Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Điện ảnh Việt đảo chiều với dòng phim hoài niệm thời xa vắng

(DS&PL) -

Phim hài nhảm một thời từng là “mảnh đất vàng”, nhưng nay đang trở nên lố bịch và mất chỗ đứng trước xu hướng ngược lại là phim hoài niệm quá khứ...

Phim hài nhảm một thời từng là “mảnh đất vàng”, nhưng nay đang trở nên lố bịch và mất chỗ đứng trước xu hướng ngược lại là phim hoài niệm quá khứ, đầy suy tư, trăn trở, nghiêm ngắn. Gần đây nhất là bộ phim Dạ cổ hoài lang của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng ở thể loại này và đang làm mưa làm gió. Điều đáng lưu tâm là xu hướng điện ảnh duy dĩ vãng liệu có sống được lâu, hay rồi cũng lại “chết yểu”?

Có thắng nổi “con gà đẻ trứng vàng”?

Vài năm qua, phim hài luôn chiếm ưu thế. Thể loại này từng được xem là “con gà đẻ trứng vàng” cho các nhà sản xuất, vì đầu tư ít, nhưng khả năng thu hồi vốn và lợi nhuận cao. Tuy nhiên, do muốn “ép” giá thành sản xuất giảm đến mức tận cùng, để tiết kiệm chi phí, nhiều đoàn phim thực hiện một cách hời hợt, các yếu tố hài thô tục, phản cảm vẫn tràn lan... Nhiều khán giả đến rạp xem phim, lúc bước ra không khỏi ngán ngẩm thở dài vì phim nhạt và cách “mua” tiếng cười quá dễ dãi.

Chính cách làm phim chộp giật này mà khán giả dần quay lưng với phim hài khiến nhiều nhà sản xuất bị thua lỗ. Điều này buộc các nhà làm phim phải thay đổi để “chiều” lòng người xem.

Một điểm khá dễ thấy, trong khoảng thời gian gần đây, dòng phim hoài niệm bắt đầu lên ngôi. Có lẽ, khởi đầu là sự thành công của phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh và Em là bà nội của anh. Nếu Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đưa khán giả quay trở lại thời tuổi thơ thì Em là bà nội của anh lại có nhiều hình ảnh nhắc nhớ về một Sài Gòn xưa...

Tiếp theo đó là sự thành công của hàng loạt bộ phim đong đầy ký ức xưa cũ, đầy hoài niệm như Cuộc đời của Yến, tái hiện không gian làng quê Bắc Bộ trước 1945 với nhiều nét truyền thống đến nay vẫn còn lưu giữ, hay Sài Gòn anh yêu em, thể hiện sự hào sảng của người Sài Gòn kết hợp những cung bậc cảm xúc của nghệ thuật cải lương...

Tất cả các bộ phim này đều chất chứa tình cảm, gây xúc động người xem. Không ít khán giả phải rơi nước mắt, cảm nhận có một phần con người mình trong từng nhân vật, nhắc nhớ những ký ức tuyệt đẹp khi màn hình đã tắt.

Hiện nay, bộ phim Dạ cổ hoài lang của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đang “làm mưa làm gió” ở các rạp. Phim được chuyển thể từ vở kịch cùng tên và đã từng được diễn hàng nghìn suất trong hàng chục năm qua.

Hoài Linh với tạo hình nhân vật ông Tư Lành trong "Dạ cổ hoài lang".

Dưới bàn tay “ma thuật” của vị đạo diễn có biệt danh Dũng “khùng” cũng như lối diễn tự nhiên, thấm đượm tình người của hai diễn viên Hoài Linh và Chí Tài, bộ phim đã đạt được thành công ấn tượng. Phim kể về hai người từng là tình địch nay là hàng xóm tha hương trên đất Mỹ.

Với lát cắt cuộc sống, phim đưa câu chuyện của hai người bạn già về tuổi thanh niên khờ khạo, mối tình tay ba trong sáng, những buổi hát đình... Phim còn gây ấn tượng mạnh với những cảnh quay ở nước ngoài được phủ bằng màu trắng của tuyết, đen của sự bức bối, đối nghịch với màu xanh mướt của những cánh đồng lúa ở quê nhà. Đây là hình ảnh ước lệ, tạo sự đối nghịch trong tâm hồn, tình cảm của các nhân vật.

Mới đây, bộ phim Lô tô cũng đã chính thức công chiếu. Người Nam Bộ và Nam Trung Bộ đã quá quen thuộc với những gánh lô tô. Trong tâm trí mọi người, lô tô luôn gắn liền với những con người “lạc loài” ở thế giới thứ ba.


