Trong khi bất động sản Phú Quốc đang nóng lên từng giờ, nhiều người lại tỏ ra lo ngại khi bỏ số tiền lớn để đầu cơ đất trong bối cảnh thị trường Việt đã từng xảy ra nhiều vụ việc đáng tiếc.
Trong vài ngày gần đây, chưa bao giờ người dân ở huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) lại chứng kiến giới đầu cơ hay “cò đất” đẩy giá đất cao như hiện tại, thay đổi theo ngày, thậm chí là từng giờ.
Nhiều người dân ờ Phú Quốc cho biết, cuộc sống bình yên trên đảo ngọc đã không còn như trước. Chưa bao giờ giá đất tại đây lại được đẩy lên cao ngất ngưởng như hiện nay. Cảnh tượng nhộn nhịp từ các hàng quán, tụ điểm vui chơi, quán cà phê, và ngay cả ở các nơi công cộng đều có sự hiện diện của giới đầu cơ và các cò đất bàn chuyện mua bán.
Vài năm trước, một hộ dân mua 1.000 m2 đất ở đường tránh thị trấn Dương Đông với giá chưa tới một tỷ đồng, thì nay có người trả giá 18 tỷ đồng mà chủ đất vẫn chưa bán. Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Phú Quốc cho biết, từ tháng 9/2017 đến nay, văn phòng này tiếp nhận khoảng 1.000 hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mỗi tháng. Bình quân mỗi ngày tiếp nhận trên 300 khách đến giao dịch.
Trao đổi với báo chí, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Đinh Khoa Toàn cho hay, giá đất trên địa bàn huyện đang được đẩy lên đến mức “ảo” trước thông tin địa phương chuẩn bị trở thành Đặc khu kinh tế.
“Việc sốt đất đang vượt tầm kiểm soát của chính quyền địa phương, giá cao hay thấp là do thỏa thuận giữa người mua và người bán”, ông Toàn nói.
Bên cạnh lo lắng từ phía chính quyền, cơn sốt đất tại Phú Quốc cũng khiến nhiều người đầu tư lo ngại vì việc bỏ ra số tiền lớn để đầu cơ đất là việc khá nguy hiểm. Trong quá khứ, nhiều nhà đầu tư đã "lĩnh đòn" đau từ việc ôm đất đầu cơ.
Còn nhờ vào năm 2012, thời điểm TP. Hà Nội mở rộng, thị trường bất động sản ngoại thành bỗng nhiên sôi động. Lúc đó, các phòng giao dịch bất động sản dọc Yên Bài – Tản Lĩnh, Ba Vì mọc lên như nấm.
Thời điểm đó, đất khu vực này được đẩy lên tới 4 triệu đồng/m2 chưa sổ đỏ, còn có sổ đỏ dao động 5 - 6 triệu đồng/m2. Tuy nhiên hiện tại giá sụt giảm xuống tới 3 - 4 lần còn khoảng 1 đến 1,5 triệu đồng/m2 với đất chưa sổ đỏ, còn 2 -3 triệu đồng/m2 (đất có sổ đỏ). Một người dân đã từng bán gần 1.000m2 thời kỳ sốt đỉnh điểm cho biết, đất ruộng trước đây giá bán hơn 1 tỷ đồng mỗi sào, giờ chỉ khoảng trên dưới 300 triệu/sào, thậm chí tay buôn đất nào cần tiền đẩy hàng đi, diện tích có hơn 1 sào đất, khi có khách mua chỉ tính tiền 1 sào.
Sau khi cơn sốt đất Ba Vì qua đi, giới đầu tư không còn mặn mà với khu vực một thời đình đám này nữa. Các nhà đầu tư khôn ngoan đã rút hết sau khi kiếm bộn tiền. Người chậm chân chỉ còn biết ngậm ngùi chào giá rẻ song cũng chẳng có ai mua.
Bất động sản Phú Quốc đang nóng lên từng ngày tựa khu vực Bình Dương chục năm trước. Ảnh: Zing. |
Trước đó, vào những năm 2006 – 2007, nhiều nhà đầu tư cũng “nếm trái đắng” khi đầu cơ đất khu vực Bình Dương. Một nhà đầu tư cho biết, ông gom tiền nhàn rỗi được 2 tỷ đồng mua 10 lô đất giá rẻ tại Mỹ Phước, Bình Dương vì thấy thị trường tăng trưởng đầy tiềm năng.
