Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đón Tết ở bệnh viện: Nỗi ám ảnh của mỗi gia đình

(DS&PL) -

Khi nhà nhà đang sum vầy chuẩn bị cho năm mới thì vẫn có những gia đình chưa được đón một Tết trọn vẹn, còn vật lộn từng giờ trong không gian bệnh viện.

Không khí Tết Nguyên đán về với từng nếp nhà người Việt, phố phường đang rực rỡ sắc hoa, ngập tràn tiếng cười rộn rã, hân hoan đón mừng năm mới. Song, đâu đó, vẫn có những gia đình chưa được đón một Tết cổ truyền trọn vẹn, còn vật lộn từng giờ trong không gian bệnh viện.

Ám ảnh cái Tết đầu tiên trong viện

Mắc căn bệnh về máu, lơ-xê-mi cấp thể L2, bệnh nhi Cao Hồng Quang (SN 2014 - Mạo Khê, Đông Triều, Quảng Ninh) đã phải nhập viện ngay trước thềm năm mới 2018 và đón Tết trong bệnh viện. Tính từ thời điểm bắt đầu nhập viện, Quang đã có quãng thời gian “làm quen” với không gian Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương hơn một năm.

Chị Vũ Thị Hồng, mẹ Quang tâm sự: “Đợt điều trị đầu tiên cũng là lâu nhất của con là 42 ngày, tôi nhớ là trước hôm 23 tháng Chạp, ông Công ông Táo, con đã vào viện rồi. Thấy con thiếu máu nhiều, chúng tôi cho con đi kiểm tra tại các bệnh viện, phát hiện bệnh và điều trị luôn.

Con không say xe nhưng mẹ say không biết trời đất gì, nên mặc dù bố làm công nhân, vẫn phải xin nghỉ thường xuyên để đưa hai mẹ con lên làm thủ tục nhập viện”.

Chị Hồng không giấu được nỗi hoang mang trên gương mặt: “Tết đến, hành lang bệnh viện vắng tanh, không một bóng người. Bình thường, cả khoa có vài trăm bệnh nhi, nhưng Tết đến thì chỉ vỏn vẹn chưa đến 30 người, bác sĩ cũng dồn phòng bệnh để tiện theo dõi và chăm sóc.

Mà đâu chỉ trong bệnh viện mới heo hắt, đường phố Hà Nội những ngày này cũng vắng hoe, ngày thường tấp nập nhộn nhịp là thế, mà Tết đến, dân ngoại tỉnh đổ về quê hết, Hà Nội đột nhiên tĩnh mịch đến nao lòng.

Cũng may, dịp cận Tết cũng có nhiều nhà hảo tâm ghé thăm bệnh viện, hỏi han sức khỏe, tặng quà và mỳ tôm, chứ ngày Tết, quán xá đóng cửa hết lấy đâu ra đồ ăn”.

Mẹ luôn bên cạnh chăm sóc Quang mỗi lần phải lên viện điều trị.

“Nhìn cái không khí Tết trên viện đã chán mà con mình bị bệnh nữa thì còn chán nản hơn rất nhiều”, chị bộc bạch, “Ngày Tết ai lại muốn ăn mỳ tôm? Người ta mong những ngày Tết cổ truyền để cùng gia đình ăn những món truyền thống chứ đâu phải cả ngày quanh quẩn nơi buồng bệnh, nơi hành lang bệnh viện và ăn mỳ tôm. Tết ở đây lạnh lẽo đến mức, những gia đình ở lại dịp Tết sẽ kéo sát giường lại nằm cạnh nhau luôn, cho có hơi người, cho ấm áp”.

Chị Hồng vẫn còn nhớ khá rõ về những ngày cùng con trai đấu tranh với căn bệnh về máu tại bệnh viện trong dịp Tết: “Khi đó, trong lòng tôi có những nỗi sợ đan xen. Thú thực, ngày bố tôi mất năm 49 tuổi, cảm giác của tôi thực sự không sợ hãi và ám ảnh như khi đón cái Tết năm vừa rồi. Cảm giác phải ở lại viện không được về nhà ăn Tết đáng sợ lắm! Bác sĩ bảo nếu không truyền hóa chất thì chỉ giữ con lại được một vài tháng thôi, chúng tôi bộn bề những nỗi hoang mang”.

Với chị, đó là quãng thời gian gian nan nhất, vừa cảm nhận không khí Tết ở bên ngoài đang căng tràn nhựa sống, vừa đối mặt với những ngày dài đằng đẵng điều trị cho con: “Cả Tết, con cứ khóc đòi về, bố phải bế đi dỗ dành dọc phố mãi mới chịu nín. Mới lên, còn chưa quen, lạ nước lạ cái, con cũng yếu, quấy khóc, không chịu ăn uống gì, không chịu tiêm thuốc không chịu truyền, khi ngủ cũng phải nằm trên bụng mẹ mới chịu ngủ. Đợt đầu, con còn đòi bế vác trên vai suốt, không chịu rời một giây, tôi bế suốt hơn 40 ngày điều trị, về nhà bị dãn dây chằng luôn”.

Đón cái Tết đầu tiên trong bệnh viện, chị Hồng còn có những phút nghĩ nghĩ quẩn, nhưng chồng chị kịp thời khuyên ngăn: “Em mà gục ngã rồi thì anh và con biết phải dựa tinh thần vào đâu để chiến đấu?”.

Chị kể, thời điểm đó, chồng chị cũng nhiều hôm lặng lẽ khóc, giấu không cho chị nhìn thấy, nhưng chính Quang bắt gặp những giọt nước mắt của bố mẹ.

