Theo báo Giao thông, vào lúc 8h ngày 4/2 (tức mùng 4 Tết), các phương tiện giao thông đã đổ dồn về cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (cao tốc Long Thành) hướng đi Phan Thiết, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Lạt gây ùn ứ kéo dài. Một số ô tô di chuyển chậm hướng TP.HCM - Đồng Nai.
Tình trạng ùn ứ kéo dài nhiều km xảy ra tại nút giao QL51. Nguyên nhân là do lượng xe cùng đổ dồn về ngã rẽ ra QL51 hướng đi TP Vũng Tàu.
Tình trạng ùn tắc ở cao tốc Long Thành trong sáng 4/2. Ảnh: Báo Giao thông
Để giải toả bớt tình trạng ùn ứ và lượng xe đổ dồn về nút giao QL51, nhân viên Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) đã phối hợp cùng CSGT điều tiết cho xe chạy qua cầu vượt rẽ vòng ra QL51, qua trạm thu phí phụ.
Trạm dừng chân trên cao tốc cũng quá tải. Ảnh: Báo Giao thông
Xe cộ ken đặc trên cao tốc Long Thành. Ảnh: Báo Giao thông
Được biết, nhiều phương tiện giao thông đã rẽ vào nút giao 319 kết nối cao tốc vào trung tâm hành chính huyện Nhơn Trạch, hướng về Vũng Tàu để tránh kẹt xe ở khu vực nút giao QL51.
Ông Đinh Hồng Hà - TGĐ Công ty CP Phát triển đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cho biết, vào lúc 8h ngày 4/2, trước lượng xe quá đông đơn vị đã phải xả trạm thu phí T2. Trạm T2 tiếp tục phải xả trạm để giải tỏa xe.
Cũng theo ông Hà, trong 3 ngày qua, trạm T2 hướng đi Vũng Tàu liên tục xả trạm trong nhiều giờ, sáng mùng 2 Tết, trạm xả 3 giờ.
Trước đó, báo Tuổi trẻ trích thông tin từ VEC-E) cho biết trưa 2/2 (mùng 2 Tết), tình trạng ùn tắc cũng đã xảy ra tại cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây do lượng xe quá đông kèm theo một số phương tiện gặp sự cố trên cầu Long Thành.
Tình trạng ùn ứ do quá tải đã có từ ngày mùng 2 Tết. Ảnh: VnExpress
Theo đó, bên cạnh các giải pháp phân luồng từ xa, VEC-E đã tiến hành xả trạm thu phí Long Phước (xả 3 làn) và trạm Dầu Giây để đảm bảo lưu thông.
Đại diện VEC-E chia sẻ: "Riêng ở trạm thu phí Dầu Giây, hiện các xe vào cao tốc đang giữ thẻ thu phí, do đó khi xe qua trạm vẫn phải dừng lại để trả thẻ và không mất tiền. Việc trả thẻ chỉ mất 2 giây cho mỗi lượt xe".
Các phương tiện giao thông nối hàng dài ở trạm thu phí. Ảnh: Tuổi trẻ
Được biết, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55km đã đầu tư giai đoạn 1, với quy mô 4 làn xe. Sau 7 năm đưa vào khai thác, tuyến cao tốc đã quá tải, thường xuyên ùn tắc vào các dịp lễ Tết. Do vậy, bộ Giao thông Vận tải đang triển khai nghiên cứu báo cáo tiền khả thi dự án mở rộng cao tốc này đoạn từ nút giao An Phú (TP.HCM) đến vị trí giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Đồng Nai).
Dòng xe ùn ứ tại trạm thu phí đường cao tốc. Ảnh: Tuổi trẻ
Đoạn cao tốc dài 24km nêu trên sẽ được mở rộng từ 4 lên 8 làn xe. Riêng cầu Sông Tắc đầu tư lên 10 làn xe, cầu Long Thành lên 9 làn xe (5 làn chiều TP.HCM đi Long Thành và 4 làn chiều ngược lại).
Dự án có tổng mức đầu tư sơ bộ hơn 12.969 tỷ đồng (566,8 triệu USD). Trong đó, vốn vay ODA của JICA dự kiến 10.217,5 tỷ đồng (tương đương 446,6 triệu USD), vốn đối ứng trong nước gần 2.752 tỷ đồng.
Minh Hạnh (T/h)