Đóng

Dòng siêu xe liên quan đến vụ tai nạn của Diogo Jota từng nhiều lần bị triệu hồi vì các lỗi nghiêm trọng

  • Thùy Dung (T/H)
(DS&PL) -

Dòng xe Lamborghini Huracan liên quan đến vụ tai nạn khiến Diogo Jota thiệt mạng là mẫu xe từng nhiều lần bị triệu hồi do các lỗi an toàn nghiêm trọng.

Theo xác nhận từ giới chức Tây Ban Nha, vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 1h sáng ngày 3/7 trên cao tốc A‑52, đoạn qua thị trấn Cernadilla, tỉnh Zamora. Chiếc Lamborghini Huracan chở Diogo Jota (28 tuổi) và em trai Andre Silva (25 tuổi) được cho là đang vượt một xe khác thì bất ngờ nổ lốp. Mất lái ở tốc độ cao, xe lao khỏi đường, va chạm mạnh và bốc cháy dữ dội. Cả hai thiệt mạng tại chỗ.

Thông tin trên An ninh Thủ đô, đội pháp y Tây Ban Nha đã phải sử dụng dấu vân tay và xét nghiệm ADN để xác nhận danh tính, do mức độ cháy khủng khiếp khiến thi thể không thể nhận diện.

Chiếc Lamborghini Huracan liên quan đến vụ tai nạn khiến Diogo Jota thiệt mạng là mẫu xe từng nhiều lần bị triệu hồi do các lỗi an toàn nghiêm trọng. 

Một nguồn tin từ cơ quan điều tra cho biết: "Chiếc xe bị lật, bốc cháy trong vòng chưa đầy một phút. Không có dấu hiệu phanh gấp. Đây là một tai nạn hoàn toàn ngoài ý muốn, không có dấu hiệu liên quan đến rượu hoặc chất kích thích".

Vụ tai nạn khiến dư luận toàn cầu đặt câu hỏi lớn: Vì sao một chiếc siêu xe đắt tiền như Lamborghini Huracan - với giá khoảng 250.000 bảng (khoảng 8,9 tỷ) - lại có thể xảy ra tai nạn nghiêm trọng chỉ vì nổ lốp?

Theo Tạp chí Tri Thức, dòng Lamborghini Huracan mà Jota cầm lái được xem là một trong những siêu xe thể thao mạnh mẽ và nguy hiểm nhất trên đường phố. Với thiết kế gần như xe đua, dòng xe này có bốn phiên bản - Sterrato, Tecnica, STO và EVO Spyder - đều sử dụng hệ dẫn động cầu sau, yếu tố thường gây mất kiểm soát khi vào cua ở tốc độ cao.

Huracan là biểu tượng tốc độ của thương hiệu Lamborghini. Dưới nắp capo là khối động cơ V10 dung tích 5.3 lít, cho công suất cực đại lên đến 640 mã lực (tùy phiên bản có thể từ 610 mã lực trở lên).

Xe được trang bị hộp số ly hợp kép 7 cấp, cho phép chuyển số cực nhanh, cùng ba chế độ lái: Strada (dành cho đường trơn trượt), Sport (tối ưu sức mạnh), và Corsa - chế độ dành cho những ai muốn trải nghiệm cảm giác đua xe thực thụ. Phiên bản mạnh nhất có khả năng tăng tốc từ 0 lên 100 km/h chỉ trong 3,2 giây và đạt vận tốc tối đa 325 km/h - con số vốn chỉ thấy ở đường đua chuyên nghiệp.

Chiếc Lamborghini Huracan, được thiết kế với công nghệ khí động học ALA và cấu trúc thân xe siêu nhẹ từ sợi carbon, mang lại hiệu suất vượt trội và độ bám đường tuyệt vời ở tốc độ cao. Điều này đã giúp nó trở thành một "chiến mã" trên các đường đua, với những phiên bản chuyên biệt như Super Trofeo EVO và GT3 EVO2.

Tuy nhiên, chính sự kết hợp giữa công nghệ đỉnh cao và sức mạnh tột cùng lại biến Huracan thành một con dao hai lưỡi. Dù là "vũ khí chiến thắng" trong tay các tay đua chuyên nghiệp, nó có thể trở thành "cỗ máy hủy diệt" trên đường công cộng nếu người lái không kiểm soát được giới hạn. Điều này được thể hiện rõ ràng trong vụ tai nạn thương tâm cướp đi sinh mạng của cầu thủ tài năng Diogo Jota.

Vụ việc càng trở nên đáng lo ngại khi Lamborghini Huracan từng bị triệu hồi hàng loạt vì các lỗi an toàn nghiêm trọng như đèn pha, khóa cửa, hệ thống dây an toàn và kết cấu va chạm không đạt tiêu chuẩn. Chỉ riêng tại châu Âu, đã có ít nhất 7 đợt triệu hồi trong 5 năm gần đây. Một kỹ sư cơ khí trên Reddit cũng nhấn mạnh rằng: "Những chiếc xe có sức mạnh cực lớn như Lamborghini yêu cầu kỹ năng điều khiển cực cao. Khi mọi thứ trục trặc ở tốc độ 200km/h, không ai có thể phản ứng kịp - kể cả một VĐV chuyên nghiệp như Jota".

Tin nổi bật