Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Độc đáo ngày Tết Trung thu ở các nước châu Á

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Tết Trung thu là ngày lễ lớn có ý nghĩa đặc biệt đối với nhiều quốc gia ở châu Á. Tùy theo phong tục, mỗi nước lại đón Trung thu theo cách riêng.

Việt Nam

Tết Trung thu ở Việt Nam gắn liền với đoàn viên và trẻ em. Càng gần ngày Tết Trung thu, phố phường được trang hoàng rực rỡ với những chiếc đèn lồng, đèn ông sao đầy màu sắc. Các cửa hàng cũng bày bán đủ loại đồ chơi, đèn Trung thu, mặt nạ, đầu sư tử…

Vào ngày Tết Trung thu, các gia đình sẽ bày mâm ngũ quả để cúng Rằm tháng Tám, sau đó cùng nhau ngắm trăng, phá cỗ. Trẻ em tụ họp lại, cùng nhau đi rước đèn, múa hát và tham gia các trò chơi dân gian. Người Việt còn thường tổ chức múa lân, múa sư tử trong dịp Tết Trung thu.

Trung Quốc

Tết Trung thu là lễ hội lớn thứ 2 tại Trung Quốc, chỉ sau Tết Nguyên đán, rất được người dân nước này coi trọng. Vào dịp Tết Trung thu, người Trung Quốc đều trở về sum họp với gia đình.

Mỗi vùng, miền của Trung Quốc lại có phong tục đón Tết Trung thu khác nhau. Thế nhưng, các gia đình đều sẽ treo lồng đèn, ăn bánh nướng và cùng nhau ngắm trăng. Một số địa phương tổ chức lễ rước đèn lồng, múa lân và múa sư tử để Tết Trung thu thêm phần náo nhiệt.

Hàn Quốc

Tết Trung thu hay Chuseok (lễ tạ ơn) là một trong những ngày lễ lớn nhất của Hàn Quốc. Theo truyền thống, đây là dịp nghỉ lễ kéo dài 3 ngày, từ ngày 14/8 – 16/8 âm lịch.

Trong 3 ngày được nghỉ, người dân Hàn Quốc sẽ trở về thăm quê hương, viếng mộ tổ tiên, dành thời gian bên gia đình. Một số món ăn truyền thống dịp Tết Trung thu ở Hàn Quốc gồm bánh songpyeon (bánh gạo nếp hình bán nguyệt), trứng chiên gọi là jeon, thịt viên áp chảo, bánh đậu xanh và rượu gạo.

Người Hàn Quốc thường tặng nhau những món quà ý nghĩa và tốt cho sức khỏe như thịt bò, dầu ăn, hoa quả và nhân sâm. Vào buổi tối, trẻ em sẽ mặc trang phục truyền thống Hanbok và cùng nhau nhảy múa dưới ánh trăng sáng.

Nhật Bản

Người Nhật Bản gọi Tết Trung thu là Tsukimi hoặc O-tsukimi hay Lễ Ngắm trăng. Đối với người dân xứ sở hoa anh đào, đây là lễ hội nhằm tôn vinh mặt trăng trong mùa thu, thời điểm trăng tròn nhất.

Tết Trung thu của người Nhật được tổ chức 2 lần mỗi năm, lần thứ nhất là lễ Zyuyoga vào ngày 15/8 âm lịch, lần thứ 2 là lễ Zyusanya vào ngày 13/9 âm lịch. Vào ngày Rằm tháng 8 âm lịch, người Nhật thường tổ chức một buổi lễ trang trọng.

Trong dịp Tết Trung thu, người Nhật không ăn bánh nướng, bánh dẻo, thay vào đó là loại bánh nếp hình tròn, màu trắng có tên gọi tsukimi dango. Các gia đình đều sử dụng cỏ bông bạc để cắm thay hoa trong nhà, bày một mâm cỗ với nhiều món ăn khác nhau.

Các thành viên trong nhà sẽ quây quần, cùng nhau ăn bánh gạo tsukimi dango, uống trà hoặc saké và ngắm trăng. Một số món ăn khác thường thấy trong Tết Trung thu của người Nhật là hạt dẻ, mì kiều mạch, khoai môn và bí ngô.

Singapore

Cộng đồng người gốc Hoa ở Singapore sẽ ăn mừng Trung thu, vì thế lễ hội này có nhiều nét tương đồng với truyền thống tại Trung Quốc. Đây là dịp để mọi người gửi những lời chúc, món quà may mắn tới người thân, bạn bè và đối tác kinh doanh.

