Tờ báo Le Monde của Pháp mới đây đưa tin, Anh và Pháp đã “kích hoạt lại” các cuộc đàm phán về việc điều quân đội phương Tây và các công ty quốc phòng tư nhân đến Ukraine.
Tuy nhiên, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết thông tin này “không phù hợp với thực tế” và đã vấp phải sự phản đối của hầu hết các nước châu Âu.
“Không có sự nhất trí về quan điểm giữa các nước châu Âu liên quan đến vấn đề này. Nhưng tất nhiên, một số người nóng nảy đang cân nhắc”, ông Peskov chia sẻ.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: TASS
Trước đó, tờ Le Monde trích dẫn các ngồn tin cho biết “các cuộc thảo luận nhạy cảm và bí mật” đã được khởi động lại sau chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 và nguy cơ Washington dừng hỗ trợ Kiev.
Hồi tháng 2/2024, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng gây chấn động khắp châu Âu khi tuyên bố không loại trừ khả năng điều quân đội đến Ukraine. Đức đã bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với động thái này.
“Các cuộc thảo luận đang diễn ra giữa Anh và Pháp về hợp tác quốc phòng, đặc biệt là xem xét tạo ra một nhóm đồng minh nòng cốt ở châu Âu, tập trung vào Ukraine và an ninh châu Âu theo nghĩa rộng". Le Monde dẫn lời một nguồn tin quân sự Anh.
Hôm 23/11, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Noël Barrot đã kêu gọi các đồng minh phương Tây “không đặt ra và thể hiện các ranh giới đỏ” trong sự ủng hộ của họ đối với Ukraine. Khi được hỏi về khả năng điều quân đội Pháp đến đây, ông nói: “Chúng tôi không loại trừ bất cứ lựa chọn nào”.
Theo một nguồn tin ngoại giao, bình luận của ông Barrot chỉ đơn giản là thể hiện lập trường không thay đổi của Tổng thống Macron rằng không nên loại trừ bất kỳ điều gì với lý do “sự mơ hồ về mặt chiến lược”.
Mặc dù Điện Elysée hay Bộ Quốc phòng Pháp chưa "bật đèn xanh cho việc gửi quân đội hoặc nhà thầu tư nhân" nhưng tờ Le Monde cho biết "các đề xuất đã được đưa ra thảo luận trong nhiều tháng".
Các thông tin được đưa ra vào thời điểm Ukraine tăng cường sử dụng tên lửa tầm xa. Mỹ đã “bật đèn xanh” cho phép Kiev tấn công vào lãnh thổ Nga bằng tên lửa ATACMS mà nước này cung cấp. Hồi tuần trước, Ukraine tấn công một sở chỉ huy của Nga tại Kursk bằng tên lửa Storm-Shadows do Anh sản xuất.
Ông Andrei Kelin – Đại sứ Nga tại Anh cáo buộc London hiện đã “trực tiếp tham gia” vào cuộc xung đột bởi cuộc tấn công nói trên “không thể diễn ra nếu không có sự hỗ trợ của nhân viên Anh cũng như nhân viên NATO”.
Trong khi đó, Pháp vẫn giữ im lặng về việc sử dụng tên lửa hành trình Scalp – một biến thể của tên lửa Storm Shadow, có tầm bắn tối đa lên đến 560km. Đến nay, chưa xuất hiện thông tin nào về cuộc tấn công bằng tên lửa Scalp nhằm vào mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nga.
Các thông tin được đưa ra vào thời điểm Ukraine tăng cường sử dụng tên lửa tầm xa. Ảnh minh họa: themoscowtimes.com
Telegraph cho biết, các báo cáo về khả năng quân đội phương Tây tham gia vào cuộc xung đột xuất hiện khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky yêu cầu “những đảm bảo an ninh” từ các đồng minh trước bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào.
Theo nhà nghiên cứu Elie Tenenbaum tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, quân đội phương Tây có khả năng được điều đến Ukraine khi lệnh ngừng bắn được ký kết "để đảm bảo an ninh của đất nước và sự tuân thủ của Nga".