Có lần, Quang ngây thơ hỏi: “Bố mẹ ơi, tại sao ăn cơm mà bố mẹ cứ khóc như vậy ạ?”. Câu hỏi ấy như chạm vào cái “giới hạn mong manh” của sự chịu đựng, gồng mình lên của cả hai anh chị. Từ hôm ấy, chị Hồng tự xốc lại tinh thần, học cách suy nghĩ tích cực hơn để có thể chăm sóc con thật tốt.

Khá tự lập, Quang tự xúc rất ngoan từ đợt điều trị hóa chất đỏ. (Ảnh: NVCC)

Chị cho biết, mỗi đợt Quang khỏe, được về nhà là cuối tuần bố mẹ đều đưa đi công viên chơi: “Bây giờ, con như vậy, chơi được bao nhiêu thì bố mẹ cố gắng cho con đi. Cũng hy vọng, một vài năm nữa sẽ có thuốc điều trị đặc hiệu, vì theo bác sĩ, hiện giờ chỉ là điều trị khống chế, rất dễ bị tái phát.

Có nhiều bệnh nhi được xuất viện từ 26 Tết mà đến tối 29 Tết có biểu hiện xấu, lại phải nhanh chóng nhập viện”.

Cái Tết suy sụp của cả gia đình

Giống với Quang, bệnh nhi Trần Bảo An (SN 2013 - Hưng Yên) cũng đã đón một Tết Nguyên đán tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cùng gia đình, chưa thể quên được cảm giác đầy suy sụp.

Bà Trần Thị Hoan, bà nội của An nhớ lại: “An phải nhập Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương từ tháng 1/2018, lúc đó vào khoảng 15 tháng Chạp. An sống cùng ông bà ngoại ở Hưng Yên, nhưng mỗi dịp nghỉ Tết, tôi hay đón cháu về bên nội, ở Bình Định, Kiến Xương, Thái Bình.

Đợt đó, đón cháu về chưa được một tháng, khoảng từ ngày 6 tháng Chạp thì cháu có biểu hiện thiếu máu, phải đưa đi khám, từ bệnh viện tuyến huyện được giới thiệu lên bệnh viện tỉnh. Siêu âm xong bác sĩ giục đưa cháu đi cấp cứu.

Khi đó, cả nhà cũng chưa rõ bệnh cháu nặng thế nào, chỉ thấy bác sĩ thông báo bệnh nặng, thiếu máu cấp, truyền máu ngay đêm đó, rồi hôm sau chuyển lên Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương”.

An đã quá quen với những lần lấy máu và cắm kim truyền, nên không còn khóc như các bạn cùng phòng bệnh.

“Đó là đợt đầu tiên An bắt đầu đi viện, hơn 50 ngày dài như vô tận với cả gia đình. An phải đón Tết tại bệnh viện luôn. Tết năm ngoái là mẹ cháu trông, bố thì phải chạy qua chạy lại về nhà trông nom nhà cửa. Phòng bệnh năm ngoái chỉ có 3 bệnh nhi phải ở lại điều trị dịp Tết”, bà Hoan cho biết.

Lặng đi một chút, bà Hoan bỗng bật khóc: “Đó là lần đầu tiên gia đình tôi biết đến căn bệnh nguy hiểm của cháu, cũng là cái Tết đầu tiên của cháu không được quây quần cùng ông bà, cô bác. Không riêng gì tôi, cả gia đình lúc đó đều suy sụp, không nghĩ được nhiều.

Những ngày mới biết cháu bị bệnh, tôi không ăn được, cũng không ngủ được, lo lắng suốt ngày, trong ruột cứ như có lửa đốt. Tôi còn nhớ, ngày 26 tháng Chạp, tôi lên thăm cháu, cháu mệt quá, nằm im lặng, chẳng nói gì với bà nội, chực ứa nước mắt tủi thân, như đang nhớ nhà, buồn quá. Hôm ấy, tôi cũng chẳng nói được gì với cháu, nhìn cháu nằm trên giường mà xót xa, quay vội đi để lau nước mắt, kẻ bố mẹ cháu trông thấy càng rầu”.

An biết bố mẹ lo lắng, nên chỉ sau vài ngày quen điều trị, An đã không còn khóc mỗi khi bác sĩ lấy máu hay cắm kim truyền. An vẫn hay cười, bảo: “Con phải mạnh mẽ như một chiến binh!”.

Bà nội thường xuyên thay bố mẹ chăm sóc An những ngày ở bệnh viện.

Bà nội An tay run run lấy khăn giấy lau những giọt nước mắt xúc động: “Đón Tết ở bệnh viện thì có bao giờ vui được. Mặc dù được các y, bác sĩ quan tâm tận tình, nhưng bố mẹ cháu vẫn áp lực vô cùng, vừa lo cho sức khỏe của con, vừa phải gồng mình giữ sức khỏe của bản thân còn bám trụ mà chăm sóc cho con.

Đùng một cái, phát hiện con mình, cháu mình bị một căn bệnh khó chữa dứt điểm, trong họ hàng ai cũng lo lắng ít nhiều. Tết cũng vì thế mà chẳng còn vui như những năm trước.

Sau một thời gian, lúc lên viện gặp nhiều bạn cùng cảnh ngộ, thì cũng nguôi ngoai đi chút chút, ông bà với bố mẹ cũng thoải mái tư tưởng hơn, tập trung điều trị cho con”.

Cẩm Mịch - Thanh Lam

Theo Người Đưa Tin

Tin nổi bật