Đó nhận định của nhiều chuyên gia, đại diện hiệp hội, doanh nghiệp được đưa ra tại buổi "Tọa đàm về nội dung của dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều về thuế đối với xi măng xuất khẩu".
Ngày 3/7/2017 vừa qua, Báo Đời sống & Pháp luật phối hợp với Hiệp hội xi măng Việt Nam tổ chức buổi Tọa đàm về một số điểm mới trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2016/NĐ-CP và Nghị định 12/2015/NĐ-CP liên quan tới chính sách thuế xi măng xuất khẩu.
Tại buổi tọa đàm, đại diện Hiệp hội Xi măng Việt Nam, một số doanh nghiệp xi măng lớn, các chuyên gia về tài chính, luật sư trong và ngoài nước cùng với cơ quan báo chí đã nêu ra nhiều điểm mới, tích cực trong dư thảo Nghị định mới. Đồng thời, tiếp tục thảo luận về những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại đối với chính sách thuế cho xi măng xuất khẩu.
Mở đầu buổi tọa đàm, Tiến sĩ Nguyễn Quang Cung - Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, sau khi Nghị định 100/2016/NĐ-CP ra đời, trong quá trình thực hiện nhiều hiệp hội, doanh nghiệp gửi văn bản đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Bộ tài chính nêu vướng mắc và đề nghị hướng dẫn chi tiết để thực hiện. Cụ thể, các đề xuất nêu rõ, cần phải tập trung làm rõ sản phẩm nào thuộc đối tượng xác định trị giá tài nguyên khoáng sản cộng với chi phí năng lượng khi xuất khẩu? Thuế giá trị gia tăng phù hợp? Trị giá tài nguyên khoáng sản đưa vào chế biến? Sản phẩm xuất khẩu có bao gồm chi phí vận chuyển tài nguyên khoáng sản từ nơi khai thác đến nơi chế biến hay không?. Bên cạnh đó, quy định không hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng nhập khẩu sau đó xuất khẩu đã có cách hiểu khác, dẫn đến quá trình thực hiện phát sinh vướng mắc.
Tiến sĩ Nguyễn Quang Cung - Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam |
"Cần thiết phải sửa đổi, bổ sung để phù hợp với chính sách xuất khẩu hàng hóa. Trên cơ sở đó, vừa qua Bộ Tài chính đã ban hành Nghị định tạo thuận lợi cho người nộp thuế và khuyến khích xuất khẩu". - ông Cung nhận định
Sau khi có dự thảo, Bộ Tài chính đã có bản báo cáo tiếp thu giải trình ý kiến cán bộ của tất cả Bộ ngành địa phương, tổ chức, cá nhân về dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều tại Nghị định số 100/NĐCP và Nghị định 12/2015/NĐ-CP. Toàn bộ ý kiến đóng góp các bộ các ngành địa phương về cơ bản là nhất trí.
Liên quan tới vấn đề này, đại diện Tổng công ty xi măng Việt Nam cho rằng, nếu theo đúng tinh thần của dự thảo thì các doanh nghiệp sẽ được khấu trừ thuế GTGT. Vì vậy, mong cộng đồng các doanh nghiệp, các cơ quan chức năng tiếp tục đồng hành để theo sát việc này đến cùng.
Luật sư Lê Đình Vinh - Giám đốc Công ty luật Vietthink nêu quan điểm, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 100/2016/NĐ-CP được coi như thành công bước đầu sau một quá trình phản ánh bất cập từ Hiệp hội xi măng Việt Nam, các doanh nghiệp, các cơ quan báo chí và các luật sư. Sau một năm trao đổi, thảo luận đã tạo được sự đồng thuận trong xã hội. Trong thời gian tới, cần phải sửa luật cho phù hợp hơn.
Cũng tại buổi tọa đàm, Luật sư Lê Đình Vinh đã có những tư vấn, diễn giải các quy định của pháp luật liên quan tới vướng mắc của một số doanh nghiệp trong việc hiểu luật và áp dụng luật vào thực tiễn.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Anh Dũng cũng bày tỏ quan điểm, về vấn đề “hoàn trả” mà một số doanh nghiệp quan tâm, khi Bộ Tài chính đã đưa vào trong văn bản các khoản trước đây không được phép điều chỉnh và hoàn trả thì đây là một cơ sở để chúng ta tiến hành thủ tục để được hoàn trả. Thủ tục hoàn trả sẽ gắn với các luật về hải quan, thuế... Sau khi Nghị định chính thức ban hành, các khoản nộp thừa, nộp vượt nghĩa vụ của doanh nghiệp hoặc tình huống được bù trừ nghĩa vụ thuế trong những lần tiếp theo sẽ được đề nghị hoàn trả.
Mạnh Chu