Tăng cường bảo vệ người yếu thế, trẻ em và phụ nữ mang thai
Bộ Công an đang lấy ý kiến về dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông (TT, ATGT) đường bộ tới ngày 13/9 tới đây.
Trao đổi với PV, luật sư Lê Văn Kiên (Trưởng Văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý) cho biết, dự thảo luật TT, ATGT đường bộ đã bổ sung các quy định tăng cường bảo vệ người yếu thế, trẻ em và phụ nữ mang thai khi tham gia giao thông đường bộ.
Cụ thể, tại khoản 4, Điều 9 (Quy tắc chung) nêu quy định: Tại nơi có vạch kẻ đường hoặc báo hiệu khác dành cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường.
Tại nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, nếu thấy người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang qua đường hoặc có tín hiệu qua đường thì phải giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường.
"Quy tắc này của dự thảo cho thấy vấn đề ý thức, văn hóa tham gia giao thông ngày càng được các nhà làm luật coi trọng, nâng cao. Nếu Luật giao thông đường bộ 2008 quy định tài xế “giảm tốc độ” thì dự thảo Luật TT, ATGT đường bộ, ngoài quy định “giảm tốc độ” còn bổ sung thêm trường hợp tài xế “phải dừng lại” nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường.
Với quy tắc này của dự thảo, có thể trong tương lai, chúng ta sẽ thường xuyên được chứng kiến hình ảnh đẹp với hàng loạt phương tiện dừng lại để nhường đường cho người đi bộ qua đường” – luật sư Kiên phân tích.
Theo dự thảo luật, phụ nữ mang thai không thuộc trường hợp phải xuống xe khi phương tiện xuống phà, đang ở trên phà và khi lên bến. (Ảnh minh họa)
Đối với trẻ em, luật sư Lê Văn Kiên cho biết, dự thảo bổ sung quy định “trẻ em dưới 10 tuổi hoặc chiều cao dưới 1,35 mét được chở trên xe ô tô con không được ngồi cùng hàng ghế của người lái xe khi tham gia giao thông đường bộ; trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em (trừ xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo quy định của pháp luật đường bộ). Người lái xe có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn việc thắt dây an toàn cho trẻ em".
“Về phụ nữ mang thai, dự thảo cũng điều chỉnh bổ sung là đối tượng ưu tiên được ở trên xe khi qua phà, qua cầu phao.
Cụ thể, theo điểm a, khoản 3, Điều 22 (Qua phà, qua cầu phao), khi xe xuống phà, đang ở trên phà và khi lên bến, mọi người không được ở trên xe, trừ người lái xe, điều khiển xe máy chuyên dùng, người bệnh, người già yếu, phụ nữ mang thai và người khuyết tật. Theo Luật giao thông đường bộ năm 2008, phụ nữ mang thai không thuộc trường hợp được ở trên xe.
Ngoài ra, dự thảo cũng quy định “mọi người có trách nhiệm giúp đỡ người khuyết tật, già yếu, mắc bệnh tâm thần, trẻ em dưới 7 tuổi, phụ nữ mang thai khi đi qua đường” theo Điều 29 của dự thảo” – luật sư Kiên nói.
Hàng loạt trường hợp phải giảm tốc độ
Luật sư Lê Văn Kiên cho biết thêm, dự thảo luật đang được Bộ Công an lấy ý kiến có nhiều sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn, các quy tắc giao thông được quy định rõ ràng.
Luật sư Kiên lấy ví dụ về quy tắc “Chấp hành quy định về tốc độ và khoảng cách giữa các xe”, dự thảo đã nêu rõ các trường hợp các tài xế sẽ phải tốc độ phương tiện (khoản 3, Điều 11):
a) Có báo hiệu cảnh báo nguy hiểm hoặc có chướng ngại vật trên đường;
b) Chuyển hướng xe chạy hoặc tầm nhìn bị hạn chế;
c) Đi qua nơi đường bộ giao nhau cùng mức; nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt; đường hẹp, vòng, quanh co, đèo, dốc;
d) Đi qua cầu, cống hẹp, đập tràn, đường ngầm, hầm chui, khi lên gần đỉnh dốc, khi xuống dốc;
đ) Đi qua khu vực có trường học, bệnh viện, bến xe, công trình công cộng tập trung đông người, khu vực đông dân cư, nhà máy, công sở tập trung bên đường, khu vực đang thi công trên đường bộ, hiện trường vụ tai nạn giao thông;
e) Có vật nuôi đi trên đường hoặc chăn thả ở sát đường;
g) Tránh xe đi ngược chiều hoặc khi cho xe đi phía sau vượt; khi có tín hiệu xin đường, tín hiệu khẩn cấp của xe đi phía trước;
h) Đến gần bến xe buýt, điểm dừng đỗ xe có khách đang lên, xuống xe;
i) Gặp xe ưu tiên đang làm nhiệm vụ; xe chở hàng siêu trường, siêu trọng, hàng nguy hiểm; đoàn người đi bộ;
k) Trời mưa, sương mù, khói, bụi; mặt đường trơn trượt, lầy lội, có nhiều đất đá, vật liệu rơi vãi;
l) Khi điều khiển phương tiện đi qua khu vực đang tổ chức kiểm soát giao thông.
