Cách đây 18 năm, hắn là đại ca có tiếng ở các bãi vàng miền Tây Quảng Nam, đâm chém, cướp bóc với hắn là nghề; Ma túy, cờ bạc với hắn là thú vui; Tiền, vàng với hắn như cỏ rác, 100 cây vàng chỉ đủ tiêu vặt một tháng... Nhưng bây giờ, không còn ai nhận ra hắn của ngày xưa.
“Giấc mơ vàng” và con đường phiêu bạt
Họ tên đầy đủ của hắn là Lê Văn Tuệ, sinh năm 1972. Quê hắn ở Tiên Phước (Quảng Nam). Những năm cuối thế kỷ 20, miền Tây Quảng Nam được mệnh danh là “xứ sở vàng” với hàng trăm bãi khai thác vàng trái phép. Hắn cũng háo hức đi tìm giấc mơ đổi đời. Ban đầu, hắn làm một phu vàng bình thường. Nhưng về sau, với máu giang hồ, hắn nhanh chóng gia nhập các băng nhóm cướp bóc hoặc đâm chém nhau để tranh giành lãnh địa.
Vụ cướp máng đầu tiên vào tháng 2/1992, hắn và đồng bọn thu được 2,6 cây vàng bổi. Sau khi tiêu hết số vàng này, hắn chia tay huynh đệ dạt vào Đắk Nông làm nghề đào đãi đá quý. Cũng như các bãi vàng, các bãi đá cũng rải đầy băng nhóm, ngày đêm lăm le nhau để trấn lột, tranh giành quyền thống lĩnh những nơi màu mỡ. Hắn nhanh chóng gia nhập vào một băng nhóm gồm 6 tên trẻ tuổi cùng quê Nông Cống.
Chuyện về hắn như huyền thoại. Rằng, chỉ một sợ dây lớn nhất của đàn ghi-ta (dây mì) và một cục chì bằng nắm tay, hắn có thể đánh tan tác đám lâu la với cuốc xẻng, xà beng và cả côn nhị khúc.
Đêm đó, khi hắn từ thị trấn Gia Nghĩa vào bãi đá thì bị một băng nhóm phục kích. Hắn bình tĩnh rút trong túi ra sợi dây đàn với một đầu cột chặt vào cục đá và múa tít trên đầu. Khi đó, đối phương chưa kịp tung chưởng thì đã choáng váng bởi cục kim loại quật vào đầu, vào mặt đau tê tái. Dù có một mình nhưng hắn thoát khỏi tay gần 10 tên đầu gấu một cách dễ dàng.
Cũng từ trận đánh lịch sử đêm đó, hắn bỗng chốc nổi tiếng khắp bãi đá ở đây và nghiễm nhiên lên chức đại ca. Sau một thời gian tung hoành ở Đắk Nông, hắn theo bạn vào tận biên giới Tây Ninh học võ và học... cướp. Tuy nhiên, bám trụ ở đây không được bao lâu, hắn trở về quê. Trở về với gia đình, lúc này, nghề đào giếng khá hơn nghề đào vàng nên hắn bằng lòng làm người lương thiện.
Ngày ngày, hắn sách đồ nghề đi khoan giếng, từ Tam Kỳ đến Quế Sơn và có khi ra cả Huế hay vào Quảng Ngãi. Thế nhưng không được bao lâu, hắn gặp lại một chiến hữu ở bãi vàng trước đây và người này rủ hắn lên bãi làm ăn. Hắn vứt dụng cụ khoan giếng, hăm hở trở lên các bãi vàng.
Đêm đầu tiên có mặt tại bãi vàng Phước Thành (Phước Sơn), hắn đã dẫn đầu 10 tên phu vàng gốc Bắc đánh tan tác một số lán trại. Chỉ trong vòng 11 ngày trấn lột, hắn đã thu được 63 cây vàng từ các cuộc cướp bóc. Có vàng, hắn càng liều lĩnh và xưng hùng xưng bá.
Có tiền, hắn lao vào bài bạc, hút chích. Nói về độ tiêu tiền, hắn nổi tiếng khắp các bãi vàng. Có lần, hắn và một tên dân anh chị cầm nguyên 100 cây vàng ra Hà Nội ăn chơi trác táng. Chưa đến một tháng, chúng không còn một xu dính túi. Thế là phải lội vào Quảng Nam lên “xứ sở vàng”.
Cứ như thế, ban ngày hắn đi trấn lột, cướp bóc, ban đêm hắn ngồi sòng và chìm ngập trong khói thuốc phiện. Những năm 97-98, các bãi vàng ở Phước Sơn, Trà My liên tục “trúng quả”. Nghề cướp bóc, bảo kê của hắn càng được dịp phất lên. Có tiền, hắn càng ăn chơi tợn, nhất là món thuốc phiện.
