Một phát ngôn viên ngày 10/10 (giờ địa phương) cho biết Bộ trưởng Tư pháp Đức đã mở cuộc điều tra vụ nổ hệ thống đường ống dẫn khí Nord Stream Nga, cho phép các nhà điều tra thu thập bằng chứng.
Theo đó, cả Đan Mạch, Thụy Điển và Đức đều đang điều tra nguyên nhân vụ nổ gây ra sự cố rò rỉ khí đốt ở đường ống Nord Stream hồi tháng 9 vừa qua. Được biết, Nga đã cáo buộc phương Tây có liên quan tới vụ việc, trong khi đó các nước châu Âu nhận định sự cố rò rỉ này là một hành động phá hoại nhưng chưa xác định ai là kẻ đứng sau.
Hình ảnh ghi lại trong vụ đường ống khí đốt Nord Stream rò rỉ ở biển Baltic. Ảnh: Anadolu Agency
Vụ việc ban đầu được Đan Mạch và Thụy Điển phối hợp điều tra vì sự cố rò rỉ được ghi nhận ở vùng biển thuộc kiểm soát của 2 nước này. Trong thông báo về việc Đức cũng sẽ tham gia điều tra vụ việc, phát ngôn viên Bộ Tư pháp cho biết: "Vâng. Chúng tôi sẽ bắt đầu cuộc điều tra của mình".
Theo đó, cuộc điều tra sẽ cho phép các nhà chức trách Đức thu thập bằng chứng xác định liệu đây có thực sự là một vụ phạm tội hay không.
Văn phòng công tố liên bang của Đức thường chỉ mở các cuộc điều tra đối với các trường hợp liên quan đến an ninh quốc gia, chẳng hạn như các cuộc tấn công khủng bố. Văn phòng nhận định vụ rò rỉ là "một cuộc tấn công bạo lực vào nguồn cung cấp năng lượng, có thể ảnh hưởng đến an ninh cả trong và ngoài của Đức".
Bộ trưởng Tư pháp Liên bang Đức Marco Buschmann cam kết các nhà điều tra sẽ phối hợp với các đối tác châu Âu để xác định nguyên nhân vụ rò rỉ và những người có liên quan. Ông Buschmann nói thêm: "Chúng tôi sẽ không bị đe dọa bởi các cuộc tấn công vào đường ống Nord Stream".
Các công tố viên liên bang cho biết cuộc điều tra chủ yếu nhằm "xác định thủ phạm cũng như động cơ có thể liên quan tới vụ việc nghi là hành động cố tình phá hoại".
Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson hôm10/10 cho biết Stockholm sẽ không chia sẻ những thông tin thu thập được với Nga. Hơn nữa, Thụy Điển cũng từ chối lời đề nghị của Nga để tham gia vào cuộc điều tra chung. Stockholm nói rằng Moscow được tự do tiến hành cuộc điều tra của riêng mình nếu họ muốn.
Minh Hạnh (Theo Reuters, DW)