"Môi giới chào hàng, Bình Dương được quy hoạch bài bản và đầu tư đồng bộ, lại nằm gần TP HCM. Lợi nhuận tại thị trường này trung bình 15 - 20% trở lên”, ông nhớ lại.
Đầu năm 2007, nhà đầu tư này sang tay 10 lô đất, đạt mức lợi nhuận 20%. Quá hào hứng, ông Khải thế chấp căn nhà tại quận 2, TP HCM để dồn 5 tỷ đồng vào 5 lô đất nền vị trí đẹp tại Thành phố mới Bình Dương, có giá đắt hơn rất nhiều so với ở Mỹ Phước. Song, từ đó đến năm 2012, nhà đầu tư này chỉ toàn thua lỗ.
Năm 2008, lãi suất lên cao, từ 9-10% vọt lên 17-18%, thị trường bước vào giai đoạn tiền khủng hoảng. Giá đất đi ngang rồi đi xuống. Ông cầm cự được đến năm 2009 thì bán dần 3 nền, chấp nhận cắt lỗ bạc tỷ vì giá giảm và phải bù lãi suất gấp đôi so với lúc vay. Đến năm 2011, còn lại 2 nền đất biệt thự, nhà đầu tư này đành bán tháo nốt vì diễn biến thị trường ngày càng xấu, không biết bao giờ "tan băng".
Tương tự, chị Dung, một nhà đầu tư bất động sản cũng lâm vào cảnh nợ nần sau làn sóng bất động sản năm 2008. Chỉ sau vài tháng nhìn thấy màu hồng, nhà đầu tư này đã vấp phải cú sốc lớn khi thị trường chuyển từ giai đoạn nóng sốt sang khủng hoảng quá nhanh. Chị Dung đã cầm cố căn nhà 2 tầng, vét hết vốn, gom 3,5 tỷ đồng mua 7 căn hộ dự án tại khu Nam TP HCM. Nhà đầu tư này đã chi hàng trăm triệu để trả phí chênh lệch cho 7 căn hộ, dao động 110-150 triệu đồng mỗi căn. Nếu cộng thêm số tiền cọc 50 triệu đồng mỗi căn thì khoản tiền này lên đến bạc tỷ.
Sau 10 tháng trả lãi, sắp đáo hạn nợ gốc, dự án lộ tẩy bị đổ bể chỉ mới hình thành trên giấy, bán lố tầng, chị Dung bị ngân hàng treo án phát mãi căn nhà ở quê.
"Bất đắc dĩ tôi trở thành kẻ trắng tay, phải bỏ xứ đi đòi nợ. Tôi đứng trước cơn bão vừa có thể mất nhà, vừa bay cả gia sản. Đó là những tháng ngày ân hận muộn màng", chị tâm sự.
Việc bất động sản đóng băng thời điểm đó đã khiến giá cổ phiếu ngành này chỉ còn khoảng 20.000 - 30.000 đồng/cổ phiếu thay vì mức 100.000 - 200.000 đồng/cổ phiếu trước đó. Ngay cả những cổ phiếu của những doanh nghiệp bất động sản có uy tín cũng giảm mức P/E còn 4 -5 lần.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng vào chu kỳ đáy của cuộc khủng hoảng bất động sản 2007 - 2012, tính đến 31/12/2012, số đơn vị kinh doanh thua lỗ là 17.000 doanh nghiệp, tăng hơn 2.000 so với năm 2011. Tổng số doanh nghiệp dừng hoạt động hoặc giải thể là 2.637, trong đó có 2.110 doanh nghiệp xây dựng, 527 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. So với năm 2011, tỷ lệ doanh nghiệp xây dựng dừng hoạt động, giải thể tăng 6,2%, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tăng 24,1%.
Chia sẻ về vấn nạn đầu cơ bất động sản, GS.TS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, nhà đầu tư tuyệt đối không nên theo “hội chứng đám đông” khi đưa ra quyết định đầu tư để giảm xác suất thiệt hại khi tham gia vào thị trường BĐS. Các nhà đầu tư phải tự trang bị cho mình kiến thức và tầm nhìn để nhìn nhận các vấn đề, tránh những quyết định mang tính tự phát a dua theo đám đông. Chỉ có như vậy các nhà đầu tư hoàn toàn có thể bảo toàn và làm cho đồng vốn của mình sinh lời chính đáng.
Minh Thư (T/h)