Tự chế thuốc “hóa vàng”
Trong thời gian dặt dẹo ở bãi vàng Phước Sơn, do có “số má” nên hắn được các chủ hầm vàng thuê làm bảo kê. Công việc nhàn hạ nên hắn lân la học nghề “đánh hóa” (cách dùng hóa chất lọc quặng lấy vàng) và nghề tăm vỉa (thăm dò mạch đá có chứa vàng).
Gần một năm “nghiên cứu” hắn bỗng dưng nổi tiếng cả bãi vàng vì tay nghề đánh hóa và tài tăm vỉa “bách phát bách trúng”, hắn liên tục được các lán mời mọc săn đón và trả công như một chuyên gia.
Khoảng cuối năm 1998 do khai thác vô tội vạ, vàng ở các bãi dần cạn kiệt, các chủ hầm lần lượt phá sản. Không có nơi cung phụng, hắn và đàn em hơn chục tên không có tiền phê ma túy nên lên cơn vật vã. Để có tiền xài, hắn liên tục xin đểu, cướp, trấn lột của các chủ hầm.
Đang lúc bị công an thường xuyên truy quét, đãi không ra vàng lại bị hắn quấy nhiễu nên các chủ hầm vàng hợp sức lại chống trả khiến cả Tuệ lẫn đàn em đều nhiều lần bị trọng thương.
Đang lúc túng quẫn hắn gặp một ân nhân, đó là Mông “cận”, quê ở huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. Mông vốn là một nhà giáo, tính cẩn thận, làm ăn bài bản nên mặc dù cả bãi vàng gặp khó nhưng lán của anh ta vẫn sống tốt.
Một ngày cuối năm 1998, một nhóm côn đồ đã chặn đường đánh Mông. Đúng lúc đó, Tuệ tình cờ đi qua. Dù không biết Mông “cận” là ai nhưng thấy chuyện bất bình, hắn rút “vũ khí dây đàn” xông vào cứu. Để trả ơn, Mông “cận” đã mời hắn về làm đốc công và bảo kê cho lán của mình. Đang túng quẫn nên hắn nhận lời ngay.
Từ 23/10/1998 đến 4/4/1999 là khoảng thời gian thanh thản nhất của hắn ở bãi vàng. Không chỉ làm bảo kê, hắn còn tích cực tham gia lao động nên được Mông rất tin tưởng và quan tâm.
Tháng 4/1999, sau khi không khuyên được Tuệ cai ma túy, Mông bỏ lán trại và dụng cụ lại cho hắn rồi đi tìm hầm vàng mới. Mông vừa đi khỏi, đám em út cũ của Tuệ từ Thái Nguyên mới vào không có việc làm lại tìm đến xin đầu quân. Vừa thương chúng, lại đang lúc hầm vàng bỏ trống, hắn gật đầu đồng ý.
Hoàn lương sau vụ làm “bác sĩ bất đắc dĩ”
Chỉ 1 tuần sau khi tiếp quản hầm vàng của Mông “cận”, hắn đã phải bán hết máy móc, dụng cụ rồi cùng cả bọn lang thang quanh những lán trại cũ sống lay lắt. Và, trong lúc cố gắng tìm kiếm những gì còn sót lại của một hầm vàng bỏ hoang, một thằng bé trong bọn bị đá đè dập xương ống chân.
Trong lúc trời mưa to, cả bọn không có đồng xu dính túi nên không thể đưa nạn nhân đi bệnh viện. Lo sợ bị hoại tử, nhiễm trùng, hắn liều lĩnh tự tay tháo khớp chân cho thằng bé. Không thuốc mê, không thuốc tê, hắn dùng dây dù để “cố định” nạn nhân vào sạp. Dụng cụ mổ là dao thái rau và kim chỉ khâu áo quần, dao mổ được sát trùng bằng bếp lửa.
Sau 30 phút, hắn đã làm xong việc tháo khớp cho nạn nhân. Những ngày sau đó, hắn cùng đàn em đi đánh hóa thuê cho các chủ hầm kiếm tiền sống qua ngày. Riêng thằng bé bị tháo khớp, nhờ có hêrôin nên cũng đỡ đau và thật may mắn vết cắt không bị nhiễm trùng và sau 2 tuần thì lành hẳn.
Sau khi tiếp nhận lũ đàn em và làm “bác sĩ bất đắc dĩ”, Tuệ bỗng suy nghĩ nhiều về cuộc đời mình. Sau nhiều ngày đấu tranh tư tưởng, hắn quyết định cai nghiện và hoàn lương.
Biết ý định “bỏ vàng” của Tuệ, một người đã hào phóng cho hắn nguyên một mẻ máng, đãi được 9,3 lượng vàng. Hắn cầm số vàng này ra Hà Nội, vào nhà một người bạn tên Cường gần Bệnh viện Bạch Mai thuê bác sĩ đến để điều trị cai nghiện. Sau khi cai nghiện thành công, hắn trở về quê nhà với mẹ già. Và lần này, hắn làm yên lòng người mẹ khi lấy vợ và sinh cháu cho bà.
