Hiện nay, nhiều dự án BĐS được chủ đầu tư rao bán, nhận đặt cọc, thu tiền của khách hàng khi chưa đủ điều kiện cơ bản theo quy định của pháp luật. Nhiều người đã nhận "hậu quả" từ việc mua đất nền ở các dự án này.
Thông tin từ báo Đà Nẵng, tại Đà Nẵng, nhiều dự án bất động sản (BĐS) đã và đang được rao bán, mời gọi đặt cọc mua đất nền với số tiền lớn, đưa ra lộ trình thanh toán nhằm huy động vốn từ người mua khi chưa đủ điều kiện theo quy định tại Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014.
Ông Lê Minh Đạt (trú quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) buồn bã nói: “Vào tháng 7/2011, thông qua Văn phòng bất động sản, tôi ký hợp đồng mua 1 lô đất tại dự án Thien Park với tổng số tiền 485 triệu đồng và đã nộp 90% giá trị lô đất. Thế nhưng từ đó đến nay, tôi đã nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư là Công ty CP Dây cáp điện Tân Cường Thành giao đất mà không được.
Sau đó, tôi yêu cầu trả lại tiền vì chủ đầu tư đã vi phạm hợp đồng nhưng chỉ nhận được lời hứa. Nghe tin ABBank thu giữ các khu đất ở khu đô thị này vì chủ đầu tư thế chấp để vay tiền mà không trả, tôi đi tìm chủ đầu tư thì không thấy đâu. Hiện giờ tôi không biết phải làm sao, nếu không tìm được đơn vị nào đứng ra giải quyết quyền lợi của người đã mua đất dự án thì coi như mất trắng”
Công ty CP Đầu tư Phương Trang ủy quyền Công ty CP TM-DV Hai Hạnh chuyển nhượng đất cho khách hàng trước khi có ý kiến của Bộ Xây dựng đến 14 tháng và bỏ dở thi công nhà mặt phố 3 tháng nay do tranh chấp hợp đồng. |
Việc lách luật huy động vốn bằng hình thức đặt cọc này không phải là mới. Điều này có lợi cho chủ đầu tư nhưng sẽ rất rủi ro cho khách hàng nếu chủ đầu tư không thật sự uy tín.
Hàng trăm khách hàng mua nhà dự án Chung cư Long Phụng Residence do CTCP Địa ốc Bình Tân làm chủ đầu tư cũng đang lao đao khi chủ đầu tư chậm bàn giao nhà, hợp đồng mua bán căn hộ chưa có nhưng cũng không đưa ra lý do chậm trễ. Các khách hàng mua dự án này cho biết đã thanh toán 90% giá trị hợp đồng.
Theo cam kết của chủ đầu tư, thời hạn bàn giao nhà chậm nhất vào tháng 4.2015. Tính đến thời điểm này, thời gian bàn giao căn hộ đã trễ 40 tháng. Vậy mà căn hộ không có để ở, trong khi đó tiền vay ngân hàng suốt nhiều năm liền lãi mẹ đẻ lãi con. Các khách hàng càng lo sốt vó vì, có căn bán cho 7 người.
Tương tự, là trường hợp dự án Chung cư Gia Phú (quận Thủ Đức) do Công ty Địa ốc Gia Phú làm chủ đầu tư. Từ 2012-2013, chủ đầu tư đã thu rất nhiều tiền của các khách hàng đóng để mua nhà tại dự án (từ 80-100% tổng giá trị căn hộ). Tuy nhiên, khi đã quá thời hạn chủ đầu tư bàn giao nhà, khách hàng mới phát hiện việc 1 căn hộ được bán cùng lúc cho nhiều người. Chủ đầu tư thì cao chạy xa bay.
Báo Lao động thông tin thêm, trên địa bàn TPHCM, có nhiều dự án chỉ mới công bố ra mắt nhưng đã “chơi chữ” là mở bán với những thông tin quảng bá hoành tráng để hút khách hàng đến tìm mua và lách luật huy động vốn qua hình thức ký hợp đồng đặt cọc. Thông thường việc đặt cọc giữ chỗ ở mức 10% trên tổng giá trị căn hộ, tuy nhiên có một số chủ đầu tư sử dụng chiêu bài tặng mức chiết khấu cao để dụ khách hàng xuống tiền đóng cọc với số tiền khá lớn, thậm chí có thể lên đến 90% giá trị căn hộ.
Đơn cử như dự án căn hộ Sky 89 nằm tại số 89 Hoàng Quốc Việt, P.Phú Thuận, quận 7 (TPHCM) do liên doanh chủ đầu tư An Gia Investment - Creed Group phát triển, đang được chính chủ đầu tư thông tin là đã bán hết 100% căn hộ trong lễ ra mắt dự án giai đoạn 1 vào đầu tháng 8 vừa qua. Nhưng theo tìm hiểu thực tế thì dự án này đang mới trong giai đoạn thi công móng được gần 4 tháng, dự kiến phải sau 5 tháng nữa thì mới xong và theo quy định lúc này mới được mở bán huy động vốn.
Nhiều dự án mở bán khi chưa đủ điều kiện với nhiều hình thức. |
Tại dự án De La Sol (quận 4) do Công ty Việt Hưng Phú (100% vốn của CapitaLand- Singapore) làm chủ đầu tư, dù chưa có giấy phép xây dựng phần thân nhưng chủ đầu tư đã ký bán cho khách hàng từ đầu tháng 6.2018 bằng “phiếu đặt chỗ có hoàn lại”, với số tiền 100 triệu đồng/căn hộ. Ngay sau đó, Cty tiếp tục thu của khách hàng từ 10-20% giá trị căn hộ. Điều này đồng nghĩa với việc khách hàng phải đóng thêm từ 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng/căn hộ. Với 870 căn hộ, chủ đầu tư huy động không dưới 400 tỉ đồng.
Luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng luật sư Chính Pháp) thông tin thêm: Việc chủ đầu tư “chưa phân lô đã bán nền” có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 15 Nghị định 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, cụ thể:
a) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với dự án có diện tích đất dưới 01 héc ta;
b) Phạt tiền từ trên 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với dự án có diện tích đất từ 01 héc ta đến dưới 03 héc ta;
c) Phạt tiền từ trên 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với dự án có diện tích đất từ 03 héc ta đến dưới 05 héc ta;
d) Phạt tiền từ trên 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với dự án có diện tích đất từ 05 héc ta trở lên.
“Mua đất khi chưa đủ điều kiện có thể khiến người tiêu dùng gặp nhiều rủi ro như không được giao đất, thời gian giao đất lâu, đất tranh chấp, dự án vướng quy hoạch, đất không được cấp sổ đỏ dẫn đến tranh chấp, kiện tụng. Phần lớn các trường hợp là người mua khó có thể đòi tiền được.
Do đó, khi mua đất nền dự án, người mua cần tìm hiểu kỹ về thông tin chủ đầu tư, yêu cầu cung cấp các giấy tờ cần thiết theo quy định pháp luật, xác minh khu đất nằm trong quy hoạch và không có tranh chấp, đáp ứng đủ các điều kiện về kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản để tránh các rủi ro không mong muốn”, Luật sư Cường nói.
Đời sống và Pháp luật Online sẽ tiếp tục thông tin...
T/H