Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Điều tra lại vụ vợ làm giả giấy tờ, lừa chồng mang nhà đi bán

(DS&PL) -

TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm, đề nghị điều tra lại vụ án bị cáo Nga làm giả giấy tờ rồi mang cầm cố vay mượn và rao bán nhà của chồng mình.

Tòa án nhân dân Cấp cao tại TP.HCM tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm, đề nghị điều tra lại vụ án bị cáo Bùi Thị Hồng Nga làm giả giấy tờ rồi mang cầm cố vay mượn và rao bán căn nhà tiền tỷ của chồng mình.

Báo Công lý đưa tin, sáng 5/6, TAND cấp cao tại TP HCM mở phiên tòa xét xử phúc thẩm đối với bị cáo Bùi Thị Hồng Nga, sinh năm 1963, ngụ quận 3, TP HCM tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Bị cáo Nga tại phiên tòa. Ảnh: báo VietnamNet.

Báo Infonet dẫn nguồn tin từ bản cáo trạng, khoảng tháng 2/2013 bà Nga vay 600 trăm triệu đồng của ông Văn Tấn Phong, với lãi suất 6%/tháng. Hai bên thỏa thuận tài sản thế chấp là giấy chủ quyền căn nhà thuộc phường 12, quận 10.

Tuy nhiên, do không có khả năng trả nợ nên bà Nga đã rao bán căn nhà để trả cho ông Phong. Biết chuyện, ông Dũng - chồng bà Nga đã không đồng ý.

Không thuyết phục được chồng, bà Nga đã lấy một số giấy tờ tùy thân của chồng rồi nhờ một người tên Loan (không rõ lai lịch) hướng dẫn làm giả hợp đồng ủy quyền từ người chồng sang cho mình rồi mang đi công chứng. Tiếp đó bà này nhờ người môi giới bán căn nhà trên cho ông Võ Thành Tiên với giá 1,6 tỉ đồng. Nhận tiền xong bà Nga giữ luôn, không báo cho chồng biết. Tới tháng 11/2014 ông Dũng phát hiện sự việc nên đã làm đơn tố cáo.

Báo VietnamNet thông tin thêm, tháng 9/2016, bị cáo Nga bị TAND TP.HCM tuyên phạt 2 năm tù về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” và 8 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Đồng thời, tuyên hủy Hợp đồng mua bán nhà ở và chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bị cáo Nga và ông Tiên, buộc Nga phải bồi thường lại số tiền 1,6 tỷ đồng cùng hơn 40 triệu đồng tiền trước bạ và tiền nộp thuế thu nhập cá nhân.

Tuy nhiên, cũng như lời khai tại phiên sơ thẩm, tại phiên phúc thẩm sáng nay, bị cáo Nga khai không hề bán căn nhà trên cho vợ chồng ông Tiên mà do cần tiền để trả nợ nên bà tới vay ông Tiên tiền, nhưng vợ chồng ông này buộc bị cáo phải viết giấy bán nhà mới cho vay.

Ngày 5/6, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã bác kháng cáo của các bị hại. Đồng thời, dù bị hại và bị cáo không kháng cáo mức hình phạt nhưng căn cứ vào lời khai của bị cáo, bị hại và qua nghiên cứu hồ sơ, HĐXX thấy, cấp sơ thẩm chưa làm rõ hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bị cáo”.

Bởi, bị cáo khai vay tiền và bị buộc phải viết giấy bán nhà, đặc biệt là có sự chênh lệch quá lớn về số tiền bán nhà và giá trị thực của căn nhà (bị cáo bán nhà có 1,6 tỷ đồng trong khi Hội đồng định giá căn nhà này có giá thị trường là hơn 4,8 tỷ đồng).

Vì vậy, HĐXX đã tuyên hủy một phần bản án, đề nghị cấp sơ thẩm điều tra lại hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của bị cáo.

Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ năm 2009):

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Tái phạm nguy hiểm;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

g) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;

b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo

(Tổng hợp)

Tin nổi bật