XEM THÊM: Hoãn phiên tòa xét xử 2 bảo mẫu bạo hành bé trai 17 tháng tuổi tử vong ở Hà Nội
Trưởng Văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý cho biết: Luật giao thông đường bộ 2008 quy định về “Tốc độ xe và khoảng cách giữa các xe” tại điều 12. Tuy nhiên, không quy định cụ thể các trường hợp phương tiện phải giảm tốc độ.
“Luật giao thông đường bộ 2008 quy định phương tiện phải giảm tốc độ vào từng quy tắc cụ thể. Ví dụ, quy định về chuyển hướng xe (điều 15, Luật giao thông đường bộ 2008) nêu tại khoản 1 “khi muốn chuyển hướng, người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ và có tín hiệu báo hướng rẽ”.
Trong khi đó, dự thảo Luật TT, ATGT đường bộ quy định có điều khoản riêng “tổng hợp” các trường hợp tài xế phải cho phương tiện giảm tốc độ. Điều này giúp tài xế dễ nắm bắt, ghi nhớ những tình huống sẽ phải giảm tốc độ, tránh phạm luật” – luật sư Kiên nói.
QUY ĐỊNH VỀ TỐC ĐỘ VÀ KHOẢNG CÁCH GIỮA CÁC XE TRONG DỰ THẢO LUẬT TT, ATGT ĐƯỜNG BỘ VÀ LUẬT GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ NĂM 2008
DỰ THẢO LUẬT TT, ATGT ĐƯỜNG BỘ | LUẬT GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ 2008 |
Điều 11. Chấp hành quy định về tốc độ và khoảng cách giữa các xe | Điều 12. Tốc độ xe và khoảng cách giữa các xe |
1. Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ phải chấp hành quy định về tốc độ, khoảng cách an toàn tối thiểu với xe phía trước cùng làn đường hoặc phần đường. | 1. Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải tuân thủ quy định về tốc độ xe chạy trên đường và phải giữ một khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước xe của mình; ở nơi có biển báo "Cự ly tối thiểu giữa hai xe" phải giữ khoảng cách không nhỏ hơn số ghi trên biển báo. |
2. Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ phải điều khiển xe chạy với tốc độ phù hợp điều kiện của cầu, đường, mật độ giao thông, địa hình, thời tiết và các yếu tố ảnh hưởng khác để bảo đảm an toàn. | 2. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tốc độ xe và việc đặt biển báo tốc độ; tổ chức thực hiện đặt biển báo tốc độ trên các tuyến quốc lộ. |
3. Các trường hợp phải giảm tốc độ a) Có báo hiệu cảnh báo nguy hiểm hoặc có chướng ngại vật trên đường; b) Chuyển hướng xe chạy hoặc tầm nhìn bị hạn chế; c) Đi qua nơi đường bộ giao nhau cùng mức; nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt; đường hẹp, vòng, quanh co, đèo, dốc; d) Đi qua cầu, cống hẹp, đập tràn, đường ngầm, hầm chui, khi lên gần đỉnh dốc, khi xuống dốc; đ) Đi qua khu vực có trường học, bệnh viện, bến xe, công trình công cộng tập trung đông người, khu vực đông dân cư, nhà máy, công sở tập trung bên đường, khu vực đang thi công trên đường bộ, hiện trường vụ tai nạn giao thông; e) Có vật nuôi đi trên đường hoặc chăn thả ở sát đường; g) Tránh xe đi ngược chiều hoặc khi cho xe đi phía sau vượt; khi có tín hiệu xin đường, tín hiệu khẩn cấp của xe đi phía trước; h) Đến gần bến xe buýt, điểm dừng đỗ xe có khách đang lên, xuống xe; i) Gặp xe ưu tiên đang làm nhiệm vụ; xe chở hàng siêu trường, siêu trọng, hàng nguy hiểm; đoàn người đi bộ; k) Trời mưa, sương mù, khói, bụi; mặt đường trơn trượt, lầy lội, có nhiều đất đá, vật liệu rơi vãi; l) Khi điều khiển phương tiện đi qua khu vực đang tổ chức kiểm soát giao thông. |
3. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện việc đặt biển báo tốc độ trên các tuyến đường do địa phương quản lý. |
Xuân Lực