Thắt chặt chi tiêu
Yen Nhật được Vietcombank mua vào cuối giờ chiều 3/7 chỉ còn 160 đồng/Yen Nhật. Đây là mức thấp nhất kể từ khoảng tháng 11/2022. Nhiều lao động Việt tại Nhật Bản phải thắt chặt chi tiêu khi đồng tiền mất giá, trong khi vẫn phải chi trả giá thực phẩm, sinh hoạt phí đắt đỏ.
Đồng Yen mất giá, lao động Việt vỡ mộng, khăn gói rời Nhật Bản.
Vietnamnet dẫn lời anh Trần V.N, một người lao động Việt Nam ở Nhật ngậm ngùi khi đồng Yen mất giá: “Yen xuống thấp quá. Lương thì vẫn thế, trong khi mọi thứ đều tăng giá. Giờ làm một tháng cũng chỉ gửi về được 16 triệu đồng. Cứ đà này, khéo 3 năm mới chỉ xong nợ đi, gốc và lãi, không để ra được đồng nào”.
Với mức lương tăng một lần qua một năm làm việc lên mức 990 yen/giờ, mỗi tháng sau khi trừ thuế, anh N. trung bình còn 14 man (1 man = 10.000 yen), tương đương với khoảng 22 triệu đồng.
Sau khi trừ tiền ăn tiêu, mỗi tháng gửi về được cho gia đình nhiều nhất 16 triệu đồng. Đó là còn nhờ được hưởng giảm trừ thuế hàng tháng, mỗi tháng bớt gần 1 triệu đồng do chuyển tiền về theo con đường chính ngạch, qua SBI Remit của Nhật. Đây là số tiền chuyển về rất thấp so với kỳ vọng trước khi sang Nhật.
Trước đó, theo các thông tin từ nhà môi giới, mỗi lao động đi Nhật sẽ gửi về nhà từ 20-30 triệu đồng/tháng, thậm chí có thể hơn nếu làm thêm.
“Ngày đó, Yen Nhật đổi được 220 đồng Việt Nam, nhưng giờ chỉ còn 161 đồng. Đợt mới sang cách đây một năm, Yen Nhật còn ở mức 178-180 đồng/Yen, giờ đang giảm tiếp. Làm thêm ngoài cũng không được do bất hợp pháp. Giờ giấc làm chính cũng không cố định”, anh N. nói.
Chia sẻ trên báo Thanh niên, anh Dương Huy Thế (33 tuổi, quê ở Hà Tĩnh) sang Nhật Bản làm việc trong ngành hàn xì. Anh cho biết, năm 2019 khi anh mới sang, mức lương của anh là 160.000 yen quy đổi ra tiền Việt được khoảng 35 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện đồng yen trượt giá nên số tiền quy đổi ra chỉ được khoảng 27 triệu đồng.
"Sau 4 năm làm việc, tôi tăng ca nhiều nên mức lương đã lên 200.000 – 250.000 yen. Lương cao hơn nhưng nếu so sánh tỷ giá hiện tại với hồi mới sang, số tiền quy đổi cũng không cao hơn nhiều", anh cho biết.
Anh cho hay, thời gian này đồng yen xuống thấp nên anh quyết định gom giữ tiền đợi khi nào tỷ giá lên cao để đổi và gửi về nhà. Nếu gia đình có việc gấp hay việc quan trọng thì anh mới gửi tiền về quê.
Dù tỷ giá xuống thấp nhưng người lao động vẫn phải chi tiêu, trang trải, lo ăn uống hằng ngày. Anh đã thanh toán hết số tiền nợ ngân hàng để có chi phí khi sang Nhật Bản làm việc nên không phải lo lắng khoản này.
"Giờ ai hết nợ rồi thì có thể gom tiền đợi lúc nào tỷ giá lên mới đổi nhưng cũng thấp thỏm vì không biết bao giờ đồng yen mới lên cao. Những người mới sang làm việc sẽ vất vả hơn vì bất đồng ngôn ngữ, công việc chưa nắm bắt được, chưa được tăng ca nên không có nhiều thu nhập", anh nói.
Cũng theo anh Thế, ở Nhật Bản giá cả thực phẩm cũng tăng hơn so với 3 năm trước.
Cố tích cóp về nước khởi nghiệp
Thông tin trên báo Dân trí, anh H.N. (30 tuổi) từng nhờ bố mẹ vay mượn 200 triệu đồng để sang Nhật làm việc, mong sớm trả hết nợ, có tích cóp đáng kể trước khi về. Nhưng hiện số tiền làm ra chỉ vừa đủ trả nợ chứ không thấy dư. Trước tình hình giá lương thực, thực phẩm tăng cao, tiền điện tăng 40%, mỗi ngày trôi qua với N. là một ngày áp lực.
Không những vậy, khi đồng Yên rớt giá, thu nhập của N. tính ra tiền Việt giảm hẳn 7 triệu đồng, từ 29 triệu đồng/tháng rơi xuống còn 22 triệu đồng. Đối với N., Nhật Bản giờ là nơi "bỏ thì thương, vương thì tội".
"Ở đây vắng vẻ, người Việt gặp nhau cũng vẫy chào một cái rồi thôi, thực sự cô đơn lắm. Xa quê, bon chen mệt mỏi, tôi chỉ muốn trả xong nợ rồi về Việt Nam mở tiệm sửa chữa điện lạnh. Công việc này không cần vốn lớn hay kinh nghiệm nhiều", N. bộc bạch.
Không chỉ N., anh cho biết, nhiều người Việt anh quen hiện cũng có ý định về nước.
Anh Đặng Văn Vũ tự nhận bản thân may mắn hơn vì đã trả được hết số nợ 300 triệu đồng vay mượn để đầu tư đi Nhật. Trả được nợ trong 2 năm sang Nhật, đến 2 năm khó khăn vừa qua thì anh Vũ giờ chỉ mong ngày về nước.
"Bố mẹ ở quê trồng cà phê, cuộc sống chẳng khá giả gì. Mục tiêu của tôi là dành dụm được 500 triệu đồng, giờ được một nửa rồi, tôi muốn về quê mở xưởng sửa chữa ô tô, cưới vợ rồi sống gần bố mẹ chứ cũng ngán cảnh sống tha hương rồi", anh Vũ tâm sự.
Cuối giờ chiều 3/7 (giờ Việt Nam), đồng Yen Nhật đã xuống mức 144,6 yen/USD. Đây là mức giá yen thấp nhất kể từ giữa tháng 11/2022.
Trước đó, trong năm 2022, Yen Nhật tụt giảm kinh hoàng. Đồng tiền này lao dốc từ mức 115 Yen đổi 1 USD hồi đầu năm (2022) xuống mức 150 Yen/USD vào hồi giữa tháng 10/2022, tương đương giảm khoảng 30%. Đây cũng là mức thấp nhất trong 33 năm so với USD.
Với VND, Yen Nhật cũng đã giảm khoảng 19%, so với mức 198 VND hồi đầu năm 2022, qua đó khiến người lao động Việt Nam tại Nhật thiệt thòi. Tỷ giá Yen/VND đang ở vùng thấp trong 14 năm, kể từ năm 2008.
Vân Anh (T/h)