(ĐSPL) – Sáng 26/8, bà Thạch Thị Phúc (Trà Vinh) đã bật khóc nức nở khi được trực tiếp Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh tiếp và giải quyết khiếu nại.
Bà Thạch Thị Phúc (Trà Vinh) đã 14 năm trời ròng rã đi khiếu kiện nhưng không có kết quả. |
Hôm nay (26/8), Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã có buổi tiếp dân tại Trụ sở tiếp dân Trung ương (Hà Đông – Hà Nội).
Là một người dân may mắn được Tổng Thanh tra Chính phủ tiếp trong đợt này, bà Thạch Thị Phúc (thành phố Trà Vinh – tỉnh Trà Vinh) đã bật khóc nức nở ngay khi được Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh mời vào làm việc.
Là một người dân tộc Khơ-me, điều kiện gia đình lại hết sức khó khăn, thế nhưng bà Phúc đã đằng đẵng theo đuổi và khiếu nại chính quyền tỉnh Trà Vinh trong việc bồi thường đất và hỗ trợ nhà tái định cư không đúng quy định trong suốt 14 năm trời.
Chia sẻ trong buổi làm việc, bà Thạch Thị Phúc cho biết, năm 2000, nhà nước thu hồi nhà của gia đình bà và “bắt ép” bà nhận 6,4 triệu đồng, bắt gia đình rời nhà cửa mà lại không cấp nhà tái định cư, giá bồi thường đất lại không thỏa đáng. Vì vậy mà bà Phúc đã khiếu nại khắp các cấp chính quyền những mong giải quyết sự bức xúc của mình nhưng đều không được chấp nhận.
“Bản thân tôi không biết chữ, gia đình lại rất nghèo, nghèo đến mức không có gạo để nấu cơm cho các con ăn, vậy mà giờ chính quyền tỉnh Trà Vinh lấy đất của gia đình tôi mà lại không có đền bù thỏa đáng, cũng không có hỗ trợ nơi ở tái định cư khiến gia đình tôi bị đẩy vào cảnh khó khăn cùng cực, không còn bất cứ nơi nào để sống, vì vậy, tôi đã tìm mọi cách khiếu nại đòi công bằng nhưng không được giải quyết” – bà Phúc trần tình.
Bà Thạch Thị Phúc bật khóc khi được tổng Thanh tra Chính phủ mời vào làm việc. |
Chia sẻ với phóng viên, bà không cầm được nước mắt: “Ngay sau khi có sự bất công ấy, tôi đã đi khắp tỉnh Trà Vinh để khiếu nại, tiền trong nhà thì không có một xu, tôi phải chạy vạy khắp nơi để đi khiếu nại. Hiện số tiền nợ nhiều đến mức tôi không thống kê nổi nữa.
14 năm trời ròng rã, tôi khiếu nại khắp tỉnh Trà Vinh, nhưng tất cả khiếu nại của tôi đều không được chấp nhận, đều bị lơ đi. Sau đó, tôi lại vay mượn tiền lên Hà Nội để tiếp tục khiếu nại đến Thanh tra Chính phủ, những mong ở cấp cao hơn sẽ xem xét cho những bất công của gia đình tôi”.
“Sau 2,5 tháng ăn trực nằm chờ ngoài vỉa hè ở Trụ sở Tiếp dân Trung ương, thậm chí có những lúc ốm đau ở đây không có tiền ăn uống và thuốc thang, được những người tốt giúp đỡ cho ngủ nhờ trong nhà trọ, thì đến nay tôi may mắn được làm việc với Tổng Thanh tra Chính phủ, niềm vui đó khiến tôi không kìm được cảm xúc mà bật khóc nức nở. Được giãi bày với Tổng Thanh tra, tôi tràn đầy hy vọng sẽ được giải quyết thỏa đáng” – bà Phúc chia sẻ.
Sau khi nghe bà Phúc trình bày sự việc, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nhận định: Đối với công tác thu hồi đất để xây dựng tượng đài của tỉnh Trà Vinh là nhằm xây dựng công tình văn hóa công cộng phục vụ cho dân sinh, chỉnh trang đô thị nên việc thu hồi này là đúng mục đích.
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh lắng nghe mọi ý kiến khiếu nại của dân. |
“Tuy nhiên, tỉnh Trà Vinh cần phải cần rút kinh nghiệm trong một số việc như khi giải quyết vấn đề của dân mà lại không có quyết định bồi hoàn, không có biên bản họp các hộ dân, không có quyết định thu hồi đất. Vì vậy, chính quyền tỉnh Trà Vinh phải có trách nhiệm giải quyết vụ việc của bà Phúc. Chúng tôi giao cho Cục 3 tiếp tục phối hợp với tỉnh Trà Vinh rà soát lại quá trình giải quyết, thu hồi đất, quá trình ra văn bản, cuối cùng là ra quyết định giải quyết để báo cáo lên thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, chúng tôi đề nghị thanh tra tỉnh trà Vinh, phối hợp với UBND tỉnh đưa tổ giám sát xuống ngay để xe xát và trong tháng 9 phải có báo cáo gửi thủ tướng” – Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ đạo.
Về phần mình, bà Phúc đưa ra 3 yêu cầu: thứ nhất là được bồi thường đất theo giá thị trường; thứ hai là được cấp nơi ở tái định cư; và thứ ba là được bồi thường chi phí trong suốt 14 năm mà bà đã bỏ ra để đi khiếu kiện.
Trước những yêu cầu đó, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết sẽ ghi nhận ý kiến của bà, sau đó sẽ xem xét lại để báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ.