Theo phản ánh của người dân, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản (BĐS) có “chiêu thức” hoạt động tương tự nhau, dùng đất “ảo” hoặc đất không như cam kết bán cho khách hàng. Sau khi đóng tiền cọc, góp vốn, khách hàng mới phát hiện các thửa đất không có hoặc không đúng như thỏa thuận.
Bán đất “ảo”
Đại diện cơ quan Cảnh sát điều tra (PC46) Công an tỉnh Đồng Nai cho biết: “Đơn vị đang thụ lý điều tra 6 dự án BĐS trên địa bàn tỉnh Đồng Nai liên quan tới 6 công ty. Việc điều tra này tiến hành theo sự ủy thác của Công an TP.HCM đối với hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”.
Sáu dự án này liên quan đến các công ty cổ phần Đầu tư Việt Hưng Phát (địa chỉ 429 Tô Hiến Thành, phường 14, quận 10, TP.HCM) do ông Nguyễn Công Cường làm Giám đốc; Công ty cổ phần Địa ốc Kim Phát (địa chỉ 246 Lý Thường Kiệt, phường 14, quận 10) do bà Nguyễn Thị Kim Ngân làm Giám đốc; Công ty cổ phần Đầu tư Đại Phúc; Công ty cổ phần Đầu tư Lê Bảo Minh; Công ty TNHH Lê Hương Sơn, công ty Long Đức Urban Land; Công ty cổ phần Long Thuận Lộc.
Trước đó, phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC45), Công an TP.HCM đã thụ lý vụ việc người dân khiếu nại 3 sàn giao dịch BĐS có dấu hiệu lừa đảo, gồm: Công ty CP địa ốc Kim Phát; công ty Cổ phần Đầu tư Đại Phúc và công ty CP đầu tư Việt Hưng Phát. Cả 3 doanh nghiệp này đều có chiêu thức hoạt động giống nhau là dùng đất “ảo” hoặc đất không như cam kết bán cho khách hàng. Sau khi khách hàng đóng tiền cọc, góp vốn (chủ yếu xảy ra ở tỉnh Đồng Nai) thì mới phát hiện các thửa đất không có hoặc không đúng như thỏa thuận. Tuy nhiên, khi đòi lại tiền thì các sàn này không trả lại.
Theo thông tin PV có được, ngoài tỉnh Đồng Nai thì Long An cũng là nơi mà các doanh nghiệp nói trên, đặc biệt là Việt Hưng Phát và Kim Phát làm “trùm” hoạt động. Kéo theo đó là hàng loạt doanh nghiệp khác như: Công ty cổ phần Đầu tư Đại Phúc; Công ty cổ phần Đầu tư Lê Bảo Minh; công ty TNHH Lê Hương Sơn, công ty Long Đức Urban Land, công ty cổ phần Long Thuận Lộc...
Sau khi đóng tiền cọc, góp vốn, khách hàng mới phát hiện các thửa đất không có hoặc không đúng như thỏa thuận. |
Để lách luật và đưa khách hàng vào tròng, các đơn vị bán hàng đã tổ chức quảng bá, môi giới, tư vấn và tiếp thị các dự án ở Đồng Nai và tỉnh Long An đến khách hàng rồi ký kết các dạng hợp đồng thỏa thuận điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất; Hợp đồng thỏa thuận điều kiện góp vốn xây dựng nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất; Hợp đồng thỏa thuận điều kiện góp vốn chuyển nhượng quyền sử dụng đất; Hợp đồng đặt cọc, góp vốn nhận chuyển nhượng bất động sản... Theo đó, nội dung các hợp đồng thường không đúng với nội dung hợp đồng môi giới đã ký với các chủ đầu tư.
Các đơn vị môi giới tự ý nâng giá bán, thay đổi tên dự án, sau đó thu tiền và chiếm đoạt tài sản của khách hàng. Điểm mặt 6 dự án bất động sản có dấu hiệu lừa đảo ở Đồng Nai, Vietnamnet thông tin, dự án khu dân cư Phước An ở xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai do tổng công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) làm chủ đầu tư. Sau đó HUD ký hợp đồng chuyển nhượng một phần dự án cho công ty Cổ phần Xây dựng Phúc Khang, Công ty TNHH Phúc Khang Đông Sài Gòn, công ty Cổ phần Đầu tư Đại Phúc. Sau đó công ty Cổ phần Xây dựng Phúc Khang và công ty TNHH Phúc Khang Đông Sài Gòn ký hợp đồng dịch vụ tiếp thị và phân phối độc quyền dự án cho công ty Việt Hưng Phát.
