Cho rằng một số cơ quan chức năng tại TP.HCM cố tình chèn ép, khiến dự án The Mark “chết mòn”, đại diện VK Housing và DWS đã bày tỏ sự bức xúc và bất mãn.
Như đã phản ánh, Dự án The Mark (Q.7) được UBND TP.HCM giao cho Công ty TNHH Quy hoạch và Phát triển nhà Việt Nam - Hàn Quốc (VK Housing) làm chủ đầu tư từ năm 2007. Trong đó, VK Housing là liên doanh giữa 2 pháp nhân Hàn Quốc: P&D Korea Co., Ltd (P&D) và Công ty Lucky Việt Nam Construction Co., Ltd (LVC) chiếm 80% cổ phần; còn pháp nhân Việt Nam – Công ty CP Phát triển và Kinh doanh Nhà (HDTC), chiếm 20% cổ phần (góp bằng QSDĐ khu đất triển khai dự án). Sau đó, 80% cổ phần của P&D và LVC được Daewoo Star Brigde (DWS) mua lại vào năm 2016 và được UBND, cũng như Sở KH&ĐT TP.HCM công nhận quyền thay thế góp vốn tại VK Housing.
Trong khi đó, về phía HDTC, trước khi cổ phần hóa năm 2016 đã thoái hết vốn (20% cổ phần là QSDĐ của dự án) tại VK Housing.
Tuy nhiên, lúc này sau cổ phần hóa, thành viên liên doanh HDTC đã liên tục kiến nghị, tố cáo, rồi khởi kiện VK Housing và nhà đầu tư mới - DWS ra tòa vì cho rằng 2 đơn vị này giả mạo các giấy tờ liên quan đến chuyển nhượng góp vốn và đăng ký doanh nghiệp. Mặc dù sau này các văn bản của Bộ Công an đã khẳng định những tố cáo của HDTC là thiếu căn cứ, thiếu cơ sở nhưng kể từ đó đến nay, dự án The Mark đã và đang “chết mòn”.
Trước vụ việc trên, đại diện VK Housing cho rằng, trước khi cổ phần hóa (năm 2016), HDTC đã thoái vốn khỏi VK Housing. Điều này thể hiện rất rõ trong hồ sơ phương án cổ phần hóa của HDTC. Ở mục quan trọng nhất - mục các vấn đề tiếp tục giải quyết sau cổ phần hóa đã không có bất kỳ dòng nào đề cập đến liên doanh VK Housing, hoặc dự án The Mark. Điều đó đồng nghĩa với việc, người tiếp nối HDTC sau cổ phần hóa không có quyền tranh chấp dự án ở đây.
“Hơn nữa, khi DWS được UBND và Sở KH&ĐT TP.HCM công nhận tư cách thành viên góp vốn tại VK Housing, họ đã đổ tiền vào đây để thanh toán hết giá trị thương quyền khu đất thực hiện dự án và gánh luôn phần nợ thua lỗ của HDTC tại VK Housing. Tại sao ông Đinh Trường Chinh - Chủ tịch HĐQT HDTC hiện tại cứ đi thưa kiện, khiếu nại rồi kêu cứu mãi? Không những vậy, HDTC còn xin giao lại dự án cho riêng HDTC làm, rõ ràng là bất hợp lý một cách trắng trợn” – đại diện VK Housing cho biết.
Liên quan vụ tranh chấp, trước đó Văn phòng Chính phủ (VPCP) đã có các Công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình về việc các bộ ngành liên quan kiểm tra báo cáo sự việc từ kiến nghị của VK Housing về dự án. Thế nhưng, bất chấp các văn bản chỉ đạo của VPCP, khi HDTC đưa vụ việc đến tòa thì chưa cần xét xử, TAND TP.HCM lại ra ngay quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với khu đất thực hiện dự án The Mark. Cục Thi hành án dân sự TP.HCM cũng nhiều lần ra thông báo thi hành án nhưng bất thành vì VK Housing liên tục kêu cứu.
Và mới đây VPCP đã có văn bản mời các bộ: Công an, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường cùng Thanh tra Chính phủ, TAND Tối cao, VKSND Tối cao và UBND TP.HCM tham dự cuộc họp giải quyết kiến nghị của VK Housing. Thời gian diễn ra cuộc họp vào ngày 17/4/2018.
Có thể nói, tranh chấp tại dự án này đã không còn loanh quanh trong phạm vi VK Housing, DWS và HDTC mà thực sự “chấn động” thị trường địa ốc và khiến rất nhiều người trong giới ngạc nhiên lẫn bức xúc.
Liên quan đến cái tên HDTC, các chuyên gia hay dư luận cũng như bạn đọc sẽ không khỏi đặt câu hỏi: Vì sao sau cổ phần hóa, HDTC lại liên tục vướng “lùm xùm” vì kiện tụng tranh chấp với hàng loạt đối tác chứ không chỉ riêng VK Housing? Có thể kể đến những cái tên đã, đang có chuyện “lùm xùm” với HDTC được các cơ quan truyền thông đưa tin như: Công ty TNHH Tân Long, Công ty CP Đầu tư và Địa ốc Sài Gòn Chợ Lớn, Công ty CP Địa ốc 8, CP Đầu tư và Xây dựng Thương mại Đông Tây.
Điều khá giống nhau là các công ty trên đều từng tố HDTC “bội tín”, khi không thực hiện đúng theo thỏa thuận trong hợp đồng đã ký kết?
Về phía VK Housing, đại diện đơn vị này chia sẻ: “Chúng tôi thật sự mệt mỏi. Chúng tôi bỏ tiền ra đầu tư chỉ mong dự án sớm hoàn thành. Thế nhưng, 2 năm qua chúng tôi cứ bị “cuốn” vào thưa kiện. Gỡ chỗ này, chỗ khác lại làm khó. VPCP, UBND TP.HCM can thiệp, rồi kết luận cho chúng tôi làm tiếp. Chưa kịp làm thì tới phiên TAND, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM vào cuộc. Sở KH&ĐT thì không chịu phục hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp dù đã có văn bản rất cụ thể của Bộ Công an. Thật sự chúng tôi rất bất mãn!”.
Đại diện của DWS thì cho rằng, vụ việc cần được các ban ngành TW và Chính phủ sớm xem xét giải quyết thấu đáo, dứt điểm, đúng pháp luật và tôn trọng tinh thần Hiệp định khuyến khích bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Hàn Quốc năm 2004.
Nguồn: Công luận