc sống “thiếu trước hụt sau” nhọc nhằn lắm cô ạ! Nhưng mình cứ lạc quan mà sống thôi, người dân ở vùng này ai cũng khó khăn cả”.

Anh hùng “đạp sóng” cứu dân

Quảng Bình những ngày vừa qua oằn mình trước cơn “đại hồng thủy”. Mưa xối xả suốt ngày đêm, mực nước dâng cao khiến người dân trở tay không kịp. Như lường trước được tai họa ập đến với người dân nghèo quê mình, con gái của ông Bình đã đăng lên mạng xã hội số điện thoại của cha để ai cần sẽ gọi chở giúp.

Rạng sáng ngày 18/10, mưa càng lúc càng to, nước trong nhà dâng lên tới 1.3m, ngoài đường nước lên tới tận nóc nhà, người dân hoảng hốt! Trong đêm tối mù mịt, nghe những tiếng la thất thanh, ruột gan ông Bình nóng như lửa đốt. Tiếng chuông điện thoại vang liên hồi, ông cùng người cháu trai nhanh chóng nhảy lên chiếc đò, bơi về phía dòng nước đang cuộn trào, gầm thét.

Lúc đầu, ông Bình cứ nghĩ cứu một vài người nguy cấp. Nhưng sau đó, chuông điện thoại réo không ngừng nghỉ, người này chưa vào tới khu vực an toàn thì lại có người khác gọi. Vài ba ngày liên tiếp như vậy, không một phút giây chợp mắt nghỉ ngơi, không một miếng cơm vào miệng, hai ông cháu đã chở tổng cộng khoảng 100 người tới nơi an toàn.

Suốt nhiều đêm ròng rã, ông Bình và cháu ngoại ăn ngủ trên thuyền, phong phanh tấm áo mỏng chẳng đủ che gió sương. Quần áo ướt hết, ông Bình lại mang ra hong khô để ngày mai có tấm áo mặc. Cứu người là cấp thiết nên ngôi nhà của hai ông cháu không kịp “cứu”. Ngôi nhà nhỏ chìm trong nước, mọi đồ đạc, vật dụng đều hỏng hết, ngập trong bùn đất.

Ông Bình luôn sống lạc quan, vui vẻ (Ảnh: Internet)

Chia sẻ về lý do cứu người không mệt mỏi xuyên ngày đêm, ông Bình chia sẻ: “Khi ấy, hai ông cháu chỉ cầm hơi vài miếng bánh mỳ từ đoàn từ thiện phát. Phần lớn, những người mắc kẹt là người già và trẻ nhỏ, xót xa vô cùng! Nghe những tiếng kêu thét, thấy những cánh tay vẫy vùng, chới với trước dòng nước lũ, tôi nóng ruột gan, chỉ mong nhanh chóng cứu được nhiều người”.

“Nhiều người dân được tôi chở giúp rối rít cảm ơn, đưa tiền gọi là chút lòng biết ơn. Nhưng tôi sao có thể cầm những đồng tiền đó trong hoàn cảnh này. Được bà con quý mến là tôi hạnh phúc rồi. Chỉ mong mình có sức khỏe, có phương tiện để cứu giúp đồng bào lúc hoạn nạn”, ông Bình hồ hởi chia sẻ.

Do phải hoạt động hết công suất trong nhiều ngày cùng với thời tiết cực đoan, chiếc đò cũ kỹ ấy đã bị nước lũ nhấn chìm. Nước cao, sóng lớn xoáy mạnh khiến chiếc thuyền gãy vụn. Ông Bình may mắn thoát chết nhờ được bà con cứu. Vậy là “người bạn” đồng hành 10 năm không thể sử dụng được nữa, chỉ còn là đống sắt vụn. Thậm chí, số tiền sắm chiếc đò vẫn chưa được trả hết.

Thấu hiểu hoàn cảnh của ông Bình, nhiều nhà hảo tâm đã quyên góp tiền để mua tặng ông một chiếc thuyền mới có sức chứa lớn hơn, mong muốn cuộc sống của hai ông cháu sớm ổn định.

Câu chuyện của người hùng “đạp sóng” cứu dân đã lan tỏa rộng khắp trên toàn quốc. Đó là nghĩa cử cao đẹp, là hành động ý nghĩa, thể hiện sự tương thân tương ái, giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn. Hành động của ông Võ Văn Bình thể hiện truyền thống cao đẹp ngàn đời của dân tộc Việt Nam: “Lá lành đùm lá rách”.

Ứng Hà Chi

Tin nổi bật