Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Dự án Charmington Iris: Bán căn hộ bằng "niềm tin"?

(DS&PL) -

Chưa đủ điều kiện để mở bán theo quy định của pháp luật, nhưng dự án Charmington Iris (Quận 4) vẫn được môi giới rao bán công khai và chấp nhận nhận tiền giữ chỗ

Chưa đủ điều kiện để mở bán theo quy định của pháp luật, nhưng dự án Charmington Iris (Quận 4) vẫn được môi giới rao bán công khai và nhận tiền giữ chỗ, đặt cọc từ khách hàng. Việc "cầm đèn chạy trước ô tô" từ chủ đầu tư vô tình đẩy khách hàng vào cuộc chơi mang tính may rủi…
 
Dự án Charmington Iris (toạ lạc tại số 76 Tôn Thất Thuyết, phường 16, quận 4, TP HCM) do Công ty TNHH Đầu tư Sabeco HP làm chủ đầu tư, đơn vị phát triển dự án là TTC Land (tiền thân là Sacomreal). Dự án có quy mô khoảng 1.6ha, bao gồm 2 tòa tháp có chiều cao 35 tầng, với tổng 1.440 căn hộ.

Dự án đang được giao dịch "rầm rộ" ngoài thị trường, dù bên trong chỉ là bãi đất trống, cỏ dại mọc um tùm...

Bán cái chưa có?
 
Mới đây, dự án Charmington Iris (Quận 4) vừa bị liệt kê vào "danh sách đen" khi "qua mặt" Sở Xây dựng TP.HCM ngang nhiên rao bán dự án khi chưa đủ điều kiện.
 
Cụ thể, theo tìm hiểu của phóng viên ĐS&PL, dự án được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 4140/QĐ-UBND ngày 12/8/2016. Hiện dự án Charmington Iris mới chỉ tiến hành thử tải và san lấp mặt bằng, hoàn toàn chưa có hoạt động xây dựng. Bên trong khu đất rộng lớn được rào chắn cẩn thận là một vài chiếc xe máy cẩu đang nằm "án binh bất động".
 
Điều này đồng nghĩa với việc dự án chưa đủ điều kiện huy động vốn theo quy định của pháp luật. Bởi, theo Điều 55 Luật kinh doanh bất động sản, điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh, đối với "Trường hợp nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp có mục đích để ở hình thành trong tương lai thì phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà đó".
 
Thế nhưng, thời gian gần đây, hoạt động mua bán, nhận tiền đặt cọc từ khách hàng tại dự án Charmington Iris (Quận 4) lại đang diễn ra vô cùng nhộn nhịp. Chỉ cần gõ từ khóa dự án Charmington Iris, ngay lập tức có hàng loạt trang mua bán hiện ra với đủ lời giới thiệu hấp dẫn như: dự án được thiết kế phù hợp cho người trẻ với kiến trúc ấn tượng, thoáng đãng, tràn ngập không gian xanh…
 
Để biết thêm sự thật, phóng viên đã đến tận sàn giao dịch, nơi mở bán dự án gặp nhân viên mời chào đon đả. Tại đây, viên này giới thiệu thì Charmington Iris đã chính thức giới thiệu ra thị trường từ đầu năm 2018 và tiến hành nhận tiền đặt cọc.

"Dự án của tụi em gồm 2 block với tổng gần 1.400 căn, thế nhưng giờ đã bán gần hết rồi, chỉ còn mấy chục căn nữa thôi. Nói vậy là anh cũng biết dự án "hot" như nào rồi. Giờ anh muốn mua căn 2 phòng ngủ thì sẽ có giá khoảng hơn 3 tỉ đồng".

Thông tin quảng cáo, rao bán dự án Charmington Iris được đăng tải "tràn lan" trên các phương tiện truyền thông.
 
Theo nhân viên này, nếu khách hàng đồng ý mua sẽ đặt cọc 100 triệu đồng/căn, trong vòng 5 ngày đóng thêm 10% (bao gồm cả tiền cọc), đến tháng tiếp theo sẽ thanh toán thêm 5%, sau đó cách 3 tháng khách hàng thanh toán 7.5%.
 
Đồng thời vị nhân viên cũng không quên tạo "niềm tin" cho chúng tôi rằng, dự án này đã đầy đủ về mặt pháp luật, khách hàng cứ yên tâm xuống tiền và khẳng định, nếu đầu cơ sẽ sinh lãi cao.
 
Tuy nhiên, khi yêu cầu xem các giấy tờ pháp lý của dự án thì nhân viên này "ụm ờ" cho rằng, giấy phép xây dựng và các giấy tờ khác liên quan đều được chủ đầu tư gửi cho ngân hàng để được bảo lãnh và sẽ cung cấp khi khách hàng đóng tiền.
 
