Nước rút đến đâu, doanh nghiệp đóng cọc, lấp hồ đến đó khiến người dân lo lắng việc lòng hồ bị lấn chiếm sẽ ảnh hưởng đến mùa màng và tính mạng con người.
Lập barie trên đường dân sinh gây khó người dân
Hồ Thanh Lanh (thôn Thanh Lanh, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) có gốc tích là một thung lũng nằm giữa những dãy núi thấp. Hồ nước tạo thành do tích những giọt nước tự nhiên qua thời gian dài. Có thể vì vậy mà nơi đây có cảnh sắc thanh khiết làm mê lòng nhiều người yêu thiên nhiên.
Nhưng vẻ đẹp tự nhiên ấy hiện nay không còn nữa. Những sườn núi thấp xanh ngát vờn mây trắng đã bị san gạt trọc húi. Những con đường mới dọc những dãy núi thấp cũng đang dần được mở mang, hứa hẹn sẽ trở thành khu du lịch sinh thái hút khách trong nay mai.
Người dân bức xúc vì bị doanh nghiệp chắn đường bằng barie và bảo vệ (ảnh cắt từ clip) |
Con đường dân sinh người dân vẫn đi lại nhiều năm nay bỗng dưng bị doanh nghiệp chặn đứng bằng barie, có nhiều bảo vệ canh gác, chốt chặn. Mặc dù sinh sống ở nơi đây, nhưng mỗi lần đi qua, người dân phải xin phép gây phiền toái và bức xúc.
Ông Phan Văn Đồng, cùng nhiều người dân địa phương bất bình: “Đường xã hội bao năm nay chúng tôi vẫn qua lại, làm việc bỗng dưng bị người ta chắn lại, không cho qua. Đây là điều phi lý không thể chấp nhận. Mỗi lần đi qua phải mất cả tiếng trình bày, lỡ bao công việc của người dân địa phương”.
Ông Phan Văn Đồng và người dân bức xúc việc doanh nghiệp lập barie chắn đường dân sinh |
Người dân cũng cho hay, đây là con đường dẫn vào “Dự án khu du lịch sinh thái Nam Tam Đảo”, do doanh nghiệp Lạc Hồng đang tiến hành triển khai từ cuối năm 2018.
Việc doanh nghiệp lập barie chặn đường đã được người dân làm đơn gửi đến chính quyền địa phương nhưng vẫn chưa được giải quyết…
Doanh nghiệp lấp hồ làm dự án
Không chỉ bức xúc về con đường bỗng dưng bị chặn lối, người dân còn bất bình “tố” doanh nghiệp đang có hành vi lấp hồ, lấn chiếm mặt nước tự nhiên để phục vụ dự án.
Người dân cho biết, nước rút đến đâu doanh nghiệp đổ đất lấn hồ đến đấy |
Người dân thông tin, sau đợt hạn năm 1998, dân Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) vui mừng khi biết tin Nhà nước sẽ đầu tư nhiều tỉ đồng để xây dựng một hồ có dung tích chứa hàng chục triệu mét khối nước, có thể chủ động điều tiết việc tưới tiêu cho hàng chục ngàn hecta đất của bốn xã “vùng cao” Bình Xuyên là Trung Mỹ, Thiện Kế, Bá Hiến và Sơn Lôi. Công trình sẽ được đặt tại thôn Thanh Lanh, xã Trung Mỹ (thuộc diện 135, là một trong những xã nghèo nhất tỉnh Vĩnh Phúc)…
Diện tích trồng cây bạch đàn bị vùi lấp bởi đất dự án |
Cũng từ đó, đời sống của người dân có phần khởi sắc, đổi thay. Rất nhiều hộ dân cũng đã được động viên vào khai hoang, lập nghiệp. Việc canh tác, trồng trọt vẫn diễn ra bình thường cho đến khoảng năm 2004, khi Dự án sinh thái bắt đầu xuất hiện.
Bà Lưu Thị Ba cho biết, những ngày qua, nhiều diện tích trồng cây bạch đàn, trồng màu của người dân địa phương đang bị doanh nghiệp san lấp vô tội vạ. Diện tích lòng hồ Thanh Lanh đang bị đe doạ nghiêm trọng.
“Nước xuống tới đâu, doanh nghiệp tiến hành san lấp đến đó. Ngày không làm được họ làm trộm cả vào ban đêm. Những cột mốc họ cắm xuống rồi lại nhổ lên, lấp đến đâu họ mang cọc cắm vào đó”, bà Ba bức xúc.
Người dân bất bình và lo lắng vì doanh nghiệp đang lấn chiếm lòng hồ để xây dựng dự án |
“Không chỉ hoa màu, cây cối bị mất, diện tích lòng hồ bị ảnh hưởng đến việc tưới tiêu sau này mà khi doanh nghiệp họ lấp hồ, diện tích bị thu hẹp sẽ ảnh hưởng tới sinh mạng người dân sau này. Nước lên, tức nước vỡ bờ, nếu con đập bị tràn thì cả làng Thanh Lanh và vùng lân cận chết hết…”, bà Ba buồn bã nói thêm.
Liên quan đến sự việc, ông Trương Văn Đào –Chủ tịch UBND xã Trung Mỹ cho biết: Đúng là doanh nghiệp có lập barie gây phiền phức cho người dân. Chúng tôi đã báo cáo lên huyện về vấn đề này và đề nghị doanh nghiệp họ làm barie vào sâu bên trong cho người dân đi lại. Còn về việc lấp hồ thì mấy ngày nay chúng tôi cũng đã cử cán bộ chuyên môn vào đó kiểm tra, giám sát…
Xung quanh Dự án Khu du lịch sinh thái Nam Tam Đảo còn nhiều vấn đề khiến người dân bức xúc. CL&XH sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc!
Nguồn: Công lý & xã hội
*Title đã được ĐS&PL Online thay đổi