Đến với phim, khán giả sẽ bắt gặp những “cô đào” luôn cố gắng trang điểm thật đẹp, ăn mặc lộng lẫy, cười thật tươi, thật duyên và biểu diễn nhiệt tình để mua vui cho mọi người. Nhưng, đằng sau lớp son phấn, hào nhoáng kia là nỗi buồn, tủi thân lẫn lo lắng... NSƯT Hữu Châu vào vai “cô đào” chính Lệ Liễu một cách ngọt ngào, chỉ cần một cái liếc mắt, nhíu mày, phẩy tay cũng thể hiện được niềm vui, nỗi buồn lẫn sự lo lắng.

Sắp tới, làng phim Việt sẽ có khá nhiều phim lấy hoài cổ làm nét chính, chỉ cần nghe tựa đề đã có thể hứa hẹn lấy nước mắt người xem như Có căn nhà nằm nghe nắng mưa, Cô gái đến từ hôm qua, Cô Ba Sài Gòn...

Vừa mừng, vừa lo

Nhìn lại điện ảnh thế giới trong thời gian qua, những bộ phim được tôn vinh luôn là những tác phẩm xoáy sâu vào thân phận, số phận con người, phơi bày những tình cảm, góc khuất của nhân vật như Moonlight (Ánh trăng), The Artist (Nghệ sĩ), 12 Years A Slave (12 năm nô lệ), The Danish Girl (Cô gái Đan Mạch), La La Land (Những kẻ khờ mộng mơ)...

Trong khi đó, ở điện ảnh Việt, những bộ phim dạng này chưa được chú trọng. Với sự lên ngôi của xu hướng làm phim về những giá trị văn hóa xưa, hoài cổ hứa hẹn có thể đẩy mạnh khai thác những vấn đề nhân văn, những điều tử tế chứ không phải chỉ là những mảng tiếng cười xòa và chẳng đọng lại điều gì khi kết thúc.

Đạo diễn Luk Vân chia sẻ, trong khoảng thời gian dài, người làm phim Việt chỉ chú trọng vào hài mà quên mất bi, sự hoài niệm. Thật ra, trong mỗi con người luôn có xu hướng hoài cổ, nhớ về những điều đã xảy ra, đã chứng kiến trong cuộc sống.

"Cô gái đến từ hôm qua" dù chưa ra mắt nhưng đã gây sự chú ý.

Do đó, nó chưa bao giờ là cũ và lỗi thời. Điều quan trọng là khi lên phim, sự hoài cổ được dẫn dắt như thế nào để người xem có thể rung động, thậm chí rơi nước mắt.

“Tôi nghĩ rằng, xu hướng làm phim hoài cổ, phim bi là xu hướng đúng đắn. Nay, xu hướng này quay lại là một báo hiệu đáng mừng”, Luk Vân nói.

Đạo diễn Lý Minh Thắng bộc bạch: "Với sự xoay vần của công việc, cuộc sống, mọi người có xu hướng trở về với hoài niệm. Ngay chính tôi cũng như thế nên muốn khắc họa, gợi lại những giá trị truyền thống tốt đẹp có nguy cơ bị lãng quên theo năm tháng lên phim. Trong vô vàn những bộ phim hài, hành động chưa tới, tôi muốn tạo độ lắng, có thể chạm sâu vào trái tim người xem nên những tác phẩm của tôi đều đang đi theo xu hướng này...”.

Xu hướng làm phim hoài cổ đang thắng thế phim hài nhảm là điều không cần tranh cãi. Những bộ phim đã công chiếu thu hút được khán giả, nhưng vẫn còn nhiều “sạn”.

Chẳng hạn, Dạ cổ hoài lang có kịch bản nhiều lỗi, chưa khai thác hết thế mạnh khung hình mang tính điện ảnh. Kịch tính trong phim xử lý chưa tốt, điểm thắt và mở nút của bộ phim thiếu sự tinh tế...

Trong Lô tô, nếu NSƯT Hữu Châu đóng đạt hơn cả mong đợi, thì Hoa khôi Nam Em, khuôn mặt đẹp nhưng không thể hiện được tâm lý nhân vật với cách diễn gượng ép, cứng đơ nhiều lúc làm tụt cảm xúc của người xem...


Phim hoài cổ dù tính nhân văn cao, nhưng thường có mạch phim chậm, cảnh quay buồn... Nếu màn ảnh rộng cứ liên tục xuất hiện dày đặc những thước phim “mua” nước mắt bằng sự hoài niệm, trước sau gì cũng sẽ rơi vào tình trạng “chết yểu” như phim hài thời gian qua.

Bởi cái gì quá nhiều thì cũng sẽ tạo sự nhàm chán. Do đó, người làm phim phải biết tìm cách làm mới mình, không nên đổ xô theo tâm lý đám đông để rồi tạo sự chán ngán, quay lưng với phim Việt của khán giả trong nước.

Huy Cường

Tin nổi bật