Để mưu sinh, hắn cùng vợ buôn hàng quế, những lúc nhàn rỗi, hắn đi đãi cát, sạn trên sông kiếm thêm thu nhập. Dù cuộc sống chật vật nhưng được cái hắn đã đoạn tuyệt được với ma túy.
Trong nhiều năm qua, nhiều lần có người rủ rê trở lại bãi vàng, nhưng hắn vẫn cương quyết không đi. Gần 20 năm lăn lộn các bãi vàng đã đem lại quá nhiều đắng cay, tủi nhục nên hắn quyết không sa ngã một lần nữa, hắn muốn giữ hạnh phúc đơn sơ mà mình đang có.
Vét hơi cuối đời lừa thiên hạ
Đầu năm 2012, hắn thấy cơ thể mình ngày một yếu đi. Mười mấy năm nghiện ngập, hắn biết mình đã mắc phải căn bệnh không thể nào chữa khỏi. Lúc này, tiền làm ra của hai vợ chồng đều đổ vào thuốc thang cho hắn. Nhìn vợ chắt chiu từng đồng bạc lẻ để lo cho mình, hắn lại quyết định, đi tìm... vàng.
|
Vàng giả Tuệ dùng để đi lừa |
Rời quê nhà, hắn đi một mạch lên Kon Tum. Như một thói quen, đôi chân hắn dừng lại ở các bãi vàng. Nhưng bây giờ không một ai chào đón, xun xoe, cung phụng cho hắn. Hắn lang thang tìm việc vặt vãnh kiếm sống qua ngày. Rồi hắn nghĩ, không đào được vàng thật trong bãi thì hắn sẽ ra các tiệm vàng ngoài phố để... đào.
Tháng 8/2013, tại bãi vàng ở xã Hiếu (huyện Kon Plong), hắn mua một cục vàng giả của một người lạ mặt với giá gần 4 triệu đồng. Đã từng đào đãi vàng, đã từng là người đi “tăm vàng” nên hắn biết khó ai phát hiện được món hàng hắn mới mua là hàng giả.
Sau đó, hắn cấu kết với 2 đối tượng ở Quảng Ngãi là Trần Văn Ngạc (25 tuổi, xã Ba Động, huyện Ba Tơ) và Dương Minh Quang (24 tuổi, thị trấn Ba Tơ) lập nhóm đóng vai phu đào vàng đi bán vàng.
Ngày 15.9, cả nhóm kéo lên thị trấn Di Lăng để bán “vàng”. Hắn phân công Ngạc cầm “vàng” vào tiệm vàng Bảy Thiên bán, còn hắn và Quang đứng chờ ở bên ngoài tiếp ứng. Vào tiệm, Ngạc nói với ông Võ Trọng Thuyên (46 tuổi, chủ tiệm vàng): “Đây là số vàng được đãi tại một bãi vàng ở huyện Tây Trà, bây giờ cần gấp tiền nên em phải bán”.
Lúc này trời sẩm tối, mưa lớn, sau khi xem vàng bằng mắt, ông Thuyên đồng ý mua và nói giá khoảng 2,5 triệu đồng/chỉ. Sau khi cân được 3,5 chỉ, ông Thuyên đưa cho Ngạc gần 9 triệu đồng. Bán được vàng, hắn và 2 chiến hữu chia nhau tiêu xài.
Tối 17/9, hắn và Ngạc, Quang đến xã Đức Lân, huyện Mộ Đức để tiếp tục bán “vàng”. Đến thôn Thạch Trụ Tây, hắn phân công Trần Văn Ngạc vào hiệu vàng Hường và ngỏ ý bán vàng. Khi ông Đoàn Xuân Đàm (43 tuổi, chủ hiệu vàng) hỏi vàng này ở đâu, Ngạc trả lời đó là số vàng được chúng đãi được tại xã Hiếu (huyện Kon Plong). Cầm trên tay kiểm tra và cắn thử, không phát hiệu điều gì bất thường, ông Đàm đã mua số vàng trên với giá 6 triệu đồng.
Thấy dễ ăn, ngày 21/9, hắn lại bảo Ngạc, Quang quay lại hiệu vàng Hường và diễn lại vở kịch mà 4 ngày trước chúng đã diễn. Lần này ông Đàm quyết không để chúng thoát nên liền gọi điện báo công an xã Đức Lân. Biết bị phát hiện, Dương Minh Quang nhanh chóng lên xe máy bỏ chạy. Nhiều người dân địa phương và lực lượng Công an xã đã truy đuổi, bao vây bắt đối tượng.
Sau 2 giờ đồng hồ, cơ quan công an đã bắt được Quang khi y đang trốn tại một nhà xưởng bỏ hoang tại Cụm công nghiệp Thạch Trụ. Đấu tranh khai thác nóng với Quang, Công an huyện Ba Tơ tiếp tục bắt giữ Trần Văn Ngạc. Lúc này, biết hành vi lừa đảo của mình bị lộ nên hắn tìm cách lẩn trốn. Trong khi hắn đang đứng đón xe khách để về Quảng Nam thì bị Công an huyện Mộ Đức bắt giữ./.