Ngày 6/10 (giờ địa phương), Cơ quan An ninh Thụy Điển cho biết một cuộc điều tra hiện trường vụ việc đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 và 2 bị rò rỉ đã được thực hiện. Theo đó, họ đã phát hiện bằng chứng về các vụ nổ, củng cố thêm nghi ngờ về một vụ "phá hoại" đường ống.
Các nhà chức trách Thụy Điển và Đan Mạch đang điều tra 4 vụ rò rỉ sau khi các đường ống khí đốt Nord Stream, nối giữa Nga và Đức qua Biển Baltic và trở thành tâm điểm trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine, bị hư hại vào đầu tuần trước.
Châu Âu, khu vực từng phụ thuộc vào Nga với khoảng 40% lượng khí đốt, đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow ở Ukraine, vốn đã cắt nguồn cung cấp nhiên liệu trong tình trạng khó khăn liên tục.
"Sau khi hoàn thành cuộc điều tra hiện trường vụ án, Cơ quan An ninh Thụy Điển có thể kết luận rằng đã có vụ nổ tại đường ống Nord Stream 1 và 2 trong khu kinh tế Thụy Điển", tổ chức này cho biết.
Họ nói thêm rằng đã có nhiều hư hỏng đối với các đường ống dẫn khí đốt và trích dẫn một số tài liệu liên quan đến vụ việc. Bằng chứng thu thập được "đã củng cố những nghi ngờ" về một vụ phá hoại tổng thể.
Một hình ảnh vệ tinh cho thấy khí đốt từ đường ống Nord Stream sủi bọt trong nước sau sự cố ở Biển Baltic, trong bức ảnh phát hành ngày 29/9. Ảnh: Reuters.
Người phát ngôn Hải quân Thụy Điển Jimmie Adamsson cho biết cuộc điều tra hiện trường vụ án do Lực lượng Bảo vệ Bờ biển và Hải quân Thụy Điển tiến hành sẽ có sự tham gia của các phương tiện không người lái. Ông nói thêm: “Các đường ống sâu 70-80m và ở độ sâu này, chúng tôi cần sử dụng phương tiện không người lái dưới nước".
Nga cho biết họ đã được thông báo qua các kênh ngoại giao rằng họ không thể tham gia cuộc điều tra.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên rằng: “Hiện tại, không có kế hoạch yêu cầu phía Nga tham gia điều tra".
Các nhà điều hành đường ống Nord Stream thuộc sở hữu của Nga và các đối tác châu Âu cho biết trong tuần này, họ không thể kiểm tra các đoạn bị hư hỏng vì các nhà chức trách Đan Mạch và Thụy Điển đã phong tỏa khu vực này vào ngày 3/10.
Bích Thảo (Theo Reuters)