Trước sự "mập mờ" trong việc giao dịch, mua bán tại dự án Charmington Iris thời gian qua. Báo ĐS&PL đã nhiều lần liên hệ với chủ đầu tư cũng như phía đơn vị phát triển dự án TTC Land để làm rõ các thông tin trên nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời.
 
Khách hàng có nguy cơ bị "úp sọt"
 
Theo Thạc sỹ, Luật sư Đào Xuân Sơn - Công ty Luật TNHH Investpush, hình thức mua bán nhà hình thành trong tương lai đã được Luật Kinh doanh bất động sản cho phép và triển khai từ nhiều năm nay. Điều này giúp cho các chủ đầu tư huy động thêm nguồn vốn để triển khai dự án, vừa giúp người mua nhà giảm bớt áp lực tài chính khi thanh toán tiền mua nhà nhiều lần theo tiến độ dự án, giá rẻ hơn so với giá căn hộ sau khi đã hoàn chỉnh.

Tuy nhiên, để được huy động vốn theo phương thức này, chủ đầu tư phải đáp ứng điều kiện quy định tại Điểm đ khoản 2 Điều 9 như sau:

“Chủ đầu tư chỉ được ký hợp đồng mua bán nhà ở sau khi đã có thiết kế kỹ thuật nhà ở được phê duyệt, đã xây dựng xong phần móng của nhà ở, đã hoàn thành thủ tục mua bán qua sàn giao dịch bất động sản theo đúng quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản và đã thông báo cho Sở Xây dựng nơi có dự án phát triển nhà ở theo quy định tại điểm e khoản này”.

Mặc dù luật đã quy định cụ thể, tuy nhiên, nhiều khách hàng vì quá tin vào chủ đầu tư nên vẫn "nhắm mắt" xuống tiền dù dự án vẫn chưa được khởi công, mập mờ tính pháp lý... và khi trót xuống tiền thì chủ đầu tư đã "nắm đằng cán". Kéo theo đó là nhiều rủi ro mà khách hàng khó có thể dự đoán khi quyết định mua "lúa non" căn hộ như: dự án chậm triển khai, không đúng tiến độ; chậm bàn giao căn hộ theo như hợp đồng; không được cấp giấy tờ chủ quyền dẫn đến khó mua bán, cầm cố…
 
Thực tế đã có vô số các dự án khách hàng bỏ tiền ra chỉ để lấy "phiếu ưu tiên giữ chỗ", "đặt cọc giữ chỗ"… và nhiều năm sau dự án vẫn chẳng thấy động tĩnh gì.
 
Đơn cử như ngày 11/2/2017, gần 30 khách hàng của Dự án Tổ hợp nhà ở - nhà ở xã hội (số 32 Hoàng Bất Đạt, quận Tân Bình) do Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Tân Bình làm chủ đầu tư kéo lên Sở Xây dựng TP.HCM nhờ Sở can thiệp với chủ đầu tư để đơn vị này sớm giao nhà cho người dân, bởi dự án đã chậm bàn giao nhà hơn 1 năm.

Gần 30 khách hàng mua dự án này đã kéo lên Sở Xây dựng TPHCM để tìm câu trả lời cho vấn đề đến bao giờ mới nhận được nhà?                                                     
 
Tương tự, dự án Cao Ốc Xanh (Quận 9), do Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng số 8 làm chủ đầu tư cũng là một dự án mang tên "họ hứa". Được biết, dự án này có cách đây hơn 10 năm và đã bán hết cho người dân, nhưng tới nay, chủ đầu tư vẫn chưa xây dựng và bàn giao cho khách hàng, dù trong hợp đồng góp vốn, chủ đầu tư nêu rõ, sẽ giao đất cho khách hàng sau khi khách hàng đóng tiền từ 12 - 18 tháng.
 
Theo luật sư Đào Xuân Sơn, để giảm thiểu rủi ro, người mua nhà cần hết sức cảnh giác với các loại hợp đồng đặt cọc quyền mua căn hộ kể trên, bởi nếu xảy ra tranh chấp với chủ đầu tư, tòa án có thể tuyên là hợp đồng vô hiệu, khi đó người mua sẽ “tiền mất tật mang”. Các quy định của pháp luật hiện hành vẫn chưa thể bảo vệ người mua nhà trong những trường hợp này, người mua nhà vẫn ở thế bị động và là bên chịu thiệt thòi khi dự án xảy ra sự cố.

Nhóm PV 

Tin nổi bật