(ĐSPL) - Ngay đầu năm 2014, bất động sản Việt Nam vẫn tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư nước ngoài, đứng thứ 2 về thu hút vốn FDI, vậy nhưng nhiều doanh nghiệp Việt lại đang tìm cách “thoát thân”.
Doanh nghiệp Việt “đoạn tuyệt”
24/2/2014, Vinamilk công bố sẽ giải thể một công ty con hoạt động trong lĩnh vực bất động sản - Công ty TNHH Một Thành viên Đầu tư Bất động sản Quốc tế. Công ty này hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh nhà, môi giới, kinh doanh bất động sản, cho thuê kho, bến bãi…
|
Chiến lược của Vinamilk là sẽ tập trung vào lĩnh vực sản xuất chính!
|
Được biết, Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư Bất động sản Quốc tế thành lập từ năm 2006 với vốn điều lệ 160 tỷ đồng, trong đó Vinamilk sở hữu 100\% vốn. Tuy nhiên, chiến lược của Vinamilk là sẽ tập trung vào lĩnh vực sản xuất chính nên suốt từ đó đến nay, Công ty chưa triển khai dự án bất động sản nào.
Trước đó một tuần, Bộ Tài chính cũng công bố và lấy ý kiến về dự thảo nghị định ban hành quy chế quản lý tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Theo đó, EVN có thể không được góp vốn hoặc đầu tư cũng như phát hành trái phiếu vào lĩnh vực bất động sản và một số lĩnh vực khác.
Cùng thời điểm này, Bộ Tài chính cũng cho hay, Công ty mẹ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) được quyền sử dụng vốn, tài sản thuộc quyền quản lý của mình để đầu tư ra ngoài nhưng có thể cũng không được góp vốn vào doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hoặc đầu tư các dự án bất động sản và một số lĩnh vực khác.
|
Doanh nghiệp trong nước "đoạn tuyệt" BĐS, vốn ngoại ồ ạt vào! |
Được biết, hiện Petro Vietnam đang nắm giữ một tỷ lệ cổ phần khá lớn tại một số đơn vị trong lĩnh vực bất động sản, trong đó tập đoàn này cũng đang rốt ráo thoái vốn đầu tư tại các lĩnh vực nhạy cảm này, song chưa tìm được đối tác cũng như mức giá chuyển nhượng phù hợp.
Cuối năm 2013, bằng việc bán cổ phiếu của công ty cổ phần đầu tư bất động sản An Phú, Hoàng Anh Gia Lai (mã HAG) bắt đầu thoái vốn khỏi lĩnh vực bất động sản.
Theo đó, HAG đăng ký chào bán 32.957.385 cổ phiếu bất động sản An Phú, tổng giá trị chào bán theo mệnh giá gần 330 tỷ đồng. Được biết, bất động sản An Phú đang thi công 2 dự án bất động sản lớn, bao gồm dự án căn hộ Phú Hoàng Anh (giai đoạn 2) và dự án Thanh Bình.
Cũng thời gian này, Viet A Bank cũng thông báo đăng ký bán 2,2 triệu cổ phiếu địa ốc Đất Xanh (DXG) và mua thêm 400 nghìn cổ phiếu công viên nước Đầm Sen (DSN).
Theo VietABank, mục đích thoái bớt vốn tại DXG nhằm cơ cấu lại danh mục. Hiện tại VietABank đang sở hữu 5,5 triệu cổ phiếu DXG tương đương 10,42\% và là cổ đông lớn thứ hai tại Địa ốc Đất Xanh.
Vốn ngoại ồ ạt đổ vào
Trong khi đó, ngay tháng đầu năm 2014, lĩnh vực kinh doanh bất động sản vẫn tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư nước ngoài, đứng thứ 2 về thu hút vốn FDI. Tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm khoảng 176 triệu USD, chiếm gần 45\% tổng vốn.
Đáng chú ý nhất trong số đó phải kể đến việc Tập đoàn Texhong (Trung Quốc) dự định sẽ triển khai xây dựng một khu công nghiệp ở tỉnh Quảng Ninh với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 950 triệu USD.
Tỉnh Quảng Ninh cũng đang lên kế hoạch về việc cấp chứng nhận đầu tư cho Tập đoàn Amata (Thái Lan) với dự án Khu đô thị công nghệ cao, tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới khoảng 2 tỷ USD.
Quảng Ninh còn có những siêu dự án vẫn được nhắc tới nhiều thời gian gần đây như dự án sân bay Vân Đồn, khu nghỉ dưỡng phức hợp có casino ở Vân Đồn…với số vốn dự kiến lên tới hàng chục tỷ USD.
|
Khu nghỉ dưỡng phức hợp có casino ở Vân Đồn với số vốn dự kiến lên tới hàng chục tỷ USD. |
Cuối năm 2013, hàng loạt thương vụ mua bán có giá trị lớn cũng đã diễn ra như Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) và các công ty con đã thực hiện thương vụ mua lại cao ốc văn phòng Gemadept Tower (Lê Thánh Tôn, quận 1, TP HCM); Công ty Becamex Tokyu (liên doanh giữa tỉnh Bình Dương và Nhật) công bố khu thương mại của khu đô thị Tokyu Binh Duong Garden City để mời gọi các nhà bán lẻ vào dự án tỷ đô này; Tập đoàn Keppel Land (Singapore) đã nhận được giấy phép đầu tư vào dự án Khu Đô thị Hà Nội Westgate....
Tiếp xúc báo chí, ông David Leibel - chủ tịch Alma – một trong những nhà đầu tư mới của phân khúc bất động sản VN cho rằng: “Khi mà suất đầu tư của phân khúc bất động sản thương mại trên toàn thế giới vẫn có dấu hiệu giảm mạnh thì thị trường bất động sản VN có dấu hiệu “chạm đáy” và đang trên đà hồi phục. Điều này mang lại lợi thế về giá cả cho các nhà đầu tư quốc tế so với các thị trường lân cận”.
Vì sao nhà đầu tư nước ngoài muốn đổ vốn vào thị trường bất động sản Việt Nam, trong khi doanh nghiệp trong nước lại đang tìm cách tháo lui? Đời sống & Pháp luật sẽ tìm câu trả lời ở kỳ tiếp theo... |
Long Vũ