Vài tuần trước Tết Trung thu, những chiếc đèn nhiều màu sắc với các hình dạng khác nhau sẽ được trang trí tại nhiều nơi trên “quốc đảo sư tử”.

Vào Tết Trung thu, các thành viên trong gia đình sum họp cùng trò chuyện, thưởng thức bánh và trà. Ngoài ra, mọi người còn có rất nhiều hoạt động sôi nổi và trò chơi thú vị.

Hoạt động phổ biến nhất trong Tết Trung thu ở Singapore là rước đèn lồng. Bánh Trung thu ở quốc gia này có hương vị khá đặc biệt so với bánh tại Trung Quốc, phổ biến nhất thường là bánh nhân sầu riêng.

Thái Lan

Tết Trung thu ở Thái Lan được gọi là “lễ cầu trăng”, tổ chức vào đúng ngày 15/8 Âm lịch. Theo truyền thuyết, vào ngày này Bát Tiên sẽ mang đào tới cung trăng để chúc thọ Quan Âm bồ tát. Vì thế, người Thái rất thích làm bánh hình quả đào.

Vào ngày Tết Trung thu, người dân sẽ quây quần bên gia đình cùng ăn mừng với hai món phổ biến là bưởi và sầu riêng để mong được viên mãn, sum vầy. Trước ngày Tết Trung thu, các thành phố được trang trí rực rỡ. Trang và Hat Yai là hai thành phố tập trung nhiều người Thái gốc Hoa, do đó lễ hội Trung thu rất đông vui.

Malaysia

Vào dịp Tết Trung thu, người Malaysia thường trở về đoàn tụ cùng gia đình, treo đèn lồng và ăn bánh Trung thu. Bên cạnh đó, người dân còn có các hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa sôi động như múa lân, múa sư tử tạo nên không khí tưng bừng ở trên các đường phố.

Tết trung thu ở Malaysia khá tương đồng với Trung Quốc. Thủ đô Kuala Lumpur và các thành phố tập trung nhiều người gốc Hoa như Penang, Ipoh... là nơi tổ chức Trung thu lớn nhất.

Lào

Người Lào gọi Tết Trung thu là “nguyệt phúc tiết” (lễ hội trăng phước lành). Vào ngày Tết Trung thu, mọi người dân Lào, từ trẻ tới già, từ gái đến trai đều ngắm trăng. Khi hoàng hôn buông xuống, các chàng trai, cô gái nhảy múa hát ca thâu đêm.

Campuchia

Tết Trung thu ở Campuchia được tổ chức vào ngày 15/10 Âm lịch, muộn hơn hẳn so với các nước châu Á khác. Người Campuchia thường gọi Tết Trung thu là lễ hội Ok Om Pok. Lễ hội này thường được tổ chức vào ban đêm với các lễ vật như cốm dẹp, chuối, khoai, mía, súp sắn…

Myanmar

Tết Trung thu ở Myanmar được gọi với nhiều tên khác nhau như Lễ Trăng tròn, Tiết Quang Minh. Vào đêm rằm, các gia đình đều thắp sáng những chiếc đèn lồng khiến các thành phố sáng rực, ánh sáng chiếu rọi khắp nơi.

Bên cạnh đó, người Myanmar cũng tập trung lại cùng xem biểu diễn kịch, nhảy múa, xem phim và nhiều hoạt động vui chơi náo nhiệt khác trong đêm lễ hội này.

Philippines

Tết Trung thu ở Philippines thường được tổ chức và lưu truyền bởi những người gốc Hoa sinh sống và làm việc tại đây. Khi Tết Trung thu tới gần, các khu phố Tàu và khu dân cư tập trung nhiều người Hoa ở Philippines được trang trí bằng những biểu ngữ và đèn lồng rực rỡ sắc màu. Các cửa hàng bánh Trung thu xuất hiện khắp nơi trên đường phố.

Vào ngày Tết Trung thu, người gốc Hoa sống ở Philippines thường làm bánh Trung thu, sau đó đem tặng người thân, bạn bè và hàng xóm. Không chỉ vậy, họ còn tổ chức nhiều hoạt động giải trí thú vị như múa rồng, múa trong trang phục truyền thống Trung Quốc, diễu hành với đèn lồng và xe ô tô.

Đinh Kim (T/h)

Tin nổi bật