Dự án khu dân cư Boulevard City nằm trên quốc lộ 1A, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai do công ty Cổ phần Đầu tư Lê Bảo Minh làm chủ đầu tư và sau đó chuyển nhượng một phần dự án lại cho công ty Việt Hưng Phát.
Dự án khu dân cư An Phước (xã An Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) do công ty Cổ phần Long Thuận Lộc làm chủ đầu tư. Sau đó công ty này đã ký hợp đồng chuyển nhượng lại 112 nền đất cho công ty Việt Hưng Phát.
Dự án khu dân cư xã Long Đức, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai do công ty TNHH Long Đức làm chủ đầu tư (Urban Land). Sau đó công ty Long Đức Urban Land và công ty Việt Hưng Phát đã ký kết hợp đồng hợp tác với nhau.
Dự án khu dân cư quy hoạch 6,5 ha ở huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai (Diamond City) do công ty TNHH Lê Hương Sơn làm chủ đầu tư. Sau đó đơn vị này đã ký hợp đồng chuyển nhượng dự án lại cho công ty Việt Hưng Phát mở bán huy động vốn của khách hàng.
Dự án khu dân cư thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai (Gold Hill) do công ty Cổ phần Xây dựng Địa ốc Long Kim Phát làm chủ đầu tư. Sau đó đơn vị này đã ký hợp đồng tư vấn, môi giới bất động sản với công ty Kim Phát.
Khách hàng tố nhiều công ty môi giới địa ốc lừa đảo
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết: “HoREA cũng đã nhận được đơn cầu cứu của 300 người dân tố cáo nhiều công ty môi giới địa ốc lừa đảo khách hàng. Theo đơn tố cáo, các công ty này đã đổi tên dự án, đổi tên chủ đầu tư, thậm chí còn vẽ lại quy hoạch 1/500, thêm nhiều tiện ích không có trong dự án... để nâng giá bán. Các dự án này đều tập trung ở huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom của tỉnh Đồng Nai”.
Nhận định về vấn nạn đầu cơ BĐS, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, ai cũng có thể là nhà đầu tư, kể cả là mua đi bán lại. Tuy nhiên, nạn đầu cơ đang hoành hành thị trường bất động sản. Đầu cơ là hành vi thu gom lượng lớn sản phẩm đủ để chi phối giá, sau đó làm giá theo ý mình và khống chế thị trường.
“Nếu hành vi đầu cơ đơn lẻ, chưa ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi người tiêu dùng thì còn chấp nhận được, nhưng đầu cơ theo quy mô làm lũng đoạn thị trường thì vô cùng nguy hiểm”, ông Châu nói.
Cũng theo nhận định của ông Châu, thị trường bất động sản Đồng Nai tiềm năng nhưng đầy rủi ro. Đồng Nai nổi bật là thị trường đất nền, nhất là vị trí địa lý tự nhiên của thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai là sát cạnh TP.HCM. Tuy nhiên, ông Châu cũng cảnh báo về những “quả lừa” trong quá khứ.
“Ngày xưa có “bánh vẽ” thành phố mới Nhơn Trạch cho nhà đầu tư, người mua. Ngay cả Nhơn Trạch hiện nay vẫn chưa là thị trấn, thì làm sao có thể nói đến câu chuyện đô thị loại 1, loại 2”, ông Châu nói.
Theo đó, ông Châu khuyến cáo rằng, khi đầu tư, cần để ý đến yếu tố: Vị trí dự án; Kết nối vùng và cơ sở hạ tầng, rà soát pháp lý thật kỹ để tránh rủi ro.
Theo thống kê của sở Xây dựng TP.HCM, hiện có khoảng 500 sàn giao dịch BĐS đăng ký hoạt động với cơ quan này. Tuy nhiên, con số này là quá ít ỏi so với thực tế. Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2018, tại TP.HCM đã có gần 1.100 đơn vị hoạt động kinh doanh BĐS (tăng trên 26% so với cùng kỳ) được thành lập mới. Do đó, tình trạng hoạt động bát nháo với nhiều chiêu trò lừa đảo là chuyện dễ hiểu.
Thanh Tùng – Ng. Giang
Bài đăng trên báo giấy Đời sống & Pháp luật chủ nhật số 24