Báo Lao Động dẫn thông tin trên Daily Mail cho hay, theo các nhà khoa học đến từ Đại học College London (London, Anh), việc tiêu thụ tối đa 105g chất có cồn mỗi tuần có khả năng làm giảm khả năng trụy tim, đột quỵ hay co thắt ngực ở các bệnh nhân tim mạch.
Nếu tính một cách tương đối thì con số nói trên tương đương với khoảng 6 cốc bia cỡ vừa hoặc hơn một chai rượu vang một chút. Tuy nhiên, các nhà khoa học nhấn mạnh rằng, họ không khuyến khích những bệnh nhân tim mạch không có thói quen uống rượu bia làm theo điều này.
Theo Giáo sư Chengyi Ding - Trưởng nhóm nghiên cứu, nghiên cứu của Đại học College London đã sử dụng dữ liệu của 48.423 người trưởng thành mắc bệnh tim mạch từ Ngân hàng dữ liệu Y học Anh, qua đó tìm hiểu về thói quen sử dụng rượu bia của họ cũng như các báo cáo về việc lên cơn đau tim đột ngột, đột quỵ trong khoảng thời gian 20 năm.
Kết quả điều tra cho thấy, những người uống 15g chất có cồn một ngày (tương đương 1 cốc bia cỡ vừa) có nguy cơ tái phát đột quỵ, đau thắt ngực hoặc tử vong thấp hơn so với người không uống bia rượu.
Ngoài ra, những người uống hơn 62g chất có cồn mỗi ngày (tương đương 4 cốc bia) không cho thấy dấu hiệu gia tăng nguy cơ biến chứng tim mạch.
Uống 1 cốc bia mỗi ngày có tác dụng bất ngờ. Ảnh minh họa
Hồi tháng 5/2021, các chuyên gia thuộc Bệnh viện Đa khoa Massachusetts (Mỹ) cũng công bố một báo cáo về việc uống một lượng chất có cồn vừa phải hàng ngày có khả năng làm giảm nguy cơ tử vong đối với những người mắc bệnh tim mạch.
Theo đó, “một lượng chất có cồn vừa phải hàng ngày” là 1 cốc bia đối với phụ nữ và 2 cốc đối với nam giới.
Bác sĩ Kenechukwu Mezue - thành viên nhóm nghiên cứu thuộc Bệnh viện Đa khoa Massachusetts cho hay, họ tin rằng một lượng chất có cồn vừa phải có khả năng có tác động lên não giúp bệnh nhân thư giãn, giảm mức độ căng thẳng, có lẽ thông qua những cơ chế này sẽ giúp giảm tỷ lệ biến chứng tim mạch.
Liên quan đến vấn đề uống 1 cốc bia thì phải mất bai lâu để nồng độ cồn về 0, VnExpress dẫn thông tin từ bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng ở Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga (Bộ Quốc phòng) cho biết, nhìn chung không có câu trả lời chính xác cho câu hỏi này vì điều đó phụ thuộc vào từng người. Mỗi người sẽ có thời gian khác nhau và nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ thải trừ cồn của cơ thể.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra khái niệm đơn vị cồn như sau: Một đơn vị cồn tương đương với 10g cồn ethanol nguyên chất, bằng 200ml bia; 75ml rượu vang (1 ly); 25 ml rượu mạnh (1 chén). Tùy vào lượng uống sẽ quy ra khoảng bao nhiêu đơn vị cồn.
Với một người trưởng thành có sức khỏe bình thường, trung bình cứ sau 1 giờ gan sẽ đào thải 1 đơn vị cồn. Tùy theo thể trạng, quãng thời gian này có thể tăng lên hoặc giảm đi. Khoảng 10-15% cồn sẽ đào thải qua đường hô hấp, da và mồ hôi, còn khoảng 85-90% cồn sẽ được xử lý qua gan.
Một cốc bia tương đương khoảng 2 đơn vị cồn, trung bình sẽ mất khoảng 2 giờ để thải trừ. Thế nhưng sau khi thải trừ, cơ thể cần 2 - 3 giờ để cồn trong máu về 0. Vì thế, nếu bạn uống 1 cốc bia thì phải mất khoảng 5 giờ thổi nồng độ cồn mới không lên.
Theo các nhà nghiên cứu, khi nồng độ cồn trong cơ thể ở mức cao, có nghĩa là khi uống nhiều rượu thì tốc độ thải trừ cồn của gan lại nhanh hơn. Trái lại, khi nồng độ cồn trong cơ thể ít thì tốc độ này sẽ chậm đi.