Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Vụ tố thư ký tòa nhận tiền "chạy án": Hủy 2 bản án, điều tra lại

(DS&PL) -

Ủy ban thẩm phán TAND cấp cao tại TP.HCM đã họp giám đốc thẩm và quyết định hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Ngọc Vân về tội cố ý gây thương tích

Ủy ban thẩm phán TAND cấp cao tại TP.HCM đã họp giám đốc thẩm và quyết định hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Ngọc Vân về tội cố ý gây thương tích.

Báo Thanh Niên đưa tin, ngày 7/3, Ủy ban thẩm phán TAND cấp cao tại TP.HCM đã họp giám đốc thẩm vụ án “cố ý gây thương tích” đối với bị cáo Mai Thị Ngọc Vân (36 tuổi, ngụ Q.Tân Bình).

Theo đó, Ủy ban thẩm phán đã chấp nhận toàn bộ kháng nghị của Viện KSND cấp cao tại TP.HCM, hủy bản án phúc thẩm của TAND TP.HCM, bản án sơ thẩm của TAND Q.Tân Bình và hủy Quyết định khởi tố vụ án “cố ý gây thương tích” của HĐXX phúc thẩm để điều tra, xét xử lại vụ án theo đúng quy định pháp luật.

Theo Ủy ban thẩm phán, việc điều tra của cấp sơ thẩm không đầy đủ và việc áp dụng pháp luật tố tụng hình sự của TAND TP.HCM không đúng quy định. Ngoài ra, quyết định khởi tố vụ án liên quan đến người nhà bà Vân cũng không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án.

Liên quan đến vụ việc, báo Dân trí trích dẫn cáo trạng thể hiện,  nhà cha bà Vân là ông Mai Văn Mười có mâu thuẫn với nhà hàng xóm là ông Trịnh Quang Hân. Khoảng 16h30 ngày 1/6/2014, trời bắt đầu đổ mưa, ông Hân ra quay tấm bạt che mưa, cố tình để cho tay quay va đập nhiều lần vào dàn cây cảnh trước sân nhà Vân. Đôi bên xảy ra đôi co, cãi vã. Con ông Hân là Trịnh Quốc Việt chạy ra đấm đá Vân.

Bà Mai Thị Ngọc Vân - Ảnh: Người đưa tin

Ông Hân không can ngăn mà còn giữ chặt hai tay Vân cho con mình ra tay. Việt và ông Hân cùng tham gia đánh Vân. Sau đó, hàng xóm đến can và em Vân là Mai Khải Hoàn chạy ra đánh ông Hân để bảo vệ Vân.

Ngày 2/6/2014, Vân nghĩ lại chuyện bị ông Hân và Việt đánh ngày hôm trước, ấm ức nên chạy ra lượm cây củi đánh Việt. Anh Trung (anh trai Việt) chạy ra can ngăn thì bị Vân đánh trúng vào đầu ngất xỉu. Lúc này, ba mẹ Vân chạy ra can và kéo Vân về. Sau đó, ông Hân, Trung, Việt làm đơn tố cáo Vân về tội cố ý gây thương tích.

Với hành vi của mình, bị cáo Vân bị TAND quận Tân Bình tuyên án sơ thẩm 9 tháng tù. Bị cáo được tại ngoại vì đang nuôi con nhỏ. Sau bản án sơ thẩm, bị cáo kháng cáo toàn bộ bản án.

Trong quá trình chuẩn bị xử phúc thẩm, Vân tố cáo thư ký TAND TP tên N. - người ban đầu được giao phụ trách làm thư ký phiên xử phúc thẩm vụ án này, có hành vi gạ gẫm Vân nộp tiền “chạy án”. Sau đó, cơ quan công an cũng bắt quả tang Phan Văn Khang - chồng của N., nhận tiền từ Vân.

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 9/8/2016, đại diện VKS đề nghị hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra lại vì 1 số tình tiết trong vụ án không thể làm sáng tỏ tại tòa, bản án sơ thẩm vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Đồng thời, VKS cũng đề nghị làm rõ vai trò của chồng thư ký tòa tên N.

Tuy nhiên, HĐXX không đồng tình với các kiến nghị của VKS, thẩm phán khẳng định bản án sơ thẩm phạt Vân 9 tháng tù giam là… không nhận được sự đồng tình của xã hội, cần tăng cao hình phạt. Vì vậy, HĐXX quyết định tăng hình phạt của bị cáo Vân từ 9 tháng tù lên 4 năm tù.

Sau khi án có hiệu lực pháp luật, Mai Thị Thu Vân làm đơn kháng nghị giám đốc thẩm. Sau đó, Viện KSND Cấp cao tại TPHCM ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm vụ án.Theo kháng nghị này, Viện KSND Cấp cao tại TPHCM nhận định việc áp dụng pháp luật tố tụng hình sự về khởi tố vụ án của tòa án cấp phúc thẩm không đúng quy định; Bản án sơ thẩm của TAND quận Tân Bình và bản án phúc thẩm của TAND TPHCM có kết luận không phù hợp với những tình tiết, chứng cứ khách quan của vụ án.

Kháng nghị cũng đánh giá các bản án có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật hình sự và dân sự dẫn đến sai lầm trong việc giải quyết vụ án; mức án 4 năm tù là chưa đánh giá đầy đủ tính chất, mức độ hành vi phạm tội và đặc điểm nhân thân của bị cáo…

Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009)

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;

b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;

c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;

d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;

e) Có tổ chức;

g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;

h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;

i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;

k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì  lý do công vụ của nạn nhân.

2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật  từ  61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm. 

4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo

Tổng hợp

Tin nổi bật