Thư ký Hội đồng An ninh nga Nikolai Patrushev tuyên bố rằng động thái của Triều Tiên đang làm Nga gặp nguy hiểm.
Thư ký hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev tiết lộ Moscow đang cân nhắc hệ quả của phương án quân sự để phản ứng lại với các hành động Triều Tiên.
Khi được hỏi về việc Nga có phương án khác nào cho giải pháp quân sự mà có thể tiến hành được giữa tình hình bán đảo Triều Tiên ngày càng leo thang như hiện tại, ông Patrushev tuyên bố Moscow “đang xem xét tình hình và chuẩn bị các bước đi cần thiết. Chúng tôi sẽ không để mình bị bất ngờ”.
[presscloud]708[/presscloud]
Thư ký Hội đồng An ninh Nga cũng nói rằng hành động của Bình Nhưỡng đang làm Moscow gặp nguy hiểm. “Chúng tôi có chung đường biên giới với Triều Tiên, do đó chúng tôi rất chú trọng tới việc giải quyết vấn đề này bằng phương pháp ngoại giao”, ông nói.
Vị quan chức này cũng tuyên bố, Nga sẽ không đồng ý việc các nước sử dụng vũ lực nhằm phản ứng với Triều Tiên sau khi Đại sứ Mỹ ở Liên Hợp Quốc đe dọa sẽ hủy diệt Bình Nhưỡng.
“Nếu biện pháp quân sự được tiến hành, và tôi tin rằng tới thời điểm hiện tại, một vài quốc gia đang cân nhắc thực hiện, điều này sẽ làm rất nhiều vấn đề và chúng tôi cũng sẽ bị ảnh hưởng. Chúng tôi sẽ không để điều này thành hiện thực”, ông Patrushev cho biết.
Căng thẳng Triều Tiên đã leo thang sau khi Triều Tiên phóng thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa có đủ khả năng bắn tới lục địa Mỹ, toàn bộ nước Úc và thậm chí là châu Âu, hôm 29/11.
Trong cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Đại sứ Mỹ Nikki Haley nói rằng hành động của Triều Tiên có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh làm chính quyền nước này “hoàn toàn bị hủy diệt”.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cáo buộc Mỹ cố ý kích động Triều Tiên khiến Bình Nhưỡng quyết định thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-15.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trực tiếp chỉ đạo, theo dõi vụ phóng thử. - Ảnh: KCNA |
"Hành động mới nhất của Mỹ dường như hướng tới việc kích động Bình Nhưỡng", ông Lavrov nói. Ông Lavrov cũng đã gọi thử nghiệm tên lửa là "cuộc phiêu lưu", nhưng nói rằng Washington dường như đang cố gắng dẫn dắt lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào tình huống đó.
Triều Tiên cho biết tên lửa mới này đã đạt đến độ cao 4.775 km, gấp 10 lần độ cao của Trạm Vũ trụ quốc tế ISS và bay được 950 km trong 53 phút trước khi hạ cánh xuống vùng biển gần Nhật Bản. Hwasong-15 được cho là bay cao hơn và xa hơn bất kỳ tên lửa nào của Triều Tiên trước đây.
Reuters dẫn lời một quan chức tình báo Mỹ cho hay vụ phóng thử Hwasong-15 dường như để chứng minh hệ thống đẩy mạnh với nhiên liệu rắn của Triều Tiên, đặc biệt với tên lửa giai đoạn hai này.
Hệ thống nhiên liệu rắn là phát triển đáng kể và có thể cho phép Triều Tiên rút ngắn thời gian vận chuyển và phóng tên lửa so với hệ thống nhiên liệu lỏng.
Các bức ảnh được phát đi cho thấy Hwasong-15 có ít nhất hai ống phụt thay vì một ống lớn và một ống nhỏ của Hwasong-14. Kích cỡ và thiết kế của tên lửa cũng có thể mang theo đầu đạn lớn hơn và phương tiện đưa tên lửa trở lại khí quyển mạnh hơn, các chuyên gia cho biết.
Phần mũi tên lửa dường như ngắn hơn các tên lửa trước đó, điều này có thể cho thấy sự tiến bộ trong phát triển kỹ thuật đưa tên lửa trở lại khí quyển, Bermudez nói.
Gia Bảo (Theo Sputnik/Reuters)