Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Đổi sang thẻ Căn cước công dân, thông tin trong Sổ đỏ có bị ảnh hưởng?

(DS&PL) -

Khi đổi sang thẻ Căn cước công dân, các loại giấy tờ như Hộ chiếu, Bằng lái xe, Sổ đỏ có sử dụng thông tin từ Chứng minh nhân dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật.

Khi đổi sang thẻ Căn cước công dân, các loại giấy tờ như Hộ chiếu, Bằng lái xe, Sổ đỏ có sử dụng thông tin từ Chứng minh nhân dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật.

Theo Điều 38 Luật Căn cước công dân chỉ rõ, địa phương chưa có điều kiện về cơ sở hạ tầng thông tin, vật chất, kỹ thuật và người quản lý căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân để triển khai thi hành theo Luật này thì công tác quản lý công dân vẫn thực hiện theo các quy định của pháp luật trước ngày 1/1/2016. Chậm nhất từ ngày 01/01/2020 phải thực hiện thống nhất theo quy định của Luật này.

Như vậy, theo quy định nêu trên của Luật, bắt đầu từ ngày 1/1/2020, việc cấp thẻ Căn cước công dân sẽ được thực hiện trên cả nước.

Người dân cần nắm rõ Luật Căn cước công dân để tránh hiểu sai, gây hoang mang dư luận. Ảnh minh họa

Trước thông tin trên, nhiều người bày tỏ băn khoăn liệu việc đổi sang thẻ Căn cước công dân thì có cần đính chính Sổ đỏ hay các loại giấy tờ tùy thân khác không?

Theo điểm a khoản 1 Điều 5 Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT được sửa đổi tại Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được cấp Giấy chứng nhận thể hiện như sau:

“Cá nhân trong nước thì ghi “Ông” (hoặc “Bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân (nếu có), địa chỉ thường trú. Giấy tờ nhân thân là Giấy chứng minh nhân dân thì ghi “CMND số:…”; trường hợp Giấy chứng minh quân đội nhân dân thì ghi “CMQĐ số:…”; trường hợp thẻ Căn cước công dân thì ghi “CCCD số:…”; trường hợp chưa có Giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân thì ghi “Giấy khai sinh số…”

Theo đó, tại trang 1 của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi là Sổ đỏ) có thông tin số chứng minh nhân dân.

Tại điểm g khoản 1 Điều 17 Thông tư số 23/2014 sửa đổi tại Thông tư số 33/2017 có nêu, người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được xác nhận thay đổi số chứng minh nhân dân, số thẻ Căn cước công dân trên Giấy chứng nhận đã cấp theo nhu cầu.

Như vậy, khi đổi sang thẻ Căn cước công dân, các loại giấy tờ như Hộ chiếu, Bằng lái xe, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có sử dụng thông tin từ Chứng minh nhân dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật. Việc xác nhận thay đổi được thực hiện theo nhu cầu của công dân, không bắt buộc.

Trường hợp có nhu cầu xác nhận thay đổi, người có quyền dử dụng đất thực hiện như sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ gồm

- Đơn đăng ký biến động theo Mẫu số 09/ĐK

- Bản gốc Sổ đỏ đã cấp

- Bản sao thẻ Căn cước công dân và Giấy xác nhận của cơ quan công an có thẩm quyền về việc thay đổi.

- Bản sao chứng thực Sổ hộ khẩu (nếu chưa thay đổi thông tin số Căn cước công dân trong Sổ hộ khẩu thì phải thực hiện trước khi xác nhận thay đổi số Căn cước công dân trên Sổ đỏ).

Bước 2: Nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai nơi có đất.

Đối với nơi chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai thì Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tiếp tục thực hiện việc xác nhận vào Giấy chứng nhận đã cấp.

Bước 3: Trong thời hạn không quá 10 ngày, kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, Văn phòng đăng ký đất đai phải xác nhận việc thay đổi số Căn cước công dân vào trang 3 hoặc trang 4 của Giấy chứng nhận đã cấp.

Đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian thực hiện đối với thủ tục này được tăng thêm 10 ngày.

Trước đó, trao đổi với PV báo Sài Gòn Giải Phóng, Thượng tá Lê Duy Bình, Phó Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TPHCM (PC06), cho biết thời gian đầu năm lượng người đến làm Căn cước công dân tăng đột biến.

Trung bình mỗi ngày Công an TPHCM tiếp nhận 2.300 hồ sơ cấp đổi, cấp lại Căn cước công dân, tăng gần 800 hồ sơ mỗi ngày so với thời điểm trước tết. Có rất nhiều trường hợp chứng minh nhân dân (CMND) còn hạn sử dụng và còn nguyên vẹn, nhưng người dân vẫn làm thủ tục cấp đổi Căn cước công dân.

Qua tìm hiểu, nhiều người dân cho biết do nghe nói từ ngày 1/1/2020 sẽ đồng loạt đổi từ CMND sang Căn cước công dân. Việc này đã gây áp lực rất lớn đến công tác tiếp dân giải quyết thủ tục hành chính và ảnh hưởng đến thời gian, công sức của người dân.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 38 Luật Căn cước công dân, CMND đã được cấp trước ngày luật này có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời gian theo quy định; khi công dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ Căn cước công dân. Như vậy, người dân không nhất thiết phải đổi Căn cước công dân khi CMND còn nguyên vẹn và còn hạn sử dụng (15 năm kể từ ngày cấp). Đặc biệt là tại thời điểm dịch bệnh corona có diễn biến phức tạp, lây lan trong cộng đồng, bộ Y tế đã có khuyến cáo người dân hạn chế đến những nơi đông người.

Nguyễn Phượng (T/h)

Tin nổi bật