Theo VietNamNet, chiều 23/7, sau một buổi xét xử, TAND khu vực 11 - TP.HCM đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Bình (44 tuổi, trú phường Phước Thắng, TP.Vũng Tàu cũ) 4 năm 6 tháng tù về tội “Vô ý làm chết người”.
Trước đó, vào tháng 2, vụ án được đưa ra xét xử sơ thẩm nhưng sau phần xét hỏi, TAND TP.Vũng Tàu (cũ) đã tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Sau đó, VKSND cùng cấp vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố về tội danh như trên đối với bị cáo Bình.
Tại phiên tòa hôm nay, HĐXX nhận định hành vi phạm tội của bị cáo Bình gây nguy hiểm cho xã hội, gây ra nỗi mất mát lớn đối với gia đình cháu bé. Hơn nữa, bị cáo không thành khẩn khai báo nên cần có mức án nghiêm khắc đủ sức răn đe, phòng ngừa chung.
Từ đó, tòa tuyên phạt mức án như trên, cao hơn đề nghị của đại diện VKS là 18 tháng đến 24 tháng tù. Về trách nhiệm dân sự, tòa tuyên buộc bị cáo Bình phải bồi thường cho gia đình bị hại số tiền hơn 230 triệu đồng.
Bị cáo Nguyễn Thị Bình tại tòa. Ảnh: VietNamNet
Liên quan đến vụ việc, VnExpress cho biết, theo cáo trạng, Nguyễn Thị Bình mở điểm giữ trẻ tự phát tại nhà trên đường Bình Giã (TP.Vũng Tàu cũ). Sáng 12/4/2023, chị Đ.L.K.L (30 tuổi) đưa con gái 11 tháng tuổi đến gửi, thời điểm đó Bình đang chăm thêm hai cháu nhỏ khác.
Khoảng 10h15, sau khi cho uống sữa, Bình để bé nằm ngủ trên đệm ở phòng khách. Gần một giờ sau, bé thức dậy và tiếp tục được cho uống sữa. Sau đó, Bình đưa bé ra sân sau thay bỉm, tắm rửa rồi đặt trở lại phòng khách để ngủ.
Khoảng 15 phút sau, nghe tiếng ho, Bình chạy vào thì thấy bé ói, sữa trào ra từ mũi. Bình dùng miệng hút sữa, rồi nghiêng người bé, vỗ lưng và vuốt ngực. Khi con gái đi học về, Bình nhờ tìm cách sơ cứu trên mạng. Do đường truyền yếu, không tải được video, Bình nghe con đọc hướng dẫn bằng văn bản rồi làm theo.
Bình bế đầu bé hướng xuống đất, một tay giữ cổ, tay còn lại vỗ vào gáy và phía sau đầu. Chỉ khi thấy môi bé tím tái, Bình mới dừng lại và cùng con gái đưa đi cấp cứu. Bé nhập viện trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở và tử vong ngày 6/5.
Tại tòa, Bình khai trước khi giữ trẻ tại nhà, bị cáo làm việc ở một nhóm trẻ tại TP.Vũng Tàu (cũ), song không ký hợp đồng lao động, chỉ được trả công theo thỏa thuận. Đồng thời, bị cáo cho biết chưa từng trải qua các khóa đào tạo về nghề bảo mẫu.
Bị chủ tọa truy vấn về chứng chỉ đào tạo bảo mẫu cơ quan điều tra phát hiện, bị cáo khai do một phụ huynh tặng và không biết chứng chỉ này thật hay giả, chỉ để trong nhà chứ không sử dụng. Về hôm xảy ra sự việc, bị cáo khẳng định không có việc mình làm rơi trẻ, mà chỉ vỗ 4-5 cái vào lưng trong quá trình sơ cứu.
Tòa cho rằng bị cáo Bình giữ trẻ tại nhà nhưng không được cấp phép, không có chứng chỉ hành nghề, thiếu kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm sơ cứu khi trẻ gặp sự cố. Việc bị cáo cho rằng đã sơ cứu đúng cách khi bé sặc sữa nhưng dẫn đến chấn thương sọ não khiến nạn nhân tử vong là không phù hợp với kết luận giám định.
Căn cứ hồ sơ, HĐXX xác định trước khi xảy ra sự việc, bé gái đã mắc viêm phế quản cấp. Nguyên nhân tử vong được xác định là suy đa cơ quan trên nền chấn thương sọ não và viêm phổi, có yếu tố rối loạn đông máu...
Tòa đánh giá bị cáo hành động với mục đích sơ cứu, mong muốn cứu chữa khi cháu bé gặp nguy hiểm. Bị cáo cũng nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế, tuy nhiên bé không qua khỏi – hậu quả nằm ngoài ý chí chủ quan. Do đó, hành vi của bị cáo chỉ đủ cấu thành tội "Vô ý làm chết người".
Về việc bị cáo Bình sử dụng chứng chỉ đào tạo bảo mẫu có dấu hiệu tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức hoặc tội Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức, nhưng cơ quan điều tra cho rằng chưa đủ căn cứ xử lý.
Tuy nhiên, lời khai của bị cáo tại tòa có căn cứ chứng minh chứng chỉ của bị cáo Bình không đảm bảo tính trung thực khách quan và giá trị pháp lý. Do đó, TAND khu vực 11 - TP.HCM kiến nghị các cơ quan tố tụng cấp trên xem xét giám sát để xác định lại sự thật vụ án một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ, không bỏ lọt tội phạm.
Khi nói lời sau cùng, bị cáo Bình hướng mắt về phía vợ chồng bị hại xin lỗi và chấp nhận phán quyết của tòa.